Nhiều tân sinh viên đau đầu với bài toán chi tiêu. Ảnh minh họa: Mirror. |
Bốn năm trước, lần đầu tiên Tiến Dũng xa nhà để lên Hà Nội học. Tháng đầu tiên, bố mẹ chu cấp cho nam sinh 4,5 triệu đồng, trong đó có 1 triệu đồng tiền trọ và dặn chi tiêu cẩn thận, mua sắm những thứ cần thiết, chịu khó đi chợ nấu cơm.
“Thế nhưng trong vòng 2 tuần đầu tiên, mình đã tiêu hết gần 3 triệu đồng. Khi nhìn lại, mình sốc, không rõ đã tiêu những gì. Nửa tháng còn lại, trong người mình chỉ còn khoảng 700.000 đồng”, Tiến Dũng chia sẻ.
Không riêng Dũng, nhiều sinh viên cho biết trong thời gian đầu nhập học, các em thường khó kiểm soát được chi tiêu, dẫn đến tình trạng chưa đến cuối tháng đã “cháy túi", làm bạn với mì tôm.
Sốc chi tiêu, vung tay quá trán
Tiến Dũng cho biết lần đầu tiên được cầm số tiền lớn, nhìn thấy gì cũng muốn khám phá, lại là con trai, cậu không ngần ngại chi tiền cho việc ăn uống ngoài hàng, mua đồ và ngồi cả đêm ở quán game.
Trong khi đó, hồi mới lên đại học, Trương Vĩ (hiện là sinh viên năm ba tại TP.HCM) lại “mê" săn hàng giảm giá trên các sàn thương mại điện tử. Theo Vĩ, các khoản chi tiêu này tưởng nhỏ lại nhưng cuối cùng cộng dồn lại là thành khoản chi lớn.
“Gia đình mình chu cấp theo tuần, cứ 1 triệu đồng/tuần. Hầu như tuần nào mình cũng săn sale, hết khoảng 1/3 số tiền. Có tuần tiêu lố vào tiền ăn, mình đành làm bạn với mì tôm hoặc ngủ để nhịn ăn", Vĩ chia sẻ.
Trương Vĩ đã có những trải nghiệm đáng nhớ trong những tháng đầu đại học. Ảnh: NVCC. |
Một lần khác, do ham vui với bạn mới, lại ngại từ chối, Vĩ nhận lời đi ăn uống, trà sữa. Cứ nghĩ sẽ chỉ tiêu hết khoảng 100-150.000 đồng như tiền ăn hàng ngày, ai ngờ hôm đó, Vĩ mất tới 300.000 đồng. Đã thế về nhà, cậu còn bị “tào tháo đuổi”.
“Từ lần đó mình chừa, từ chối đến những nơi chưa hiểu rõ dịch vụ hoặc hạn chế đến những điểm ăn chơi", Vĩ chia sẻ.
Trong khi đó, đối với Thu Hiền, sinh viên năm cuối tại Đại học Hà Nội, cú sốc chi tiêu lớn nhất khi lên Hà Nội học đại học lại là tiền nhà và tiền mua rau. Nữ sinh cứ nghĩ rằng tiền thuê nhà chỉ rơi vào khoảng 1,5-2 triệu đồng/tháng, nhưng thực tế giá thuê nhà trọ lại đắt gấp đôi, thậm chí gấp ba. Rất may nữ sinh được ở ký túc xá nên mỗi tháng chỉ tốn 650.000 đồng.
Ký túc xá nơi Hiền ở có khu bếp riêng nên nữ sinh và bạn cùng phòng đều đi chợ, nấu ăn. Đây cũng là cú sốc thứ 2 đối với Hiền vì tiền mua thực phẩm tại Hà Nội đắt hơn 1,5-3 lần so với ở quê nhà Nam Định, đặc biệt là rau. Nữ sinh nói rau ở quê rẻ như cho, nhưng rau mua tại Hà Nội rất đắt, một số loại thậm chí đắt hơn trứng, thịt.
