Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bảo Yến và những chuyện chưa kể về Trịnh Công Sơn

Qua những trang kỷ niệm mà ca sĩ Bảo Yến giở lại cho độc giả xem, bàng bạc trong đó là hình ảnh một Trịnh Công Sơn hay buồn, hiền hòa và trên tất cả là một sự bao dung vô bờ bến.

Bảo Yến và những chuyện chưa kể về Trịnh Công Sơn

Qua những trang kỷ niệm mà ca sĩ Bảo Yến giở lại cho độc giả xem, bàng bạc trong đó là hình ảnh một Trịnh Công Sơn hay buồn, hiền hòa và trên tất cả là một sự bao dung vô bờ bến.

Và khi nói về âm nhạc của Trịnh Công Sơn, trong giọng nói của Bảo Yến chứa đựng nhiều cung bậc đa dạng của cảm xúc, từ thấu hiểu, yêu quý đến đắm say và thần tượng.

Bảo Yến và những chuyện chưa kể về Trịnh Công Sơn
Ca sĩ Bảo Yến

- Nhiều bạn bè cùng thời với nhạc sĩ đều có chung nhận xét về ông là "một người đàn ông nhỏ bé" rất khác với cái với cái rộng lớn, mênh mông trong ca khúc của ông. Chị có bao giờ suy nghĩ về điều này?

- Thời điểm gặp anh tôi không nghĩ về nó. Nhưng sau nhiều năm làm bạn với anh, tôi cảm thấy điều đó rất bình thường. Bạn phải biết, anh Trịnh Công Sơn có một đời sống rất thiền và gần như một nhà tu hành. Đối với anh không có gì là cố định, anh thường gặp bạn bè để trò chuyện nhưng không bao giờ đặt cho mình một lịch trình là sẽ gặp lúc nào và nói chuyện trong bao lâu. Anh cảm thấy thích, cảm thấy cần thì làm.

Ở gần anh, tôi nhận ra anh có nhận thức rất sâu sắc về "vô ngã" và luôn hướng lòng mình ra bên ngoài. Có như thế anh mới viết được những nốt nhạc, những lời văn kể ra những khổ đau của người khác. Một con người đã "vô ngã", không biết mình là ai, không quan tâm đến việc người ta gọi mình là gì thì có trở nên "nhỏ bé" về bên ngoài cũng có gì là lạ. Chính anh cũng từng viết "hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi". Anh Sơn có lẽ cũng xem mình như một hạt bụi lăn lóc ở đâu đó trên cõi đời này mà thôi.

- Tiếp xúc với nhạc sĩ, chị thấy ông buồn nhiều hay vui nhiều?

- Câu hỏi của bạn làm tôi nhớ đến một kỷ niệm với anh. Những ngày anh còn ở dương gian, tôi vẫn hay sang nhà thăm anh. Có một hôm hai anh em đang nói chuyện với nhau, đột nhiên trời đổ mưa. Tôi reo lên: “Trời ơi! Mưa! Thích quá”, anh Sơn cũng phụ họa: “Ui chà mưa! Thích quá”. Rồi anh mới đố các em trong nhà rằng: “Đố em, trời nắng buồn hay trời mưa buồn”. Chị Diệu, chị Vĩnh Trinh và các anh chị khác đều đáp rằng “Nắng vui, mưa buồn”, chỉ riêng tôi trả lời anh: “Không! Em thấy mưa mới vui”. Anh đáp: “Đúng! Mưa mới vui”.

Bảo Yến và những chuyện chưa kể về Trịnh Công Sơn

Mà chắc ai cũng thấy cả một năm, ngày nắng nhiều hơn ngày mưa thì hỏi sao anh Sơn không buồn nhiều hơn vui được. Có nhiều người thấy anh Sơn tụ tập bạn bè đàn hát là tưởng anh vui, nhưng không phải đâu, lúc anh buồn anh mới đến tìm bạn. Anh thường trò chuyện, nghe những tâm sự của bạn bè chứ anh không bao giờ chia sẻ những cái buồn của mình cho người khác.

- Không lẽ trong bao nhiêu năm, chưa một lần chị thấy nhạc sĩ vui?

- Thật sự, chẳng bao giờ tôi thấy anh buồn nhất cũng chẳng bao giờ tôi thấy anh vui nhất. Như tôi đã nói, anh Sơn có một cuộc sống rất thiền như một bậc chân tu. Anh không bao giờ để cái buồn hay cái vui thấm sâu vào mình. Bao nhiêu năm quen biết anh, không lần nào tôi thấy anh cười ra tiếng ha hả. Có chăng trong những lần bạn bè rót rượu kể chuyện nhau nghe, thi thoảng tôi thấy anh cười nhẹ nhàng. Có lẽ đó là khoảnh khắc vui nhất của anh chăng?

- Theo chị, nhạc sĩ có tìm được niềm vui với những người tình của mình không?

