Nam Khánh trúng tuyển sớm vào Colby College (Mỹ) với mức học bổng 7,5 tỷ đồng. Ảnh: Ngọc Bích. |
“Để gây ấn tượng với ban tuyển sinh về quá trình trưởng thành của bản thân, em đã khéo léo lồng ghép hình ảnh ẩn dụ ‘người ngoài hành tinh’ vào nội dung câu chuyện trong bài luận”, Trần Nam Khánh, học sinh lớp 12 chuyên Anh, trường THPT chuyên Ngoại ngữ, chia sẻ về bài luận cá nhân gửi tới đại học Mỹ.
Với hồ sơ học thuật cùng bài luận ấn tượng, đầu tháng 12, Nam Khánh nhận kết quả trúng tuyển sớm vào Colby College - ngôi thường xếp thứ 25 đại học khai phóng của Mỹ, theo bảng xếp hạng của US News năm 2025. Nam sinh nhận hỗ trợ tài chính 84%, tương đương với 300.000 USD cho 4 năm học (khoảng 7,5 tỷ đồng).
Dùng “người ngoài hành tinh” để ẩn dụ cho bản thân
Nam Khánh cho biết Colby là trường đầu tiên em nhận kết quả trong đợt xét tuyển sớm. Có nhiều lý do để em chọn ngôi trường này, như địa điểm, chương trình đào tạo phù hợp, mức hỗ trợ tài chính hào phóng, cùng với đó là đánh giá hồ sơ bản thân và đối thủ trong nước…
“Colby không phải là mục tiêu lớn nhất của em, nhưng đây là ngôi trường phù hợp nhất. Em hài lòng với kết quả này”, Khánh nói.
Nam sinh cho biết em chuẩn bị hồ sơ muộn so với thông thường, vì vậy không có quá nhiều thời gian đầu tư cho bài luận. Tuy nhiên, bài luận sử dụng hình ảnh ẩn dụ “người ngoài hành tinh” lại chính là yếu tố em tâm đắc nhất.
Chia sẻ với Tri Thức - Znews, Khánh cho hay sau quá trình tìm hiểu, em nhận thấy những nhà tuyển sinh đại học Mỹ luôn đánh giá cao những bài luận có phép ẩn dụ hay phép so sánh. Vì vậy, em cũng áp dụng phương pháp tương tự.
Bài luận của Khánh kể lại hành trình khám phá mối quan hệ giữa bản thân và những người xung quanh, cũng như mối quan hệ của mình với chính mình. Em sử dụng hình ảnh "người ngoài hành tinh" để tượng trưng cho sự khác biệt của bản thân, cũng như của mỗi cá nhân đối với những cá nhân khác trong cộng đồng.
Hành trình của Khánh bắt đầu từ khi lên cấp 3. Với những biến chuyển tâm lý, nam sinh cảm thấy mình khác biệt, nhạy cảm hơn, lo lắng quá mức và không thể vô tư như các bạn cùng trang lứa. Dần dần, em bị mất kết nối với bạn bè.
“Em thấy mình khác biệt nên khao khát được kết nối, thân thiết hơn với mọi người. Nhưng trên hành trình tìm kiếm kết nối, em đã bỏ rơi bản thân, bỏ rơi chính ‘hành tinh’ của mình”, nam sinh nói.
Khánh cho hay “hành tinh" chính là ẩn dụ cho thế giới nội tâm của mỗi người. Trong khi đó, mỗi cá nhân là một “người ngoài hành tinh” với một cá nhân khác, mang những suy nghĩ và cảm xúc được định hình bởi góc nhìn chủ quan ở hành tinh của họ.
Rất có thể, sự mất kết nối của Khánh xuất phát từ việc em dùng sự chủ quan của mình để phóng chiếu lên người khác. Nhận ra điều này, nam sinh chọn sẽ đối mặt với cảm xúc bản thân thay vì chạy trốn hay xua đuổi nó. Em ghi chép lại các phản ứng của mình khi tương tác với mọi người, tìm ra quy luật của những phản ứng đó và điều chỉnh từng hành vi, cảm xúc.
Khi dừng việc áp đặt suy nghĩ chủ quan của mình lên người khác, em thấy mọi thứ nhẹ nhàng hơn, không còn phản ứng cảm xúc tiêu cực nữa. Cuối cùng, em đã tìm ra sự kết nối với chính bản thân mình, và với cả người khác.
“Tôi nhận ra rằng một kết nối ý nghĩa không có nghĩa là mãi mãi ở lại ‘hành tinh’ của người khác. Đó là việc ghé thăm thế giới của họ, trân trọng vẻ đẹp độc đáo nơi đó, rồi trở về thế giới của chính mình”, nam sinh viết trong bài luận.
