Bánh Trung thu xa xỉ là quà tặng thể hiện vị thế, lối sống thượng lưu ở Trung Quốc. Ảnh minh hoạ: Tiffany. |
Trung thu được xem là một trong những dịp lễ quan trọng đối với người Trung Quốc, mở ra cơ hội tiếp cận khách hàng tại xứ tỷ dân cho các thương hiệu xa xỉ. Nhãn hàng quốc tế liên tục chế tác những hộp bánh Trung thu tinh xảo phục vụ thị trường này.
Nhiều sáng tạo thú vị được chia sẻ trên mạng xã hội, giúp nhà mốt ghi điểm. Tuy nhiên, bánh Trung thu xa xỉ được cho là mất đi sức hấp dẫn sau một thập kỷ tràn vào Trung Quốc, theo Jing Daily.
Bánh Trung thu của thương hiệu Tiffany được đặt trong hộp đựng trang sức mang màu xanh ngọc đặc trưng. Ảnh: Jing Daily. |
Bánh Trung thu xa xỉ có lỗi thời không?
Theo Amber Wu, cố vấn tiếp thị tại Trung Quốc, phong tục tặng quà trong dịp Tết Nguyên đán và Trung thu ăn sâu vào văn hoá của người tiêu dùng xứ tỷ dân. Những chiếc bánh Trung thu sang trọng là biểu tượng của sự xa xỉ, đặc biệt phù hợp làm quà tặng cho khách hàng.
Thương hiệu đồng hồ, trang sức cao cấp Bulgari đã giới thiệu hộp bánh Trung thu Starry, lấy cảm hứng từ Đền Pantheon (Rome, Italy), chứa hoạ tiết ngôi sao 8 cánh đặc trưng của nhãn hàng.
James Hebbert, Tổng giám đốc công ty quảng cáo kỹ thuật số Hylink UK, nhận định rằng thị trường bánh Trung thu xa xỉ có dấu hiệu bão hoà, không còn đem đến những sáng tạo mới. Tuy nhiên, nhu cầu tặng quà mang tính độc quyền, xa xỉ vẫn còn.
Miro Li, nhà sáng lập Double V Consulting, lại nhận thấy có sự thay đổi trong tâm lý người tiêu dùng.
“Mặc dù bánh Trung thu xa xỉ vẫn được cung cấp cho khách hàng VIP, mặt hàng này mất dần sự hấp dẫn đối với người Trung Quốc, không còn trở thành chủ đề thảo luận trên mạng xã hội”, Li nói.
Do tính cạnh tranh của thị trường quà tặng bánh Trung thu ngày càng cao, các nhãn hàng càng phải nỗ lực để thu hút sự chú ý của người tiêu dùng xa xỉ. Hebbert nhấn mạnh 3 yếu tố đem đến thành công cho sản phẩm này, bao gồm nguyên liệu cao cấp, bao bì sang trọng và câu chuyện thú vị.
Bên cạnh bánh Trung thu, các nhãn hàng xa xỉ còn trình làng nhiều sản phẩm liên quan đến dịp lễ này. Ảnh: Tod's. |
Không chỉ bánh Trung thu
Bánh Trung thu của thương hiệu trang sức Tiffany được đặt trong những chiếc hộp màu xanh ngọc đặc trưng. Năm nay, hộp bánh của nhãn hàng này có những hình khắc Mặt Trăng, hoa và chú chim bay lên mang tính biểu tượng của Tiffany.
Hộp quà tặng phiên bản giới hạn này thể hiện sự giao thoa giữa yếu tố thương hiệu và màu sắc văn hoá Trung Quốc, dễ dàng chinh phục khách hàng tại xứ tỷ dân. Bên trong mẫu hộp sang trọng là 4 chiếc bánh hương vị nấm và kem trứng, phù hợp với khẩu vị của số đông.
Trong khi đó, hộp quà Tết Trung thu của Prada lấy cảm hứng từ tông màu hồng - xanh lá chủ đạo của bộ sưu tập thời trang Thu/Đông 2024. Logo tam giác đặc trưng của Prada lồng ghép hình nhân vật thỏ, Mặt Trăng liên quan mật thiết đến dịp lễ hội đặc biệt. Sự sáng tạo này cho thấy nỗ lực của nhà mốt trong việc chinh phục thị trường Trung Quốc.
Bánh Trung thu McQueen có bao bì bằng thép không gỉ màu xám và huỳnh quang mang tinh thần tương lai đặc trưng của thương hiệu. Những chiếc bánh cũng mang màu xanh huỳnh quang ấn tượng, nhấn mạnh yếu tố nhận diện của nhãn hàng.
Theo Miro Li, bên cạnh bánh Trung thu, các thương hiệu xa xỉ còn sản xuất ấm trà, đèn lồng thủ công, phục vụ nhu cầu của khách hàng Trung Quốc. “Quà tặng Trung thu năm nay tôn trọng sự cá nhân hoá, đồng thời thể hiện dấu ấn văn hoá sâu sắc”, Li nói.
Ví dụ, Hermès trình làng khăn quàng và nến thủ công lấy cảm hứng từ biểu tượng chú thỏ và Mặt Trăng dịp Trung thu. Louis Vuitton cũng phát hành bộ tranh cắt giấy truyền thống của đất nước tỷ dân, tôn vinh di sản văn hoá quốc gia.
“Mặc dù bánh Trung thu là biểu tượng của dịp lễ này, các thương hiệu vẫn có thể tiếp cận người tiêu dùng Trung Quốc qua những sản phẩm khác, thể hiện sự sáng tạo trong sự kiện đặc biệt này”, Hebbert nói.
Mỗi bộ quần áo mang đến một thông điệp riêng
Cuốn sách Bạn đỡ ngu ngơ rồi đấy là sự chiêm nghiệm của tác giả David McRaney về thế giới quan của con người thông qua các câu chuyện tâm lý học hành vi rất gần gũi. Theo ông, cùng với các loại vũ khí và công cụ, quần áo đã được phát triển như một trong những loại hình nghệ thuật đầu tiên, và cũng là một trong những biểu hiện bằng vật chất đầu tiên từ thế thế giới nội tâm phong phú của con người.