Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bạo lực học đường và câu chuyện 'thà bị đục chứ không chịu nhục'

Bị bạn đánh trong lúc có cả “rừng” người không can ngăn mà còn dùng điện thoại quay phim, nạn nhân chỉ biết chịu trận vì chạy là “nhục”.

Thực trạng buồn này được TS tâm lý học Đào Lê Hòa An chia sẻ tại tọa đàm “Thực trạng và giải pháp ngăn chặn nguy cơ người trẻ phạm tội” do báo Thanh Niên tổ chức sáng 15/4, tại TP.HCM.

Tội phạm trẻ hóa

Thiếu tá Trịnh Khánh Hùng, Phó trưởng phòng Cảnh sát hình sự (PC02), Công an TP.HCM, dẫn ra con số về thực trạng phạm pháp hình sự đáng chú ý trong lứa tuổi dưới 18.

Theo đó, từ năm 2018 đến hết quý I/ 2021, Công an TP.HCM ghi nhận 516 vụ phạm pháp hình sự do 884 đối tượng là người dưới 18 tuổi thực hiện, với các vụ việc như giết người, cướp tài sản, hiếp dâm, cưỡng dâm, cố ý gây thương tích, trộm cắp tài sản, cướp giật, gây rối trật tự công cộng, mua bán, tàng trữ chất ma túy...

Trong đó, 474 vụ được khám phá, xử lý 775 đối tượng. Độ tuổi tội phạm dưới 14 tuổi chiếm 3,62%, đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi là 27,26%, dưới 18 tuổi chiếm 69,12%. Đáng chú ý, trong số 884 đối tượng này, 553 thanh, thiếu niên đã bỏ học.

toi pham tre hoa anh 1

Thiếu tá Trịnh Khánh Hùng, Phó trưởng phòng Cảnh sát hình sự (PC02), Công an TP.HCM, nêu thực trạng phạm tội trong giới trẻ thời gian qua. Ảnh: Tiền Phong.

Trước tình trạng phạm pháp như trên, thiếu tá Hùng cho rằng do thiếu nhận thức trong độ tuổi này, trẻ em luôn tin vào những điều các em thấy và điều này lý giải phim ảnh có nội dung bạo lực (với các chủ đề như đại ca, trùm trường học, giang hồ bảo kê…) có tác động rất lớn đến trẻ.

Sự phát triển của mạng xã hội cũng kéo theo sự kết nối dễ dàng hơn trong xã hội, đặc biệt là sự xuất hiện của “nhóm kín”, lôi kéo nhiều thanh thiếu niên, trẻ em tham gia.

Cũng theo thiếu tá Trịnh Khánh Hùng, ở mỗi thời điểm, tình hình phạm pháp diễn ra khác nhau. Trước kia, do hạn chế của công nghệ, khoa học kỹ thuật, tội phạm kiểu khác. Bây giờ, người phạm tội do xem phim ảnh về nội dung xấu, quan hệ bạn bè xã hội không được quản lý, cũng tác động lớn đến các em.

Ngoài ra, nhiều người còn sử dụng ma túy, dẫn đến hệ lụy khôn lường.

Trong khi đó, TS tâm lý học Đào Lê Hòa An, Giám đốc Trung tâm ứng dụng khoa học tâm lý, cho biết ông từng tư vấn tâm lý cho khoảng 20 học sinh là nạn nhân của bạo lực học đường. Trong đó, một thực tế là khi bị đánh đập, đa phần nạn nhân không chạy mà chịu đánh đến hộc máu mũi.

Trả lời câu hỏi “tại sao không bỏ chạy”, nhiều em nói: “Nếu em quay lưng bỏ chạy thì thấy mình nhục quá... Thà bị đục chứ không chịu nhục”.

toi pham tre hoa anh 2

TS Tâm lý học Đào Lê Hòa An. Ảnh: Tiền Phong.

