Lê Phương Thảo (sinh năm 2000) là học sinh lớp 11D1, trường THPT Lý Nhân, Hà Nam. Thảo chia sẻ bài văn viết về người thầy nhận được sự ủng hộ của cộng đồng mạng.
Bài viết được nhận xét có góc nhìn đa chiều khi nhìn nhận hình ảnh người thầy với hai khía cạnh tốt và xấu. Quan trọng hơn, người viết đã gửi đến thông điệp, đừng vì những tấm gương xấu mà khinh cả nghề giáo cao quý. Đó là một tội lớn.
Học sinh Phương Thảo. |
Bài viết của Phương Thảo như sau:
Có một nghề cả xã hội gọi tên
Nghề cao quý trên những nghề cao quý
Đem đạo học lên bậc thang địa vị
Dạy thành người chứ không chỉ thành danh.
Như một lời bài hát: "Người thầy vẫn lặng lẽ đi về sớm trưa, từng ngày giọt mồ hôi rơi nhòe trang giấy".
Người thầy có bộ óc của những nhà trí thức lỗi lạc, luôn dẫn dắt học trò vén lên bức màn huyền ảo của tri thức xa xăm. Người thầy có đôi tai của những vị quan tòa tối thượng, luôn biết kiên nhẫn lắng nghe và chỉ ra cho trò tường tận những đúng sai của cuộc sống.
Người thầy có đôi mắt của những thám tử tài ba, luôn tinh tường xét thấu những uẩn khúc đang bủa vây quanh học trò. Người thầy có cái tâm, cái tình của những bậc làm cha, làm mẹ luôn dùng cả trái tim ấm nóng, cả tâm hồn bao dung, cả cuộc đời và sự nghiệp để vun xới, bồi đắp cho những ước mơ lấp lánh đang được ươm mầm trong tâm trí của học sinh. Bức họa người thầy từ xưa vẫn luôn được vẽ lên bằng những nét vẽ tỉ mỉ, óng ánh sắc hồng của một sự tôn kính lớn lao.
Nhưng trong xã hội hiện nay, khi nỗi lo cơm áo gạo tiền đang trở nên nặng nề lấn áp tất cả, khi xã hội đang dần trở nên chật hẹp bởi những toan tính mưu sinh thì liệu dòng sông trong mát, ngọt lành mà bao thế hệ những người thầy, người cô đã dày công chắt lọc kia có bị vẩn đục?
Khi các phương tiện truyền thông hàng ngày cứ liên tục đưa tin, thầy này vi phạm nghiêm trọng đạo đức nghề giáo, cô kia có những hành vi đáng bị lên án. Có xót xa hay không khi chính những con người làm "nghề cao quý" lại bôi đen chính cái nghề của họ.
Chắc hẳn chúng ta vẫn chưa khỏi bàng hoàng đau đớn khi nhớ đến cảnh các bé ở trường mầm non Ngôi Sao Xanh, TP HCM bị cô giáo bạo hành bằng cách xách ngược các bé lên cao rồi quăng mạnh xuống nền gạch men. Thử hỏi nếu các bé là em, là con, là cháu của chúng ta thì liệu rằng chúng ta có thể kìm nén mà không bật ra những tiếng khóc khi chứng kiến những cảnh đó hay chăng?
Rồi dư luận cũng từng nổi sóng giận dữ khi vụ việc thầy giáo Phạm Thanh Đen, giáo viên Lý - Tin, trường THPT Ngọc Hiển, Cà Mau đã đột nhập máy tính của trường, lấy cắp đề thi rồi nhắn tin gạ tình với 7 nữ sinh lớp 12 để trao đổi đề thi bị phanh phui.
Hay căn bệnh dạy trên lớp ít - dạy thêm nhiều, đã và đang ăn mòn cả lương tâm và tri thức của nhiều giáo viên. Những trường hợp đó, nó không khác gì một chai axit, một dịch sâu mọt đang bào mòn dần hình ảnh cao quý của người thầy đã được dựng xây từ lâu nay.
