Sáng 27/1, GS.TS Phạm Mạnh Hùng, Viện trưởng Viện Tim mạch Việt Nam, cho biết ca can thiệp tim mạch được thực hiện chiều 26/1 là một trường hợp động mạch vành phức tạp. Bệnh nhân nữ 80 tuổi, có nhiều bệnh lý nền như tăng huyết áp, đái tháo đường, suy thận và chỉ còn một thận.
Mới đây, bệnh nhân nhập viện vì bệnh lý động mạch vành cấp ở một bệnh viện tuyến tỉnh. Sau khi được chụp động mạch vành qua da để xét can thiệp nhưng vì tổn thương động mạch vành rất phức tạp và nguy cơ cao nên người bệnh được chuyển đến Viện Tim mạch Việt Nam.
GS.TS Phạm Mạnh Hùng, Viện trưởng Viện Tim mạch Việt Nam và kíp can thiệp thực hiện tại Đơn vị Tim Mạch Can thiệp, Viện Tim mạch Việt Nam. |
Tại Viện Tim mạch Việt Nam, các bác sĩ hội chẩn và đưa ra nhận định đây là một ca khó, nguy cơ cao, nhiều bệnh lý đi kèm, tổn thương động mạch vành rất phức tạp với nhiều chỗ hẹp, vôi hóa toàn bộ cả 3 nhánh động mạch vành kèm tổn thương thân chung động mạch vành trái.
"Với tổn thương nghiêm trọng này, trước đây, buộc phải mổ mở mới. Nhưng bệnh nhân có nhiều bệnh nền, mổ mở nguy cơ rất lớn. Vì thế, các bác sĩ quyết định lựa chọn biện pháp can thiệp nong và đặt stent cho người bệnh", GS Hùng thông tin.
Các bác sĩ chia làm 2 thì can thiệp. Lần thứ nhất, can thiệp nhánh động mạch vành phải là nhánh thứ yếu trước đó một tuần để tạo thuận lợi cho lần can thiệp này.
Lần can thiệp thứ 2 được thực hiện chiều 26/1, trình chiếu trực tiếp đến hội nghị về tim mạch ở Singapore. Các bác sĩ can thiệp trực tiếp vào tổn thương hẹp rất nặng của thân chung động mạch vành trái kèm theo 2 nhánh chính bên trái.
Chuyên gia cho biết trước đây, tổn thương thân chung được coi là chống chỉ định để can thiệp, nhưng ngày nay nhờ tiến bộ của kỹ thuật và nhiều phương tiện hiện đại, đặc biệt kinh nghiệm và tay nghề của thầy thuốc đã giúp có thể can thiệp những tổn thương này.
Ê-kíp phẫu thuật do GS.TS Phạm Mạnh Hùng làm trưởng nhóm cùng các bác sĩ trong Viện Tim mạch đã thực hiện thành công ca can thiệp trong khoảng một giờ, đúng khung thời gian cho phép trong một phiên truyền hình trực tiếp của hội nghị.
Đặc biệt, trong ca can thiệp một giờ ngắn ngủi, các bác sĩ Việt Nam đã có rất nhiều sáng tạo để vượt qua trở ngại khó khăn của tổn thương phức tạp cũng như đảm bảo an toàn nhất cho người bệnh như sử dụng siêu âm trong lòng mạch để hướng dẫn can thiệp chính xác; sử dụng "mẹo" với hai dây dẫn để trượt stent qua các góc uốn lượn, hoặc cách uốn dây dẫn để lái vào những vị trí khó khăn…
Các đại biểu tham dự Singlive 2024 tại đầu cầu Singapore đang theo dõi và bình luận ca can thiệp truyền hình trực tiếp từ Viện Tim mạch Việt Nam. |
Trong quá trình thực hiện, nhóm can thiệp cũng nhận được nhiều câu hỏi, bình luận của Ban chủ toạ và các đồng nghiệp đang dự hội nghị bên Singapore. Các bác sĩ Việt Nam đã rất tự tin chia sẻ các kinh nghiệm và được bạn bè đánh giá cao.
Buổi trình diễn kỹ thuật này đã chứng minh sự hội nhập quốc tế của chuyên ngành tim mạch can thiệp của Việt Nam, đồng thời khẳng định chỗ đứng của các bác sỹ tim mạch can thiệp Việt Nam trên thế giới. Vì vậy, người bệnh có thể hoàn toàn yên tâm khi điều trị trong nước cũng như dần dần thu hút bệnh nhân nước ngoài đến Việt Nam điều trị.
Hội nghị Tim mạch can thiệp Singapore live 2024 diễn ra từ ngày 25 đến 27/1 tại Trung tâm Hội nghị Raffles City Convention Centre, Singapore.
Trải qua 35 năm, với ý tưởng ban đầu của Trung tâm Tim mạch quốc gia Singapore đứng ra đăng cai tổ chức hội nghị tim mạch can thiệp với các ca trình diễn kỹ thuật can thiệp tim mạch cơ bản và nâng cao.
Cho đến nay, Hội nghị Tim mạch can thiệp Singapore live đã trở thành một trong những hội nghị tim mạch can thiệp uy tín nhất của khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Mỗi năm, hội nghị thu hút hàng nghìn các bác sĩ lâm sàng, các chuyên gia hàng đầu trong khu vực và thế giới về các lĩnh vực can thiệp tim mạch đến để trao đổi và chia sẻ kiến thức cơ bản cũng như chuyên sâu về lĩnh vực này.
Một trong những điểm làm nên thương hiệu của Hội nghị Singapore live là trình chiếu trực tiếp các ca can thiệp phức tạp được thực hiện bởi các chuyên gia tim mạch can thiệp hàng đầu tại các nước và sự tương tác, trao đổi giữa các thành viên chủ toạ đoàn cùng khán giả trên tinh thần cùng chia sẻ và trao đổi kiến thức, mang lại lợi ích lớn nhất cho người bệnh.
Các bác sĩ Viện Tim mạch Việt Nam trình diễn một trường hợp can thiệp bệnh lý động mạch vành đặc biệt phức tạp tại Hội nghị tim mạch can thiệp uy tín nhất của khu vực châu Á Thái Bình Dương. |
Năm 2020, Viện Tim mạch Việt Nam cũng đã tham gia trình diễn trực tiếp thành công hai ca can thiệp động mạch vành và động mạch chủ tại hội nghị này và đã được các chuyên gia trên thế giới đánh giá cao chuyên môn và tay nghề của Bác sĩ can thiệp Việt Nam.
Năm nay, Ban tổ chức Hội nghị Tim mạch can thiệp Singapore live tiếp tục mời Viện Tim mạch Việt Nam tham dự trình diễn trực tiếp ca can thiệp mạch vành phức tạp cùng với 14 trung tâm tim mạch khác đến từ Sri Lanka, Ấn Độ, Thái Lan, Singapore, Bỉ.
Ký ức của nhà báo Phạm Hồng Tuyến gắn với những bài hát bất hủ do bố bà, nhạc sĩ Phạm Tuyên, sáng tác như Trường cháu là trường Mầm non - bài hát nhạc sĩ Phạm Tuyên viết tặng trường con gái học; Cả tuần đều ngoan cũng là một khúc ca quen thuộc của nhiều thế hệ trẻ em Việt. Ngoài ra, Ở trường cô dạy em thế, rồi Gặp nhau dưới trời thu Hà Nội, Theo cánh đu bay… cũng đã trở thành ký ức chung của nhiều người Việt Nam.