Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bám sát diễn biến dịch Covid-19 để có phương án thi tốt nghiệp an toàn

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho hay kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp diễn ra, ngành giáo dục phải bám sát diễn biến của dịch bệnh để có phương án tổ chức an toàn.

Chiều 31/7, Ban chỉ đạo cấp quốc gia kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 tổ chức họp với đại diện 63 tỉnh, thành.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát, kỳ thi phải được tổ chức an toàn, đảm bảo sức khỏe cho thí sinh và cán bộ coi thi.

thi tot nghiep thpt 2020 anh 1

Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ chủ trì cuộc họp với đại diện 63 tỉnh, thành về tổ chức thi tốt nghiệp THPT sắp tới. Ảnh: T.T.

Kỳ thi chưa có tiền lệ

Chủ trì cuộc họp, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ thông tin kỳ thi năm nay diễn ra trong bối cảnh đặc biệt, chưa có tiền lệ, khi cả nước bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19.

Bộ GD&ĐT, các bộ, ngành liên quan, đặc biệt là UBND các tỉnh, đã chỉ đạo sát sao, chuẩn bị chu đáo cho kỳ thi.

Tất cả 63 địa phương đã thành lập ban chỉ đạo cấp tỉnh. Đặc biệt, nhiều nơi còn có ban chỉ đạo thi cấp quận, huyện với các thành viên được phân công nhiệm vụ rõ ràng. Lần đầu tiên, kỳ thi có sự tham gia của Thanh tra Chính phủ, thanh tra tỉnh.

“Chúng ta phải coi trọng sức khỏe của học sinh, phụ huynh, cán bộ, giáo viên, nhân viên tham gia làm thi; rộng hơn là coi trọng sức khỏe của cộng đồng. Tuy nhiên, chúng ta không vì những thông tin chưa đủ, một số khó khăn, mà có quyết định chưa cân nhắc kỹ”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói.

Theo người đứng đầu ngành giáo dục, kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp diễn ra, Ban chỉ đạo cấp quốc gia phải bám sát diễn biến từng giờ của dịch bệnh.

Một số địa phương có nguy cơ dịch bệnh cao như Đà Nẵng, Quảng Nam, lãnh đạo cần bình tĩnh, bám sát diễn biến thực tế để cùng Bộ GD&ĐT, Bộ Y tế tham mưu cho Chính phủ có giải pháp phù hợp.

“Tôi tin với quyết tâm cao của lãnh đạo, Ban chỉ đạo thi của các địa phương, cùng sự đồng lòng của học sinh, phụ huynh và toàn thể người dân, kỳ thi sẽ diễn ra an toàn tuyệt đối, công bằng và đảm bảo sức khỏe cho thí sinh”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh.

Ông cũng nói khi xây dựng phương án thi tốt nghiệp THPT năm nay, Bộ GD&ĐT đã lường trước dịch bệnh có thể bùng phát trở lại nên giao các địa phương chịu trách nhiệm toàn diện. Bộ GD&ĐT không cử cán bộ trường đại học tham gia coi thi, chấm thi, mà chỉ tham gia các đoàn kiểm tra.

Đảm bảo giãn cách

Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng, Bộ GD&ĐT, cho biết thời gian qua, bộ đã có các đoàn kiểm tra đến 46 trong số 63 tỉnh, thành. Bộ GD&ĐT yêu cầu các tỉnh phải có phương án đối phó thiên tai, dịch bệnh. Vì thế, khi dịch Coivid-19 trở lại, các địa phương không bị động.

Nhằm đảm bảo an toàn cho kỳ thi, ông Mai Văn Trinh cho rằng các địa phương phải nhanh chóng rà soát, điều chỉnh số lượng điểm thi, phòng thi để in sao đề tương ứng, nếu không sẽ không xoay xở kịp.

Việc tổ chức phòng thi cách ly trong điểm thi chung sẽ thuận lợi, vì có thể sử dụng đề dự phòng. Hội đồng thi cần có phương án bảo quản bài thi của thí sinh thuộc dạng F1, F2 tại phòng thi riêng. Những bài thi này sẽ được khoanh vùng để chấm sau cùng.

Ông Dương Anh Đức, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, thông tin trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các điểm thi của thành phố đều có phòng cách ly. Xung quanh điểm thi sẽ có địa điểm dự phòng cho trường hợp có số lượng thí sinh F1 quá lớn.

Về công tác chấm thi, ông Dương Anh Đức nói số bài của TP.HCM rất lớn. Thành phố kiến nghị Bộ GD&ĐT chia nhỏ bài thi để chấm. 600 người tập trung chấm sẽ không đảm bảo quy định về giãn cách.

Ông Lê Hải Hòa, đại diện UBND tỉnh Cao Bằng, bày tỏ băn khoăn khi xử lý cụ thể việc phân loại thí sinh thuộc diện F1, F2 để tham gia kỳ thi. Cao Bằng có trên 6.000 thí sinh và cán bộ tham gia tổ chức thi, trong đó, khoảng 600 em có liên quan Đà Nẵng, phải tổ chức thi riêng.

Ngoài ra, việc giãn cách sẽ gặp khó khăn ở khâu in, sao, bảo quản đề, thậm chí gây lộ đề thi nếu không có phương án chặt chẽ.

Năm nay, thí sinh thi tốt nghiệp THPT trong 2 ngày 9/8 và 10/8 với 4 buổi thi chính thức. Ngày 9/8, các em thi 2 môn là Ngữ Văn (120 phút) vào buổi sáng và Toán (90 phút) buổi chiều.

Ngày 10/8, sĩ tử làm bài thi tổ hợp Khoa học Tự nhiên (Lý - Hóa - Sinh) hoặc Khoa học Xã hội (Sử - Địa - Giáo dục Công dân).

Mỗi môn thi thành phần của bài thi tổ hợp có thời gian làm bài 50 phút vào buổi sáng. Bài thi môn Ngoại ngữ (60 phút) vào buổi chiều.

Kiến nghị dừng thi tốt nghiệp THPT tại Đà Nẵng

Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tại cuộc họp trực tuyến chiều 31/7, Đà Nẵng đề nghị Bộ GD&ĐT báo cáo Chính phủ, xin dừng thi, chuyển sang xét tốt nghiệp.

Quyên Quyên

Bạn có thể quan tâm