7h sáng, bác sĩ Nguyễn Hồng Nhung, khoa Phẫu thuật Tạo hình Hàm mặt - Bệnh Viện Răng Hàm Mặt Trung ương, đã có mặt ở viện. Cô tranh thủ khám cho các bệnh nhân trước khi bước vào ca phẫu thuật.
9h, cô và ê-kíp vào phòng phẫu thuật cho tới 16h cùng ngày mới trở ra. 7 tiếng không phải là ca vi phẫu dài nhất mà bác sĩ Nhung đã trải qua. Từng có một ca mổ mà cô và đồng nghiệp phải đứng liền một mạch 15 tiếng mới nghỉ ăn tạm món gì lót dạ rồi lại vào mổ.
Công việc vất vả, Hồng Nhung vẫn luôn dịu dàng với mọi bệnh nhân của mình. Tại Việt Nam, ở tuổi 36, cô là một trong số ít bác sĩ nữ theo đuổi và thành công với ngành vi phẫu.
Trong y học, vi phẫu được ứng dụng vào nhiều cuộc mổ quan trọng. Kỹ thuật này giúp khâu mạch máu và các dây thần kinh bị đứt, trồng nối chi thể bị đứt rời, chuyển ghép vạt da, chuyển ngón chân thành ngón tay cái... Khi tiến hành kỹ thuật này, bác sĩ sẽ sử dụng kính hiển vi có độ phóng đại 8-25 lần để phẫu tích và khâu nối vết thương không thể nhìn thấy bằng mắt thường như các mạch máu nhỏ có đường kính khoảng 1 mm, bao bó sợi thần kinh. Bởi vậy, đây được coi là ngành khó, không phải bác sĩ ngoại khoa nào cũng mạnh dạn, quyết tâm theo đuổi, đặc biệt là nữ giới.
Ở khoa Phẫu thuật Tạo hình Hàm mặt - Bệnh Viện Răng Hàm Mặt Trung ương, bác sĩ Nhung đóng góp rất lớn trong việc phát triển vi phẫu và biến kỹ thuật này thành thường quy. Hơn 500 ca vi phẫu được thực hiện tại khoa đều có sự góp mặt của nữ bác sĩ này.
Nhiều người sẽ rất bất ngờ khi biết chị là một bác sĩ vi phẫu. Cơ duyên nào đưa chị đến với một ngành khó như vậy?
- Tôi về khoa từ năm 2011, chính thức phát triển kỹ thuật vi phẫu. Tuy nhiên, ngay từ những năm tháng sinh viên, tôi đã bị cuốn hút bởi kỹ thuật này. Nếu những chuyên ngành khác chỉ điều trị bệnh lý, vi phẫu lại dường như có thể mở ra một chân trời mới cho bệnh nhân. Tôi không ngờ khi những bộ phận trên cơ thể bị mất đi lại có thể tái tạo được. Nhận ra điều tuyệt vời đó, tôi đã bị cuốn hút và đam mê.
Lần đầu tiên chị được thực hiện vi phẫu cho bệnh nhân là lúc nào?
- Khi còn là sinh viên ngành y năm thứ 3 ở Nga, tôi về Việt Nam thực tập tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã chứng kiến một ca bệnh thay đổi suy nghĩ và đưa tôi đến quyết định gắn bó với vi phẫu. Đó là một ca phẫu thuật lớn, cũng chính là ca vi phẫu đầu tiên tôi được phụ mổ.
Lần đầu nhìn vùng chuẩn bị phẫu thuật, tôi sững sờ khi trước mặt mình là một đống bùng nhùng dúm dó với hai cái ống cắm vào hai cái lỗ. Tôi đã thật sự bị sốc khi biết đây là khuôn mặt của một cô gái bằng tuổi mình, bị biến dạng hoàn toàn do axit, không còn nhìn thấy mắt, mũi, môi và các bộ phận. Hai lỗ được cắm ống chính là hai lỗ mũi của bệnh nhân.
Khi bác sĩ mổ mắt, rất may, bệnh nhân này chỉ bị hỏng phần da nên vẫn nhìn được. Các bác sĩ đã phải lấy một vạt vi phẫu ở tay lên để sau này làm mũi, miệng… cho bệnh nhân.
Sau đó, định kỳ hàng năm, tôi về Việt Nam thực tập trùng thời gian bệnh nhân làm các phẫu thuật tiếp theo. Tôi may mắn được tham gia phụ mổ cho bệnh nhân này 3 lần. Tôi đã chứng kiến bạn ấy vui đùa, hát ở bệnh viện với khuôn mặt rạng rỡ. Sự sống đã quay về, tinh thần bạn ấy thay đổi hẳn. Trước khi tôi sang Nga học tiếp, bạn ấy viết một bưu thiếp cảm ơn, chia sẻ rằng lúc bị tạt axit, không muốn sống nhưng gia đình cố gắng giữ lại. Sau các ca phẫu thuật, bạn ấy sống tích cực, yêu đời hơn. Bây giờ, bạn ấy làm công việc dịch thuật rất giỏi.