“Cái tôi của các bạn trẻ này rất lớn”, TS Hòa An nói và cho rằng cũng phải có giải pháp thích đáng đối với những bạn trẻ đứng ngoài cổ vũ mà không can ngăn.

TS Đào Lê Hòa An nhìn nhận "thế hệ Z" hiện nay không biết rõ về thế giới trở về trước thời có Internet. Một phần tất yếu là tiếp nhận thông tin nhanh chóng nhưng không nhận thức được rõ ràng, chính xác thông tin, do đó còn yếu về “bộ lọc” của mình. Do đó, vai trò và sự phối hợp của các cơ quan truyền thông, nhà trường, các ngành chức năng rất quan trọng.

Mặt khác, TS An cho rằng nên tận dụng sức mạnh của công nghệ, bằng việc xây dựng thiết chế phòng tham vấn tâm lý online với đội ngũ chuyên gia tâm lý tập trung, để bất kỳ học sinh nào có vấn đề tâm lý cũng sẽ được hỗ trợ kịp thời.

“Ở đó sẽ giúp học sinh hiểu được vấn đề tâm lý, đồng thời có nơi để giải tỏa tâm lý của mình. Nhà trường cũng chú trọng tạo nên sân chơi bổ ích để học sinh giải tỏa năng lượng bản thân, được khẳng định bản sắc cá nhân của mình, tránh sử dụng năng lượng đó vào những việc tiêu cực”, TS Đào Lê Hòa An nhấn mạnh.

Giang hồ mạng được phong "thầy"

TS Đoàn Văn Báu, chuyên gia tâm lý tội phạm, cho rằng hiện nay, việc phạm tội của người chưa thành niên rất dễ xảy ra. Những năm gần đây, tình hình tội phạm ngày càng trẻ hóa và nghiêm trọng hơn, trong đó, có sự xuất hiện ở một số lĩnh vực như tội phạm công nghệ cao.

Nguyên nhân phạm tội xuất phát từ nhiều yếu tố, như do tâm lý lứa tuổi, điều kiện xã hội tác động, hoàn cảnh gia đình ảnh hưởng tâm sinh lý của trẻ.

toi pham tre hoa anh 3

TS Đoàn Văn Báu góp ý tại buổi tọa đàm. Ảnh: Tiền Phong.

Nhấn mạnh vai trò sức mạnh của mạng xã hội, TS Báu cho rằng một số bộ phim nhuốm màu bạo lực do văn nghệ sỹ sản xuất vừa qua đã được chiếu trên mạng (web drama), lôi cuốn nhiều bạn trẻ quan tâm, ngưỡng mộ.

Thực tế đó khiến xã hội lẫn lộn và tạo thành một trào lưu nguy hiểm.

“Điều đó dẫn đến chuyện có những giang hồ mạng được phong 'thầy', được ngưỡng mộ, thần tượng. Đã đến lúc chúng ta phải định hướng giá trị sống, thay đổi cách nhìn của trẻ. Tôi mong muốn bộ giáo dục đẩy mạnh các phương pháp giáo dục chú trọng nhiều đến thực hành. Cần có mục tiêu và module triển khai cụ thể đến tất cả các em học sinh”, TS Đoàn Văn Báu nói và đề xuất cần có bộ sách về các kỹ năng sống được biên soạn một cách chuẩn hóa, trong đó trang bị cụ thể các kỹ năng phòng chống tội phạm cho các em.

Sở GD&ĐT TP.HCM sẽ xử lý vụ hai thiếu niên bị đánh trong trường

Dù hai thiếu niên bị đánh không phải học sinh, người đánh hai em không phải nhân viên trường, Sở GD&ĐT TP.HCM sẽ có phương án xử lý sau khi nắm rõ chi tiết.

https://tienphong.vn/bi-bao-luc-hoc-sinh-tha-bi-duc-chu-khong-chiu-nhuc-post1328386.tpo

Ngô Tùng / Tiền Phong

Bạn có thể quan tâm