PGS.TS Đỗ Quang Hùng và ThS.BS Lê Hoàng Vĩnh, khoa Tạo hình thẩm mỹ, Bệnh viện Chợ Rẫy, nhận giải thưởng Nhân tài Đất Việt. Ảnh: BVCC. |
Ban tổ chức giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2023 vừa công bố 3 công trình trong lĩnh vực Y - Dược được trao giải vì có tính sáng tạo cao.
Các công trình này có giá trị khoa học - công nghệ đã được ứng dụng thành công trong thực tiễn, đạt hiệu quả cao trong khám chữa bệnh và có ý nghĩa kinh tế - xã hội lớn.
Cụ thể, Bệnh viện Chợ Rẫy đạt giải nhì (không có giải nhất) với công trình "Tạo hình thẩm mỹ bằng sụn sườn tự thân" do PGS.TS Đỗ Quang Hùng và ThS.BS Lê Hoàng Vĩnh, khoa Tạo hình thẩm mỹ của bệnh viện, thực hiện.
Theo PGS.TS Đỗ Quang Hùng, kỹ thuật tạo hình thẩm mỹ mũi bằng sụn sườn tự thân sẽ khắc phục biến chứng cong vênh khi sử dụng sụn sườn tự thân trong tạo hình mũi.
Kỹ thuật này là phương pháp sử dụng sụn sườn sáng tạo. Nó góp phần giải quyết được nhiều trường hợp bệnh lý mà trước đây không thực hiện được hoặc sau mổ sẽ có nhiều biến chứng.
Với những trường hợp bệnh nhân có mũi chỉnh sửa lại, bị chấn thương, dị tật bẩm sinh, nó khắc phục được các khiếm khuyết trong các trường hợp mũi biến dạng do mổ nhiều lần.
Đồng thời, kỹ thuật này giúp bệnh nhân giảm bớt những gánh nặng về tâm lý, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh.
Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM đạt giải thưởng với công trình "Giá trị các chỉ dấu sinh học hTERT mRNA, AFP, AFP-L3, DCP trong phát hiện bệnh ung thư tế bào gan”, do PGS.TS Nguyễn Hoàng Bắc, Giám đốc bệnh viện chủ nhiệm đề tài và các cộng sự thực hiện.
PGS.TS Nguyễn Hoàng Bắc, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM (giữa) nhận giải thưởng. Ảnh: BVCC. |
Ung thư biểu mô tế bào gan là bệnh lý gan mật ác tính thường gặp nhất của ung thư gan và có tỷ lệ tử vong cao. Đây là loại ung thư đứng đầu tại Việt Nam. Tuy nhiên, tại Việt Nam, nghiên cứu các chỉ dấu ung thư để tầm soát ung thư gan hiện chưa nhiều.
Dựa trên công trình nghiên cứu này, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM đã triển khai kỹ thuật xét nghiệm định lượng PIVKA tại khoa Xét nghiệm, nhằm hỗ trợ chẩn đoán ung thư biểu mô tế bào gan trên lâm sàng.
Ngoài hai bệnh viện nêu trên, Trường Đại học Y Dược TP.HCM cũng nhận giải thưởng này với công trình “Phẫu thuật kích thích não sâu điều trị bệnh Parkinson”. Đây là công trình do TS.BS Phạm Anh Tuấn, Trưởng bộ môn Ngoại Thần kinh của trường thực hiện cùng cộng sự.
Kỹ thuật này nhằm cấy các điện cực, được chế tạo tinh vi vào cấu trúc cụ thể nằm sâu trong não. Đây là một trong những phương pháp tiến bộ nhất trên thế giới, được khuyến cáo sử dụng trong điều trị bệnh Parkinson và nhiều rối loạn vận động khác.
Cuốn sách bên bờ sự sống
Ngành y là ngành luôn chứng kiến ranh giới sự sống - cái chết của người khác, nhưng Khi hơi thở hóa thinh không lại là một cuốn sách đặc biệt khi nó là khoảnh khắc đối diện cái chết của người viết trong cả vai trò bác sĩ lẫn bệnh nhân. Cuốn hồi ký được bác sĩ thần kinh Paul Kalanithi viết khi căn bệnh ung thư trở nặng, anh ngồi trên xe lăn và nhớ về những tháng ngày cống hiến cho ngành y.