Nam Khánh trong một hoạt động với câu lạc bộ tại trường THPT chuyên Ngoại ngữ. Ảnh: NVCC. |
Hồ sơ du học cân bằng các yếu tố
Ngoài bài luận ấn tượng, ngay từ lớp 10, Nam Khánh còn đạt 1.560/1.600 SAT (bài thi chuẩn hóa dành cho học sinh ứng tuyển đại học Mỹ), thuộc top 1% cao nhất thế giới. Khánh cũng có IELTS 8.0, sử dụng tiếng Nhật cơ bản và duy trì GPA lớp 10, 11 là 9,6.
Năm lớp 12, nam sinh tham gia dự án nghiên cứu về sự ảnh hưởng của giáo dục tài chính lên sự phát triển kinh tế bền vững của Việt Nam, dẫn chứng từ các quốc gia đã thành công như Mỹ, Canada…
Từ khảo sát, đánh giá của mình, Khánh đưa ra giải pháp cho Việt Nam, trong đó có xây dựng chương trình giáo dục tài chính phù hợp với học sinh bậc THPT. Nam sinh cho rằng học sinh phổ thông tại Việt Nam cần được cung cấp nhiều hơn các kiến thức nền tảng về kinh tế, quản trị kinh doanh, tài chính…
Nam sinh cũng tập trung vào các hoạt động ngoại khóa. Với sở thích vẽ và khả năng thiết kế đồ họa, tại các câu lạc bộ của trường, Khánh thường đảm nhận công việc thiết kế các ấn phẩm truyền thông.
Trong một dự án thiện nguyện, nam sinh đã thiết kế áo phông để gửi tặng các bạn học sinh vùng cao. Thậm chí, từ năm lớp 11, Khánh có thêm khoản thu nhập nhỏ từ công việc này. Nam sinh đang ấp ủ một ấn phẩm thời trang dành cho giới trẻ, sử dụng các bản vẽ phóng tác từ văn hóa đời sống của Hà Nội.
Theo Khánh, hồ sơ du học của em có sự cân bằng giữa các yếu tố. Em chứng minh được khả năng học tập qua điểm GPA, bài thi chuẩn hóa, các nghiên cứu, giải thưởng. Cùng với đó là cho nhà tuyển sinh thấy được bản thân là ai qua bài luận và sự quan tâm tới các vấn đề xã hội.
Dù vậy, trong quá trình chuẩn bị du học, Khánh cũng gặp không ít khó khăn. Giai đoạn tâm lý bất ổn được nêu trong bài luận cũng là lúc em chững lại, từng có ý định bỏ cuộc. Phải mất vài tháng, khi nhìn nhận lại vực dậy được tinh thần, nam sinh mới tiếp tục theo đuổi con đường này.
Gắn bó với Khánh 3 năm phổ thông, cô Quách Thị Thanh Huyền, giáo viên chủ nhiệm lớp 12A3, trường THPT chuyên Ngoại ngữ, cho biết dù là học sinh chuyên Anh, Khánh vẫn học đều các môn, nổi trội nhất là môn Toán và khoa học tự nhiên. Nam sinh cũng rất đa tài khi biết thiết kế, có thiên hướng nghệ thuật.
Cô giáo nhớ đầu năm lớp 10, dù chưa từng tham gia hoạt động nào ở cấp 2, Khánh vẫn mạnh dạn xung phong làm lớp trưởng. Em đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cả 3 năm, rất chủ động, gương mẫu và có trách nhiệm.
“Biết Khánh trúng tuyển Colby với mức học bổng lớn, tôi cùng các thầy cô khác rất vui mừng. Song, tôi không quá bất ngờ vì với năng lực của mình, em ấy rất xứng đáng”, cô Huyền chia sẻ.
Theo kế hoạch, Khánh sẽ đến Mỹ vào tháng 8/2025, theo đuổi chuyên ngành Kinh tế học tại Colby College. Cùng với đó, nam sinh dự định sẽ đăng ký học thêm chuyên ngành Tâm lý học để đi sâu tìm hiểu tâm lý con người.
Những cuốn sách dành cho người đứng trước cánh cửa nghề nghiệp
Mục Giáo dục giới thiệu đến bạn đọc một số cuốn sách về chủ đề nghề nghiệp, hướng nghiệp, dành cho những bạn trẻ đang băn khoăn trước cánh cửa nghề nghiệp hay người trưởng thành quan tâm đến sự biến đổi nghề nghiệp trong xã hội hiện đại.
Chiến đạo giống cuộc đối thoại, gợi mở các câu hỏi của cuộc đời, giúp người trẻ chủ động định hướng nghề nghiệp, kiến tạo tương lai.
Eight - 8 cách làm chủ trí thông minh nhân tạo: “Đa số công việc mà công viên chức đang phụ trách cuối cùng đều sẽ bị thay thế bởi trí thông minh nhân tạo", cuốn sách này sẽ giải đáp câu hỏi đó.