Ca bệnh khiến tôi thực sự ngỡ ngàng vì vi phẫu có thể đem lại cuộc sống mới cho bệnh nhân như thế. Chính nó đã khiến tôi có cảm hứng đặc biệt với công việc. Tôi cũng gặp nhiều trường hợp, đặc biệt là những ca ung thư vùng hàm mặt với khuôn mặt bị gặm nhấm, thối rữa, biến đổi từng ngày. Tất cả chức năng khác cũng mất dần, làm cho cuộc sống của bệnh nhân rất khó khăn. Sau khi mổ bóc tách khối u, bác sĩ sử dụng kỹ thuật vi phẫu để tạo hình lại khuôn mặt. Như vậy, bệnh nhân không chỉ bảo toàn tính mạng mà còn được trả lại chức năng.
Bác sĩ là công việc vất vả. Là một bác sĩ vi phẫu, có lẽ sự vất vả còn tăng lên rất nhiều?
- Vi phẫu là kỹ thuật làm dưới kính hiển vi với các mạch máu và dây thần kinh có đường kính nhỏ khoảng 1 mm. Tại Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương, hầu hết bệnh nhân bị tổn thương vùng hàm mặt, trong đó, nhiều người mắc ung thư. Thông thường, một kíp mổ sẽ cắt những khối u trên vùng mặt của bệnh nhân, để lại khuyết hổng rất lớn, không thể “đóng” lại. Vì vậy, sau ca phẫu thuật, bệnh nhân mất đi vẻ ngoài bình thường, thậm chí không còn các chức năng quan trọng vùng mặt.
Nhiệm vụ của bác sĩ vi phẫu là làm sao để đưa một phần cơ thể ở chỗ khác vào đó để vừa “đóng” được vết thương, vừa phần nào hồi phục chức năng đã bị cắt bỏ đi và cuối cùng, cố gắng trả lại cho họ khuôn mặt càng giống trước kia bao nhiêu càng tốt.
Vi phẫu sẽ giúp giảm rủi ro bởi nó nối mạch máu để nuôi các tổ chức được đưa lên vùng hàm mặt. Phẫu thuật viên còn phải có kiến thức để lấy được vạt vi phẫu phù hợp với khuôn mặt, nối được mạch máu ổn định.
Chính vì vậy, thời gian của các ca phẫu thuật này thường lâu hơn, đòi hỏi sự chi tiết, tỉ mỉ cao hơn. Sau mổ, kết quả không phải có thể nhìn thấy ngay, chúng tôi cần theo dõi 1-2 ngày xem vạt nuôi có sống tốt hay không. Nhìn chung, đây là quá trình phức tạp và gây căng thẳng cho kíp mổ.
Thời gian trước, những ca mổ như vậy rất nặng nề. Khoa Phẫu thuật Tạo hình Hàm mặt chỉ mổ 1-2 ca/tháng. Tuy nhiên, từ năm 2012 đến nay, chúng tôi đã phát triển vi phẫu thành thường quy, mổ 1-2 ca mỗi tuần, có thời điểm nhiều hơn. Tôi vừa đứng mổ chính vừa học việc ở tất cả hơn 500 ca. Tôi không có thời gian ở nhà. Mỗi tuần, tôi chỉ ngủ ở nhà 1-2 tối, thời gian còn lại là trực và mổ cấp cứu.
Chủ động chọn một công việc không mấy dễ dàng. Vậy đâu là điểm được và mất công việc đem đến cho chị?
- Được nhất có lẽ là làm những điều mình thích. Đó là điều hạnh phúc bởi không phải ai cũng có được sự đam mê, yêu thích trong công việc. Điều hạnh phúc lớn nhất là việc làm của tôi và đồng nghiệp đem lại hy vọng cho bệnh nhân. Nhiều bệnh nhân ung thư đến với chúng tôi với sự suy sụp. Họ từ bỏ việc điều trị. Lúc đó, mình đem đến cho họ sự hy vọng về một cuộc sống có thể trở lại như trước rồi cùng họ chiến đấu. Còn cái mất có lẽ là tuổi thanh xuân. Thanh xuân của tôi là trong phòng mổ.
Sự bận rộn phải chăng sẽ khiến nữ bác sĩ thiệt thòi và ít có được hạnh phúc cá nhân?
- Tôi đồng ý là công việc bận rộn ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống. Từ khi còn là sinh viên, tôi tận dụng mọi thời gian mình có để vào phòng mổ học hỏi. Thời gian vui chơi, bay nhảy gần như là không có. Thậm chí, đàn ông khi đó nhìn thấy tôi tỏ vẻ ái ngại và tránh. Vì thế, tôi cũng ít lựa chọn hơn. Khi có gia đình, câu hỏi đặt ra là phải hy sinh cái gì và để hoàn mỹ được mọi cái là sức ép lớn đối với tôi.
