Một trong những điểm hấp dẫn du khách bốn phương đến với Vương quốc Anh chính là hệ thống bảo tàng vô cùng phong phú và độc đáo của xứ sở Sương mù, trong đó có Bảo tàng Victoria và Albert (V&A) ở thủ đô London - bảo tàng nghệ thuật trang trí và thiết kế lớn nhất thế giới.
Tọa lạc trên một diện tích 51.000m2 với 145 phòng trưng bày và hơn 4,5 triệu hiện vật trưng bày thường xuyên, Bảo tàng V&A là nơi hội tụ các bộ sưu tập nghệ thuật "deco" và thiết kế trải dài suốt 5.000 năm lịch sử từ thời cổ đại đến hiện đại và thuộc nhiều nền văn hóa từ châu Âu tới Bắc Mỹ, từ châu Á tới Bắc Phi.
Điều thú vị với nhiều du khách tham quan là khi tới đây họ không chỉ được đắm mình trong thế giới nghệ thuật qua nhiều giai đoạn lịch sử mà còn có thể nắm bắt những trào lưu, xu hướng nghệ thuật hiện đại qua gian trưng bày thế kỷ 20 và mới nhất ở đó là phòng "Sưu tập Phản ứng Nhanh" - một bộ phận mới trong hoạt động sưu tập của Bảo tàng V&A với các hiện vật được sưu tập và trưng bày tại đây đáp ứng tiêu chí là những thiết kế hay chế tạo có sức lan tỏa và ảnh hưởng rộng rãi trong lịch sử hiện đại.
Đáng chú ý trong phòng "Sưu tập Phản ứng Nhanh" đợt này đang có một góc giới thiệu về trò chơi "Flappy Bird" của nhà lập trình và thiết kế trò chơi Việt Nam Nguyễn Hà Đông với hiện vật trưng bày là hai điện thoại thông minh có cài trò chơi "chú chim đập cánh" từng một thời khuynh đảo làng game thế giới.
Trò chơi "Flappy Bird" cũng như tác giả của nó được giới thiệu gọn gàng trên một trang A4 nhưng cũng cho khách tham quan biết được nhiều thông tin thú vị xung quanh, ví dụ như Dong Nguyen (tức Nguyễn Hà Đông) đã viết mã trò chơi này chỉ trong mấy ngày cuối tuần và ra mắt nó vào ngày 24/5/2013 như một ứng dụng điện thoại di động có thể tải miễn phí.
"Flappy Bird" có sự khởi đầu khá chậm chạp nhưng nhờ tính chất dễ gây nghiện của nó mà trò chơi đã nhanh chóng trở thành một hiện tượng phát tán như virus.
Lời giới thiệu cũng cho biết đến tháng 1/2014, Flappy Bird đã vượt lên dẫn đầu các bảng xếp hạng trò chơi của Apple và Google và lợi nhuận quảng cáo từ ứng dụng này ước tính đạt 50.000 USD/ngày. Rồi khi Hà Đông bất ngờ tuyên bố gỡ Flappy Bird ngày 8/2/2014 thì sau đó đã xuất hiện hàng trăm phiên bản không chính thức của trò chơi này.
Theo lời nhân viên bảo tàng thì đúng như tên gọi của nó, phòng trưng bày "Sưu tập Phản ứng Nhanh" chính là "phản ứng nhanh" của Bảo tàng V&A với những sự kiện toàn cầu, những tiến bộ công nghệ, thay đổi chính trị hay các hiện tượng văn hóa đại chúng có tác động đến nghệ thuật, thiết kế và kiến trúc.
Đây cũng là chiến lược mới của Bảo tàng để can dự kịp thời với những diễn biến quan trọng hình thành nên hay được hình thành bởi thiết kế, kiến trúc và công nghệ.
Góc giới thiệu "Flappy Bird" tại phòng "Sưu tập Phản ứng Nhanh." (Ảnh: Đỗ Sinh/Vietnam+)
Bên cạnh trò chơi "Flappy Bird" của Nguyễn Hà Đông, những hiện vật khác cùng được trưng bày trong đợt này còn có 5 sắc thái màu "nude" của nhãn hiệu giày Christian Louboutin, khẩu súng ngắn đầu tiên được in bằng công nghệ 3D trên thế giới theo thiết kế của sinh viên luật Mỹ Cody Wilson, chú sói nhồi bông của hãng IKEA v.v...
Các hiện vật này được trưng bày từ ngày 4/7/2014 và sẽ còn ở đó đến ngày 31/1/2016 trước khi được thay thế bằng những thiết kế hay chế tạo khác.
Nằm ở tầng 6 cũng là tầng trên cùng của Bảo tàng V&A là khu trưng bày các sản phẩm gốm sứ và đồ gỗ. Giữa cơ man những hiện vật gốm sứ từ cổ chí kim thuộc nhiều quốc gia trên thế giới cũng có sự hiện diện của những cổ vật từ Việt Nam, như những chiếc lọ, chiếc bình mang màu men xanh lam và nâu quen thuộc, những chiếc bát có trang trí hoa cúc hay chiếc đĩa có họa tiết hoa sen.
Những cổ vật Việt Nam tại khu trưng bày đồ gốm sứ. (Ảnh: Đỗ Sinh/Vietnam+)
Tất cả các cổ vật này đều được đánh số và chú thích đầy đủ về xuất xứ Việt Nam cũng như thời điểm ra đời của chúng vào các thể kỷ từ 13 đến 15. Không chỉ sở hữu một khối lượng đồ sộ các sản phẩm gốm sứ, các hiện vật làm từ các chất liệu như thủy tinh, vải sợi, gỗ, bạc, sắt, đồng... mà Bảo tàng V&A đang nắm giữ thuộc diện lớn nhất và đa dạng nhất thế giới.
Bảo tàng cũng là chủ nhân bộ sưu tập lớn nhất thế giới về các tác phẩm điêu khắc thời kỳ hậu cổ điển, với nhiều hiện vật ở thời kỳ Phục Hưng nhất bên ngoài Italy được trưng bày ở tầng 1. Các bộ sưu tập nghệ thuật về khu vực Đông Á của bảo tàng thuộc hàng lớn nhất ở châu Âu, trong khi bộ sưu tập về Hồi giáo nằm trong số các bộ sưu tập lớn nhất trong thế giới phương Tây.
Bảo tàng V&A ra đời năm 1852 và được đặt theo tên Nữ hoàng Anh Victoria (1819-1901) và Hoàng tử Albert chồng bà. Bảo tàng thiết kế và nghệ thuật trang trí độc đáo này nằm trong quần thể các thiết chế văn hóa đặc sắc ở Khu vực Hoàng gia Kensington và Chelsea tại thủ đô London, bao gồm Nhà tưởng niệm Hoàng tử Albert, Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên, Bảo tàng Khoa học và Nhà hát Royal Albert Hall - một trong những địa điểm tổ chức hòa nhạc nổi tiếng nhất thế giới.
Hẳn nhiên, không gian văn hóa đồ sộ này không chỉ là niềm tự hào của người Anh mà còn là một điểm tham quan không thể bỏ qua đối với mọi du khách mỗi khi có dịp đến London.