Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bài văn 4 điểm, chữ 'xấu lạ' của học sinh ở Hà Nội

Theo lãnh đạo trường THCS Phùng Xá (Thạch Thất, Hà Nội), học sinh viết bài văn 4 điểm từng bị gọi lên phòng hiệu trưởng để luyện chữ.

Ngày 9/1, cộng đồng mạng chia sẻ bài văn chữ xấu của một học sinh được cho thuộc trường THCS Phùng Xá, Thạch Thất, Hà Nội. Nhiều độc giả bình luận chữ viết của nam sinh như "sắp ngã", "nghiêng ngả", "bó tay"...

Sáng 10/1, thầy Nguyễn Văn Xuân, Hiệu trưởng trường THCS Phùng Xá xác nhận bài văn trên của học sinh lớp 8 tên Tuấn.

Thầy giáo cho biết trước đây, Tuấn viết chữ xấu nhưng không “tệ hại” như bây giờ. Bài kiểm tra đăng trên mạng có thể do bạn bè em chụp lại.

bai van chu xau anh 1
Bức ảnh chụp bài văn của Tuấn. Ảnh: Facebook D Ta Ki.

Gia đình cam kết luyện chữ cho con một năm

Thầy hiệu trưởng thông tin dịp nghỉ hè năm học 2015-2016, nhà trường cho Tuấn ở nhà một tuần để luyện chữ. Em có tiến bộ nhưng ngay sau đó chữ viết lại "đổ nghiêng" khi vào năm học mới.

Nam giáo viên kể ông từng đưa em lên phòng riêng để luyện chữ cái như học sinh lớp một. Thầy Xuân viết chữ mẫu a, b, c vào quyển vở ô ly để Tuấn viết theo. Sau một giờ tập luyện, nam sinh viết khá thẳng. Tuy nhiên, khi ghép các chữ cái, nhất là khi làm văn, em lại viết chữ theo kiểu… đổ nghiêng.

Thầy Xuân phân tích: “Có thể do tâm lý muốn bỏ học, Tuấn cố tình viết chữ xấu như vậy".

Trước câu hỏi học sinh này có ngồi nhầm lớp, vị hiệu trưởng nói em vẫn làm được bài các môn trắc nghiệm, đủ điều kiện lên lớp. Ở lớp, em không ngỗ ngược nhưng hay mất trật tự. Tuấn đã nhiều năm bị lưu ban ở cấp một và cấp hai.

Hiệu trưởng trường THCS Phùng Xá phân tích để một học sinh ở lại lớp không khó nhưng với trách nhiệm của người làm trong ngành giáo dục, thầy cô tiếp tục các biện pháp rèn luyện cho em.

“Tôi mong Tuấn cố gắng tốt nghiệp THCS để có những điều kiện tối thiểu khi bước vào đời, ví dụ như thi bằng lái xe hay trở thành thợ kim khí - nghề truyền thống của làng quê”, thầy Xuân tâm sự.

Gia đình Tuấn có bản cam kết với nhà trường sẽ luyện chữ cho nam sinh trong một năm. Sau đó, chữ viết của Tuấn tốt hơn, em sẽ trở lại học tập, còn không sẽ bị lưu ban.

Ngoài trường hợp của Tuấn, với những học sinh yếu kém, trường THCS Phùng Xá có nhiều biện pháp như chia thành lớp “đặc biệt” gồm 15 đến 17 em, giáo viên dạy theo cách chỉ tay uốn nắn. Từ năm 2016, với mỗi khối, nhà trường chia thành 2 lớp khá, 2 lớp trung bình và một lớp yếu.

Chấm 4 điểm còn 'rộng tay'

“Tôi chưa được xem đáp án nhưng rõ ràng cho điểm 4 như vậy là hơi 'rộng tay'. Xét về quy chuẩn, chữ viết bài văn trên rất khó đọc, sai chính tả”, thầy Nguyễn Tuấn Minh - giáo viên dạy Ngữ văn, trường THPT Marie Curie, Hà Nội - nhận xét về "bài văn chữ xấu".

Theo thầy Tuấn Minh và một số giáo viên bộ môn Ngữ văn khác, nguyên tắc chấm bài dựa trên cả nội dung và hình thức. Thông thường, hình thức chiếm một phần trong thang điểm 10.

Đồng quan điểm với thầy Tuấn Minh, cô Mình Hà, giáo viên một trường THCS tại Hà Nội, cũng cho hay cô sẽ không chấm điểm bài văn như vậy và yêu cầu học sinh viết lại.

“Chữ trong bài viết không phải cẩu thả mà là mất căn bản về chữ viết. Với trường hợp này, tôi sẽ yêu cầu làm lại và rèn chữ cho đến khi đạt chuẩn mới chấm điểm”, nữ giáo viên nêu quan điểm.

Rèn chữ cần kiên trì

Thời đại công nghệ thông tin phát triển, việc soạn thảo văn bản trở nên phổ biến, ít người phải viết chữ. Đó là một trong những nguyên nhân dẫn đến chữ viết của học sinh không đẹp.

Nhiều người cho rằng không ít học sinh viết chữ quá xấu, trách nhiệm thuộc về thầy cô, phụ huynh.

“Học sinh được luyện chữ từ cấp tiểu học. Chữ viết như vậy rõ ràng không đạt mà vẫn được lên lớp, lên cấp. Giáo viên chấm bài kiểm tra chữ xấu cho 4 điểm dù có thể không dịch được nội dung. Sự thiếu nghiêm khắc khiến học trò khó tiến bộ”, thành viên Mai Lan nhận xét.

Thầy Tuấn Minh cho hay nhiều phụ huynh thường mua vở tập tô của học sinh lớp một và 2 để luyện chữ cho con.

“Mỗi ngày, các em chỉ cần bỏ ra 15 phút tập tô. Đầu tiên, học sinh nên tô bằng bút chì, sau đó bằng bút bi. Tôi nghĩ, rèn luyện kiên trì bao giờ cũng mang lại sự khác biệt”, thầy giáo này nói.

Giáo viên có thể không yêu cầu học sinh quá cao về nét chữ. Tuy nhiên, họ cũng cần phân tích cho các em hiểu “ai cũng thích và ngưỡng mộ cái đẹp, nét chữ là nét người”. Vì vậy, học sinh phải đạt được quy chuẩn rõ ràng để giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt.

* Tên học sinh đã thay đổi.

Dân mạng chia sẻ bài kiểm tra 4 điểm, chữ viết quá xấu

Một bài kiểm tra đang được chia sẻ nhiều trên mạng xã hội không phải vì nội dung kém mà chữ viết quá xấu.


Quyên Quyên - Hàn Triệt

Bạn có thể quan tâm