Sinh viên bị buộc thôi học quá nhiều
Theo khảo sát của PV ở một số trường đại học, trung bình mỗi năm, một trường đại học có từ vài chục đến vài trăm sinh viên bị buộc thôi học, cùng hàng trăm sinh viên khác bị cảnh cáo học vụ.
Mới đây nhất, hơn 1.000 sinh viên của Đại học Tây Nguyên đã và đang đứng trước nguy cơ bị buộc thôi học (chiếm 1/15 số sinh viên toàn trường). Trong con số hơn 1.000 sinh viên này, có 415 trường hợp đã bị thôi học, số còn lại đang đứng trước nguy cơ “báo động đỏ”.
Cách dạy và học bậc ĐH khác hẳn với bậc phổ thông, nếu thiếu một phương pháp học tập đúng đắn, sinh viên sẽ không đáp ứng được yêu cầu dẫn tới bị buộc thôi học. Ảnh minh họa: Tiền Phong. |
Tại Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP HCM, ông Phạm Thái Sơn, Phó phòng Đào tạo trường cho biết, trung bình mỗi năm học, nhà trường có hơn 2.000 sinh viên bị cảnh cáo học vụ và buộc thôi học. Trong đó, hơn 1.000 sinh viên bị buộc thôi học (gồm hơn 100 sinh viên thuộc hệ đại học, còn lại là sinh viên ở các hệ cao đẳng khác).
Ông Lê Quang Thành, Trưởng phòng Đào tạo Đại học Giao thông Vận tải TP HCM cho biết, sau mỗi học kỳ, nhà trường đuổi học khoảng 100 sinh viên cùng với vài trăm sinh viên khác bị cảnh cáo học vụ rải đều ở các ngành học.
Ông Thành phân tích: “Làm một phép tính đơn giản, mỗi năm trường tuyển khoảng 3.000 sinh viên hệ đại học, cao đẳng chính quy, tức số sinh viên toàn trường mỗi năm khoảng 13.500 sinh viên thì tỷ lệ sinh viên bị buộc thôi học hàng năm khoảng 1,4%. Tôi xin không bình luận về con số này là nhiều hay ít, cao hay thấp nhưng đối với một gia đình khi có con em bị buộc thôi học là một điều thật khủng khiếp”.
Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP HCM, mỗi năm cũng có cả trăm sinh viên bị buộc thôi học. “Cụ thể, số lượng sinh viên bị buộc thôi học của trường này qua các năm như sau: Năm 2012 có 275 sinh viên, năm 2014 có 249 sinh viên, năm 2015 có 100 sinh viên, trong đó, đỉnh điểm năm 2013, nhà trường buộc thôi học đến hơn 500 sinh viên”, ông Nguyễn Phương, Trưởng phòng Đào tạo trường này cho biết.
Tương tự, Đại học Ngân hàng TP HCM kết thúc học kỳ 1 vừa qua, trường này buộc thôi học 201 sinh viên, cảnh cáo học vụ gần 100 sinh viên; Đại học Nông Lâm TP HCM buộc thôi học 280 sinh viên, cảnh cáo hàng trăm sinh viên khác…
Một trong những người bị buộc thôi học trong kỳ vừa qua, Đ.P.C (quê Đồng Nai), sinh viên khoa Cơ khí chế tạo máy, Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP HCM có học lực quá yếu khi hai học kỳ liên tiếp, C. chỉ đạt được mức điểm trung bình 1.27 và 0.93 điểm. Nguyên do học yếu của C. là không theo kịp chương trình dẫn đến chán học.
“Từ khi chán học, em bắt đầu đi chơi nhiều hơn, hết cà phê thì nhậu…, đến khi nhà trường cảnh cáo lần thứ hai rồi buộc thôi học luôn em mới sững sờ và rất hối hận”, C. tâm sự.
Mải chơi, thiếu tự học, tự nghiên cứu
“Khi vào học đại học, việc tự học, tự nghiên cứu được yêu cầu rất cao. Sinh viên hiện nay ít quan tâm tới vấn đề này, các em cứ học theo mô hình: Gần kỳ thi cặm cụi học, đến khi thi không đạt và sẽ bị cảnh báo học vụ dẫn đến buộc thôi học”
Ông Lê Quang Thành, Trưởng phòng Đào tạo, Đại học Giao thông Vận tải TP HCM
Theo ông Thành, khả năng thích nghi với việc tự học và phân bố khối lượng, kế hoạch học tập từ khi học Tiểu học đến THPT, các em được sắp xếp theo lớp học cứng, được thầy cô giáo kiểm tra kiểm soát rất ngặt nghèo.
“Tuy nhiên, khi vào học đại học, việc tự học, tự nghiên cứu được yêu cầu rất cao. Sinh viên hiện nay ít quan tâm tới vấn đề này, các em cứ học theo mô hình: Gần kỳ thi thì cặm cụi học, đến khi thi không đạt và sẽ bị cảnh báo học vụ dẫn đến buộc thôi học”, ông Thành nói.
Đồng quan điểm, ông Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP HCM cho biết, nguyên do sinh viên bị buộc thôi học chủ yếu do các em chểnh mảng.
“Ngoài ra, việc định hướng nghề nghiệp yếu, các em chọn ngành, chọn nghề theo yêu cầu của gia đình, theo phong trào bạn bè mà không theo xu thế, khả năng bản thân… Bên cạnh đó, nhiều sinh viên chỉ tập trung làm thêm, bị những người bán hàng đa cấp dụ dỗ dẫn đến không phân bổ được thời gian học tập; việc ưa chuộng bằng cấp, quy định tuyển sinh còn nhiều bất cập… cũng là nguyên nhân làm kết quả học tập yếu kém”, ông Dũng nói.
N.H.A (quê Trà Vinh) sinh viên năm 2, ngành Kế toán, Đại học Ngân hàng TP HCM đang đứng trước nguy cơ bị buộc thôi học do học lực yếu (hai học kỳ trước đó đều có mức điểm tổng kết dưới 1.0). Hiện A bị cảnh cáo học vụ mức 3.
“Ngày nào em cũng làm thêm từ sáng đến chiều, công việc có khi là phục vụ quán nhậu, bán quán cà phê nên gần như không có thời gian để học bài. Thậm chí, có bữa em phải bỏ cả thi vì xin nghỉ nhưng chủ không cho”, A tâm sự.