Mỗi bữa ăn, Hiền và 5 người bạn chung phòng ký túc xá chỉ chi 100.000 đồng để mua nguyên liệu nấu nướng. Do là sinh viên chưa có thu nhập quá cao, nữ sinh muốn tiết kiệm nhiều nhất có thể và hạn chế ăn ngoài, tụ tập bạn bè để tránh tốn tiền.
Khác với Thu Hiền, Ngân Hà, sinh viên mới kết thúc năm nhất tại một trường đại học đào tạo về kinh tế tại Hà Nội, lại bất ngờ nhất về tiền cà phê và cá món ăn nhanh. Riêng với tiền thuê trọ, nữ sinh không sốc vì em đọc được nhiều bài viết về vấn đề này khi còn học lớp 12.
Lần đầu tiên ăn đồ ăn nhanh tại Hà Nội, Hà khá sốc vì không nghĩ rằng một phần gà rán chỉ gồm 2 miếng nhỏ lại có giá gần 100.000 đồng. Tương tự, hamburger và pizza cũng là hai món nữ sinh thấy đắt hơn so với tưởng tượng.
Còn về cà phê, Hà cho biết ở quê nhà, một ly cà phê chỉ dao động trong khoảng 10.000-15.000 đồng/ly, các món nước khác như nước ép, sinh tố cũng ở mức trung bình 20.000-25.000 đồng/ly.
Nhưng tại Hà Nội, giá cà phê mặt bằng chung sẽ rơi vào khoảng 35.000-50.000 đồng/ly hoặc thậm chí đắt hơn. Nước ép, sinh tố hay trà sữa cũng rơi vào tầm giá tương tự.
“Hồi ôn thi tốt nghiệp THPT, em hay uống cà phê cho tỉnh táo nên cũng hơi 'nghiện'. Từ khi ra Hà Nội học, em gần như bỏ luôn thói quen uống cà phê vì đắt”, nữ sinh chia sẻ.
Bao nhiêu mới đủ chi tiêu?
Nói thêm về việc chi tiêu tại Hà Nội, Ngân Hà cho biết do chưa đi làm thêm, em không dám tiêu quá nhiều tiền của bố mẹ.
Hiện, mỗi tháng em tốn 2 triệu đồng tiền nhà (ở ghép với bạn), tiền điện, nước khoảng 200.000 đồng, Wi-Fi 50.000 đồng, gửi xe 100.000 đồng. Cộng với tiền ăn, chi phí đi lại và tiền phát sinh mua tài liệu học tập, tổng chi tiêu mỗi tháng của Hà rơi vào khoảng 4-4,5 triệu đồng.
Đối với nữ sinh, đây là mức chi tiêu vừa đủ đối với sinh viên tại Hà Nội vì mọi thứ ở thành phố lớn đều đắt đỏ. Nữ sinh từng tính đến chuyện thuê trọ ở ngoại thành cho tiết kiệm, nhưng nghĩ đến việc phải lái xe cả chục km để đi học, em lại từ bỏ vì sợ đi đường xa nguy hiểm.
"Chi tiêu bao nhiêu tiền một tháng là đủ?" là câu hỏi nhiều tân sinh viên đặt ra trước ngưỡng cửa đại học. Ảnh minh họa: Phương Lâm. |
Trong khi đó, Thu Hiền may mắn hơn vì được ở ký túc xá nên mỗi tháng chỉ tốn 2-2,5 triệu đồng/tháng (đã bao gồm tiền ăn uống). Tại ký túc xá của Hiền, sinh viên được miễn phí tiền nước nên mỗi tháng em chỉ cần đóng thêm 50.000 đồng tiền điện. Vào những tháng mùa hè nắng nóng, tiền điện có thể lên đến 100.000 đồng/người.
“Bọn em chi tiêu với phương châm có ít tiêu ít, có nhiều tiêu nhiều nên không dám vung tay quá trán. Khi lên năm 3 đi làm thêm nhiều hơn, bọn em thỉnh thoảng đi ăn ngoài để ‘đổi gió’ nhưng vẫn chỉ duy trì mức chi dưới 3 triệu đồng”, Hiền chia sẻ.
