Nhậu nhẹt đang tràn vào khắp mọi ngõ ngách của cuộc sống người trẻ.
Những con đường bia bọt, phố nhậu, làng nhậu từ đó được hình thành khiến đi đâu cũng bắt gặp người trẻ nhậu.
Chỗ nào cũng có thể ngồi nhậu. Trong ảnh, bạn trẻ uống bia trên đường Phạm Văn Đồng, quận Gò Vấp, TP HCM. |
Có men vào dễ nói chuyện hơn
Tại tuyến đường thuộc khu đô thị Đại học Quốc gia TP HCM, chỉ hơn 100 m đã có gần chục quán nhậu bình dân nằm san sát nhau và hầu như quán nào cũng đông nghẹt khách.
Khoảng 5h chiều, thời điểm sinh viên ra về cũng là “giờ vàng” để các quán nhậu làm ăn. Đại lộ Phạm Văn Đồng cũng được ví là “con đường bia bọt” với sự xuất hiện tràn ngập quán nhậu từ bình dân đến hạng sang với nhiều dịch vụ hấp dẫn, kéo dài tới tận đêm khuya.
"Mình thường chọn các quán nhậu để gặp gỡ đối tác làm ăn. Nói chuyện trên bàn nhậu cũng thoải mái hơn ở văn phòng. Mọi công việc đều được giải quyết khi có tí bia vào người" - Nguyễn Khắc Tạo (26 tuổi, nhân viên văn phòng) chia sẻ.
Đa số học sinh, sinh viên đều cho rằng nhậu là chuyện bình thường, khi vào quán là phải nhậu. Bạn Vũ Thị Huyền Trang (22 tuổi, sinh viên) cho biết: “Mình hay nhậu mỗi khi có dịp sinh nhật, liên hoan lớp hay đi chơi cùng bạn bè. Thay vì dùng nước ngọt, mình hay uống một vài chai bia, đơn giản chỉ để vui. Có tí men vào dễ nói chuyện hơn”.
Cùng quan điểm, bạn Bùi Ánh Vinh (21 tuổi, sinh viên) nhấn mạnh: “Nhậu chẳng qua chỉ là hình thức, cái chính là mình cảm thấy thoải mái hơn, vui vẻ hơn khi có chút bia vào người. Mọi áp lực công việc, học tập đều được giải tỏa. Điều quan trọng là phải biết kiểm soát được bản thân, không nên uống quá nhiều”.
Học sinh, sinh viên xem nhậu là một dịp để gặp mặt, tụ tập bạn bè sau các buổi đi chơi, sinh nhật hay đơn giản chỉ để xả stress. Tuy nhiên, không ít bạn lại xem nhậu như một thú vui và không thể sống nếu thiếu nhậu, trở thành “bợm nhậu” thứ thiệt. Nhậu từ sáng đến tối, hết tốp này vô rồi đến tốp khác khiến các quán nhậu phải “chạy đua” để phục vụ những vị khách trẻ.
Anh Phan Chí Tình (25 tuổi, nhân viên phục vụ một quán nhậu tại Q.Thủ Đức) cho biết: “Quán lúc nào cũng đông khách, đa số là các bạn còn rất trẻ, đồng phục của trường còn chưa kịp thay. Nam có, nữ có, cứ uống vào là ca hát, hò hét ầm ĩ. Nhiều bạn vì uống quá nhiều, say xỉn nôn luôn tại chỗ, phải nhờ người đưa về”.
Nữ cũng nhậu
Không chỉ có các bạn nam mà các bạn nữ cũng xem nhậu là một dịp để thể hiện cá tính. Các bàn nhậu lúc nào cũng có bóng hồng xuất hiện, họ không phải ngồi đó nhìn bạn nam nhậu mà để nhậu cùng, để bình đẳng với nhau.
Bạn Trương Thị Thu (sinh viên) khẳng định: “Khi đã vào bàn nhậu thì nam nữ đều như nhau, như vậy mới thoải mái. Tuy nhiên phải biết giới hạn, tốt nhất phải tỉnh táo để kiểm soát bản thân”.
Các cô gái cũng có quan niệm “nhậu được mới được việc”. Nguyễn Thị Hải Yến (sinh viên) cho rằng dù là con gái cũng phải biết nhậu. Không uống được nhiều thì phải uống ít, không nhậu được là một thiệt thòi lớn khi sau này đi làm.
Cũng chính từ cách nghĩ đó mà các quán nhậu cứ nghiễm nhiên mọc lên như nấm. Quán nhậu cứ mọc, người trẻ cứ nhậu, nhậu kéo dài thâu đêm suốt sáng, hết tốp này đến tốp khác khiến người ta đi đâu cũng thấy người trẻ ăn nhậu.