Nhiều du khách leo trèo, "đánh đu" lên hiện vật tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam hôm 10/11. Ảnh: Nguyễn Đức Anh. |
"Dù có loa thông báo không sờ, trèo lên hiện vật, nhiều trẻ nhỏ vẫn 'vắt vẻo' trên xe tăng, máy bay, mặc kệ hướng dẫn viên liên tục nhắc nhở trong bất lực", du khách Cảnh Du (30 tuổi, ngụ Hà Nội) kể lại sau chuyến tham quan Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam sáng 10/11.
Trong hai ngày cuối tuần (9-10/11), bảo tàng này ghi nhận lượng khách tham quan kỷ lục, lên đến 40.000 người tính riêng trong ngày 10/11. Bên cạnh cảnh tượng đông đúc, tình trạng nhiều du khách không tuân thủ quy định, xâm phạm hiện vật khiến nhiều người bức xúc.
Thông tin với báo chí, trung tá quân nhân chuyên nghiệp Nguyễn Thị Lan Hương, trưởng Phòng Tuyên truyền - Giáo dục Bảo tàng, cho biết sau thời gian mở cửa đón khách, những ngày qua, bảo tàng đã họp, đánh giá cũng như lên phương án đảm bảo tốt nhất cho công tác hướng dẫn tuyên truyền, bảo quản hiện vật trong thời gian tới.
"Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tăng cường trong việc bố trí nhân lực ở khắp các khu vực của bảo tàng, nhằm phục vụ người dân và du khách một cách tốt nhất", bà Hương thông tin.
Được biết, trong thời gian tới, các hiện vật trưng bày, đặc biệt là các bảo vật quốc gia sẽ được lưu trữ, bảo quản và bảo vệ một cách nghiêm ngặt hơn, tránh tính trạng không mong muốn xảy ra.
Hướng dẫn viên nhắc nhở các du khách nhí trong bất lực. Ảnh: Cảnh Du. |
Chia sẻ với Tri Thức - Znews, Cảnh Du cho biết nhà chỉ cách Bảo tàng 2 km, nhưng mất đến 1,5 giờ để di chuyển đến nơi do ùn tắc kéo dài. Khi vào trong, anh bất ngờ và bức xúc khi chứng kiến nhiều bạn trẻ, em nhỏ vô tư leo lên hiện vật.
Ngoài ra, tình trạng vứt rác bừa bãi trong Bảo tàng cũng xuất hiện. Số rác này chủ yếu do các em nhỏ vứt xuống sàn sau khi được bố mẹ cho đồ ăn vặt. Một số phụ huynh cũng không để ý nhặt rác con vứt ra.
"Thậm chí, nhiều nhóm bạn trẻ còn vô tư trải khăn, thảm trong khu vực bảo tàng để ngồi nghỉ và ăn uống, không quan tâm đến cảnh quan xung quanh", Cảnh Du kể lại.
Các du khách nhí leo trèo làm tróc sơn trên hiện vật của bảo tàng. Ảnh: Khương Kiều Trinh. |
Tương tự Cảnh Du, du khách Khương Kiều Trinh (22 tuổi), có mặt tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam sáng 10/11, cũng bày tỏ sự bức xúc khi tận mắt chứng kiến hiện vật bị tróc sơn vì trẻ nhỏ đi cả giày, dép trèo lên.
"Tôi rất bức xúc khi thấy những cảnh tượng này. Có nhiều phụ huynh còn bế con ngồi lên vật để chụp ảnh", Trinh kể. Cô gái trẻ lo lắng tình trạng này nếu không chấm dứt, rất có thể bảo tàng sẽ thường xuyên phải tạm đóng cửa để tu sửa.
Trong khi đó, mạng xã hội ngày 11/11 cũng đồng loạt lan truyền hình ảnh trên và lên án các hành vi thiếu chuẩn mực, trái với quy định của du khách khi đến tham quan Bảo tàng Quân sự Việt Nam.
Nhiều du khách nhí leo trèo, "đánh đu" lên hiện vật, có bé còn giẫm chân lên sa bàn dù bị nhắc nhở. Thậm chí, một du khách trẻ còn leo hẳn lên nóc tòa nhà của bảo tàng để "trình diễn", quay clip.
Nội quy tham quan Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam. Ảnh: Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam. |
Trước đó, ngay từ ngày mở cửa đón khách, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam đã đặt các biển cảnh báo du khách không sờ, trèo lên hiện vật tại nhiều điểm trưng bày.
Ngoài ra, bảng nội quy chung của bảo tàng cũng ghi rõ 11 yêu cầu khi du khách tham quan bảo tàng. Trong đó, có quy định "Không ăn, uống trong khu vực trưng bày"; "Không tì tay lên kính, không chạm tay hay trèo lên hiện vật"; "Có ý thức gìn giữ vệ sinh chung, bảo vệ hiện vật và các công trình công cộng"...
Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam được Bộ Quốc phòng đầu tư xây dựng mới trên địa bàn hai phường Tây Mỗ và Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội từ năm 2019, trên diện tích 386.600 m2. Bảo tàng hiện lưu giữ hơn 150.000 hiện vật, trong đó có 4 bảo vật quốc gia và nhiều hiện vật quý.
Bảo tàng mới được xây dựng với thiết kế hiện đại, nhiều công năng, kiến trúc Bảo tàng không chỉ đơn thuần là một công trình trưng bày về lịch sử chiến tranh, mà còn tạo một không gian chung để khách tham quan tương tác và trải nghiệm về cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng.
Mục Du lịch - Ẩm thực gửi tới độc giả những tựa sách hay, truyền cảm hứng xê dịch. Không chỉ là những chuyến du lịch đơn thuần, mỗi tác phẩm kể lại hành trình khám phá, học hỏi nhiều điều hay từ những nền văn minh, địa điểm mới của các tác giả.