Trong khi đó, ở TP.HCM, Vĩ cho biết hiện tại, sinh viên cần khoảng 4-6 triệu đồng cho riêng chi phí nhà trọ, ăn ở, điện nước, di chuyển… Trong đó, tiền nhà trọ và tiền ăn thường là khoản chi lớn nhất, chiếm khoảng 2/3 tổng chi phí.
Nếu ở ký túc xá, tiền phòng sẽ giảm đi được một nửa, sinh viên sẽ tiết kiệm hơn. Vĩ cũng tính đến cả những khoản phát sinh như đóng góp, mua sách, vở, tài liệu mỗi tháng khoảng 500.000 đồng.
Tiêu sao cho phù hợp
Sắp tới, các tân sinh viên sẽ lên thành phố lớn học đại học, Thu Hiền khuyên các bạn nên học cách cân đối chi tiêu, đồng thời phải ghi chép tất cả khoản chi, tránh rơi vào tình trạng tiêu tiền quá mức lại phải cầu cứu bố mẹ.
“Các bạn tụ tập ăn uống sang chảnh cũng được, nhưng chỉ nên dừng ở mức mỗi tháng một lần và ăn không quá 500.000 đồng. Còn về quần áo, mỹ phẩm, mình khuyên các bạn chỉ nên mua đủ dùng, tránh mua những món không cần thiết và đặc biệt là không nên xem livestream ‘chốt đơn’ vì rất dễ tiêu tiền quá đà”, Hiền khuyên.
Cùng quan điểm, Tiến Dũng cho rằng nếu ở ghép, tân sinh viên có thể bàn bạc chi tiêu với bạn cùng phòng sao cho hợp lý. Sau tháng đầu tiên, Dũng lập ngay hai tài khoản ngân hàng, chia nhỏ số tiền bố mẹ cho và số tiền mình kiếm được khi đi làm thêm, một tài khoản dùng để chi tiêu và một tài khoản để tiết kiệm.
Mỗi khi đi mua đồ, nam sinh đều lên danh sách trước, tránh tình trạng nhìn gì cũng muốn mua. Việc ăn ngoài hàng cũng hạn chế khi cả phòng chăm nấu cơm hơn.
“Mỗi tháng mình cũng để ra được một khoản nhỏ, có thể tự mua đồ cá nhân mà không cần xin bố mẹ”, Dũng chia sẻ.
Trương Vĩ cũng khuyên các tân sinh viên nên chia nhỏ các khoản phí, trong đó có khoản phí cố định, bao gồm tiền nhà, điện nước, ăn uống… Quỹ chi phí tự do phục vụ cho các hoạt động vui chơi, giải trí, phát triển cá nhân. Ngoài ra, sinh viên cũng nên dành một khoản nhỏ tiết kiệm nhỏ (500.000 - 1 triệu đồng) để phòng các trường hợp đột xuất như ốm đau.
“Các bạn nên giới hạn mỗi tháng chỉ được chi bao nhiêu và cố gắng co kéo trong khoản có, tránh vung tay quá trán", Vĩ nói.
Rút kinh nghiệm từ bản thân, Vĩ khuyên các bạn nên hạn chế các khoản mua sắm những vật dụng không cần thiết, nhất là vào những mùa giảm giá, khuyến mại. Theo Vĩ, sau 2-3 tháng đầu ổn định, các bạn cũng có thể đi làm thêm để có thêm thu nhập, cùng với đó là chú trọng học hành. Nếu học tốt, các bạn hoàn toàn có thể lấy học bổng.
Bạn đang cảm thấy mình đã quá tuổi để học?
Được học - câu chuyện về cô gái 17 mới được đến trường lần đầu và đã trở thành tiến sĩ ngành Sử học về sau - hơn cả một câu chuyện truyền cảm hứng về học tập. Đó là hành trình đi tìm bản ngã của Tara Westover, khi cô đánh mất gia đình mình với những lời cáo buộc nghiệt ngã. Đó là sự trưởng thành về nhận thức trước một thế giới rộng lớn hơn gấp nhiều lần những gì cô được nhồi nhét trước kia. Đó là một hành trình giáo dục mà không phải ai cũng sẽ dễ dàng hoàn thành được. Độc giả có thể tìm hiểu thêm về Được học tại đây.