Lo lắng và rối loạn tâm trạng có thể ảnh hưởng đến mọi người ở mọi lứa tuổi, từ trẻ em đến người lớn tuổi. Nhiều loại rối loạn thuộc nhóm rối loạn lo âu - bao gồm rối loạn hoảng sợ, rối loạn lo âu tổng quát và rối loạn lo âu xã hội, theo Medical News Today.
Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia Mỹ (NIMH) nhận định khoảng 31% người trưởng thành ở Mỹ trải qua một dạng rối loạn lo âu vào một thời điểm nào đó trong đời. Ngoài ra, tỷ lệ thanh thiếu niên (13-18 tuổi) mắc hội chứng rối loạn lo âu cũng ở mức tương tự.
Cơ sở y tế thường điều trị chứng lo âu, rối loạn tâm trạng bằng sự kết hợp của liệu pháp và thuốc. Những người bị lo âu, trầm cảm cũng thỉnh thoảng thử các phương pháp điều trị tự nhiên để cải thiện các triệu chứng của họ, đồng thời sử dụng các chất bổ sung thảo dược.
Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia Mỹ ước tính khoảng 8,4% tổng số người trưởng thành ở Mỹ trải qua giai đoạn trầm cảm vào năm 2020, khiến trầm cảm trở thành một trong những tình trạng sức khỏe tâm thần phổ biến nhất. Ảnh: Verywell Health. |
Đại học Reading ở Vương quốc Anh đã nghiên cứu cách vitamin B6 và vitamin B12 có thể tác động đến mức độ lo lắng và trầm cảm. Họ muốn tìm hiểu mức độ vitamin B6 và B12 có thể ảnh hưởng đến quá trình xử lý axit gamma-aminobutyric (GABA). GABA là chất dẫn truyền thần kinh có thể làm dịu hệ thống thần kinh, góp phần khiến một người mắc chứng lo âu hoặc trầm cảm.
“Hoạt động của não dựa trên sự cân bằng tinh tế giữa các tế bào thần kinh kích thích mang thông tin xung quanh và các tế bào thần kinh ức chế”, giáo sư David Field, người chỉ đạo nghiên cứu và là phó giáo sư của trường Tâm lý và Ngôn ngữ Lâm sàng thuộc Đại học Reading, phát biểu.
Sự biến mất của cân bằng kích thích - ức chế trong não liên quan đến chứng lo âu, trầm cảm, tự kỷ và tâm thần phân liệt.
Theo các nhà nghiên cứu, vitamin B6 có một số cơ chế làm giảm kích thích thần kinh. Vitamin B12 có 2 cơ chế tương tự, nên các nhà nghiên cứu cũng muốn thử nghiệm để xem nó sẽ có tác dụng gì.
Các nhà nghiên cứu hợp tác với 478 tình nguyện viên tự nhận họ mắc chứng lo âu hoặc trầm cảm hoặc cả hai hội chứng. Họ chia nhóm tình nguyện viên thành 3 nhóm để nhận vitamin B6, vitamin B12 hoặc giả dược.
Kết quả nghiên cứu chỉ ra vitamin B6 có thể hữu ích trong việc giảm các triệu chứng lo âu, trầm cảm. Những người sử dụng B6 có mức độ lo lắng, trầm cảm giảm khá nhiều so với nhóm giả dược.
Giáo sư Field giải thích: “Vitamin B6 giúp cơ thể sản xuất một chất truyền dẫn thần kinh, giúp ức chế các xung động trong não và nghiên cứu của chúng tôi chứng minh rằng tác dụng này làm giảm lo âu ở người”.
Mặc dù những người trong nhóm dùng vitamin B12 cảm nhận sự giảm bớt các triệu chứng lo âu và trầm cảm so với nhóm dùng giả dược, các nhà nghiên cứu cho rằng mức cải thiện không lớn. Tuy nhiên, họ cũng lưu ý có thể thời gian thực hiện nghiên cứu hiện tại không đủ lâu để việc bổ sung B12 phát huy tác dụng.