Ngoại hình xinh đẹp đem lại cho chị sự phiền toái hay thuận lợi trong công việc?
- Nhiều người nhìn bề ngoài không nghĩ tôi là bác sĩ, lại là phẫu thuật viên có thể thực hiện trọn vẹn một ca vi phẫu. Có bác sĩ khi gặp tôi ở hội nghị còn hỏi: "Ơ, thế làm thật à? Nhìn bé, anh tưởng chỉ chơi với làm đẹp thôi chứ?". Ở các hội nghị quốc tế cũng vậy, khi các chuyên gia nhìn thấy tôi, lúc đầu họ có vẻ coi thường vì vi phẫu là kỹ thuật rất khó, mà trông tôi chỉ như sinh viên mới ra trường. Đến khi thực hiện ca vi phẫu, họ thấy tôi rất thành công thì mới nhìn nhận khác đi.
Thậm chí, khi tôi đề cập muốn theo ngành vi phẫu, các thầy cho rằng chỉ là sự bộc phát, nói rồi để đấy. Họ không nghĩ một cô gái như tôi có thể sống chết với nghề như vậy. Lúc đó, tôi rất buồn vì không được tin tưởng nhưng vẫn nghĩ rằng kết quả công việc sẽ chứng minh tất cả.
Tại sao chị không chọn một công việc nhẹ nhàng hơn?
- Bố mẹ đã tìm mọi cách để ngăn cản tôi. Ngay từ khi tốt nghiệp đại học, gia đình dứt khoát muốn tôi tránh ngoại khoa. Họ hướng tôi theo nhãn khoa bởi lĩnh vực này nhẹ nhàng và phù hợp với phụ nữ hơn. Tôi cũng có thời gian học về chuyên ngành mắt và lúc mới ra trường thì làm việc tại Bệnh viện Mắt Trung ương. Nhưng sức hấp dẫn đặc biệt của vi phẫu khiến tôi luôn bứt rứt. Mong muốn được phẫu thuật lớn đến mức khi làm chuyên khoa mắt, cứ xong việc là tôi lại chạy về Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, chui vào phòng mổ để học hỏi. Cuối cùng, gia đình đã đồng ý cho tôi theo đuổi công việc mình muốn.
Những ca mổ kéo dài, căng thẳng, mệt mỏi, đã bao giờ chị muốn từ bỏ?
- Thông thường, trong suốt ca phẫu thuật, bác sĩ sẽ không cảm thấy mệt mỏi mà chỉ tập trung vào kỹ thuật để làm sao đạt được kết quả tốt nhất. Sự mệt mỏi chỉ xuất hiện khi bước chân ra khỏi phòng mổ. Lúc đó, quả thật là rất, rất mệt. Nếu ca mổ kéo dài, bác sĩ có thể phải cần nghỉ ngơi trong 1-2 ngày mới có thể hồi phục sức khỏe để làm việc tiếp. Với phụ nữ, đương nhiên sẽ mệt mỏi hơn nam giới.
Thông thường, ca mổ chỉ kéo dài đến khoảng 14h chiều, nhưng cũng có những ca phát sinh vấn đề phức tạp, kéo dài hơn. Từng có một ca mổ mà tôi đã trải qua kéo dài từ 9h sáng hôm nay đến 3h sáng ngày hôm sau. Lúc đó, kíp mổ đứng liền một mạch từ 9h sáng đến 0h đêm mới nghỉ “ăn trưa”, sau đó lại vào làm tiếp đến 3h sáng thì xong.
Trong công việc, tôi cũng không tránh được sự mệt mỏi khi có những cạnh tranh không lành mạnh, sự xem thường phụ nữ. Đôi khi mình làm hết nhưng công lao lại thuộc về người khác chỉ vì mình là con gái, với quan niệm: “Ca khó thế này, làm sao một đứa con gái có thể làm được”. Đó là cảm giác mệt mỏi khi mình gắng sức không được ghi nhận và coi trọng.
Nhiều năm trong nghề, chị có lời khuyên nào cho các bạn trẻ, đặc biệt là nữ giới, nếu muốn theo nghề y giống mình?
- Tôi thực sự không dám đưa ra lời khuyên. Thực tế có nhiều học viên khi nhìn thấy những điều tôi làm cũng tỏ ra ngưỡng mộ và muốn theo. Lúc đó, tôi chỉ khuyên các em nên suy nghĩ kỹ về cái được, cái mất. Đó là tuổi trẻ, sức lực, độ bền bỉ, là sự ảnh hưởng rất nhiều đến gia đình. Các em muốn theo phải theo đến cùng, bỏ giữa chừng, cái mất sẽ lớn hơn rất nhiều.