Liều thuốc duy nhất có thể cứu vãn hình ảnh sáng trong của người thầy không có gì khác ngoài những tấm gương chói lòa trong ngành giáo dục đang ngày càng được quan tâm và lan tỏa.
Hình ảnh người thầy mặc áo bệnh nhân lên giảng đường giảng cho sinh viên buổi cuối trước khi kết thúc môn đã khiến cho người ta không khỏi bùi ngùi, xúc động.
Người thầy mang nặng tình thương với học trò ấy chính là TS Bùi Quý Lực, Viện Cơ khí – ĐH Bách khoa Hà Nội, người thầy giáo ấy đã giúp tô thêm những nét rực rỡ trong bức họa mang tên người thầy.
Hay như nghị lực phi thường của cô giáo Đỗ Thị Thu Nga, giáo viên trường THPT Tháng 10, tỉnh Tuyên Quang, vừa nỗ lực chống chọi với căn bệnh suy thận, cô vừa cố gắng tìm tòi, sáng tạo, vận dụng các phương pháp mới tạo hứng thú cho học sinh trong giờ học.
Nghị lực phi thường của cô Nga thật đáng để người đời ngợi ca, tôn trọng. Rồi thầy giáo trẻ Trịnh Quỳnh, giáo viên văn trường THPT Lương Thế Vinh, Nam Định với phương pháp mới mẻ khi dạy văn bằng bản đồ tư duy, khiến học sinh thêm yêu và trân trọng hơn môn học này.
Những người thầy, cô như vậy vẫn còn rất nhiều trong xã hội hiện nay, họ vẫn làm, vẫn cống hiến thầm lặng cho cái nghề cao cả mà mình đã theo đuổi. Họ vẫn đang miệt mài bù đắp cho những thương tổn mà những thầy cô giáo từng bị lên án kia đem lại cho cái thanh cao của ngành giáo dục và cho cả tâm hồn non nớt, trong sáng của học sinh.
Dù đồng lương ít ỏi, dù xã hội phũ phàng họ vẫn dùng hết tâm huyết của mình để xây đắp nên những con đường tri thức phẳng lặng và rực rỡ ánh hào quang để học trò của mình có thể vững vàng tiến bước.
Còn chúng ta thì sao? Mỗi chúng ta nên tôn trọng và trân trọng chính các thầy cô của mình. Vướng vào nghiệp trồng người các thầy cô đã phải hy sinh nhiều thứ. Đừng vì những hạt cát nhỏ bé mà buông ý nghĩ khinh khi cả cái nghề "cao quý" này. Đó là một tội lớn.
Dù sóng gió cuộc đời có ngả nghiêng nhiều hướng, chỉ cần ta mãi vững tin, chỉ cần các thầy cô mạnh mẽ chống chọi thì bức họa người thầy kia sẽ mãi trường tồn cùng với ánh sáng của sự cao quý trong tâm thức của mỗi học sinh và của toàn xã hội.
Bác Hồ từng nói "Một người thợ tồi có thể làm hỏng một sản phẩm, một người kỹ sư tồi có thể làm hỏng vài công trình, nhưng một người thầy giáo tồi có thể làm hỏng cả một thế hệ".
Tôi hy vọng và tin chắc rằng sẽ không còn một thế hệ học sinh Việt Nam nào bị làm hỏng bởi bàn tay của một người thầy tồi nữa. Hình ảnh của người thầy sẽ mãi lấp lánh chói lòa dù cuộc đời có ngả nghiêng nhiều hướng, dù xã hội có khắc nghiệt, bạc bẽo đến đâu.
Lê Phương Thảo cho biết, em lựa chọn đề tài này vì ước mơ trở thành giáo viên từ nhỏ, với hình mẫu người hiểu biết, luôn tận tâm với học trò. Chính vì vậy, hình ảnh người thầy trong xã hội hiện đại luôn là sự trăn trở khiến Thảo viết bài văn có cảm xúc.