- Tôi không dám lạm bàn về cảm xúc của anh. Nhưng có những chuyện tôi muốn chia sẻ để mọi người hiểu hơn về anh. Điều đầu tiên tôi muốn nói là anh có rất nhiều người tình. Ở Huế, Đà Nẵng, Sài Gòn, Buôn Mê Thuột… nơi nào anh cũng có. Nhưng “người tình” của anh nên được đặt trong ngoặc kép vì nó không giống như khái niệm người tình của mọi người. Đối với anh, “người tình” chỉ là một nàng thơ để anh có thêm nhiều ý tứ trong sáng tác. Trong cuộc đời anh, những cái bắt tay đã là ít thì những cái áp má lại càng hiếm hoi. Mà với anh thì chỉ đến như thế đã là thân mật lắm thì làm sao có được kiểu người tình theo cách nghĩ của mọi người được. Từ cô Diễm với cái cổ cao được đưa vào bài “Diễm xưa” đến những người phụ nữ sau này, tôi chắc chắn rằng với họ anh chỉ có một tình yêu hoàn toàn trong sáng.

Bảo Yến và những chuyện chưa kể về Trịnh Công Sơn

Câu chuyện tiếp theo tôi muốn chia sẻ diễn ra cách đây nhiều năm tại Hà Nội. Lúc đó, tôi đang biểu diễn trong một chương trình nhạc của anh Sơn do anh Dương Thụ tổ chức và chồng tôi – nhạc sĩ Quốc Dũng phụ trách hòa âm. Sau buổi diễn, trên đường về chỉ có hai anh em, tôi hỏi anh Sơn: “Dạo này anh có người yêu mới không?”. Anh nhẹ nhàng trả lời tôi: “Ai rồi cũng bỏ anh đi hết”. Mà thật như thế, anh cũng viết trong nhạc của mình “từng người tình bỏ ta đi như những dòng sông nhỏ”. Rất rõ ràng, anh mặc nhiên biết rằng mình không có ai bên cạnh, vì anh là người của công chúng, người của thiên hạ. Có người phụ nữ nào lại không muốn chiếm hữu riêng một người đàn ông, nhưng với anh thì không thể được. Anh không phải là của riêng một ai, mà là của tất cả những người yêu thương anh.

- Chị ngưỡng mộ điều gì trong phong cách sống của nhạc sĩ?

- Tôi ngưỡng mộ sự tự do, phóng khoáng trong cuộc sống của anh. Hai mươi mấy năm biết nhau, cứ cách 5 hay 7 năm tôi lại hỏi anh một lần: “Tại sao anh không lập gia đình?”. Lần nào tôi cũng nghe anh trả lời: “Cần gì phải lập gia đình, em? Như vầy cũng đẹp, vầy cũng vui vậy?”. Đối với anh, đâu phải cứ cuộc sống bó hẹp trong gia đình, chồng vợ, con cái mới là vui, tôi ngưỡng mộ quan điểm đó. Đến khi đang ở độ tuổi này, tôi mới thấm được điều đó, tôi muốn sống một cuộc sống như anh nhưng tiếc rằng tôi đang có gia đình, chẳng thể nào làm như thế được. Sống như anh Sơn mới sống được nhiều cho “tha nhân”, cho bạn bè.

Bảo Yến và những chuyện chưa kể về Trịnh Công Sơn

- Những lần cuối cùng chị gặp nhạc sĩ là khi nào?

- Vài tháng trước khi anh đi, tôi gặp anh vài lần ở một phòng trà nằm ngay trung tâm thành phố. Tôi đến và tình cờ gặp anh ở đó. Anh nói với tôi: “Bảo Yến! Lên hát cho anh nghe hai bài của anh đi, bài nào cũng được”. Tôi nghĩ đó là những lúc anh buồn, anh muốn sống lại những khoảnh khắc của thời trẻ. Tôi đã chọn “Ru ta ngậm ngùi” và “Rừng xưa đã khép” để hát anh nghe. Sau vài lần như thế thì có vẻ như bệnh của anh đã nặng hơn. Trong những cuộc trò chuyện bạn bè thường khuyên anh gìn giữ sức khỏe. Hơn một lần tôi nghe anh nói: “Moi (tôi – tiếng Pháp) cũng thắc mắc để coi chết về bên đó sẽ như thế nào”. Tôi nghĩ anh đã chuẩn bị đầy đủ hành trang cho chuyến đi của mình từ lâu lắm.

- Sau khi nhạc sĩ qua đời, rất nhiều người đã lên tiếng về những tình yêu của ông, chị nghĩ gì về điều đó?

- Tôi nghĩ, có những loại kỷ niệm, những ký ức gắn liền với những tình cảm đẹp, riêng tư thì nên được dấu kín trong lòng và bảo vệ như một báu vật của người đã khuất. Vả chăng trong số những điều được đưa lên báo chí đó chắc gì là một tình yêu thật 100%. Nhiều lần tôi bóng gió hỏi anh về việc có những người đến với anh chắc gì chỉ bằng tấm lòng, anh trả lời là anh biết. Và tôi tin rằng anh đủ sức để nhận ra tình cảm nào thật tình cảm nào giả. Thế nhưng, anh chấp nhận tất cả, dẫu nó có thật hay không. Và ngay lúc này, nếu có ai đó nói những lời không đúng về anh. Tôi tin rằng ở thế giới bên kia anh cũng sẽ nhìn về với một nụ cười hiền hậu. Anh đủ bao dung để làm như thế.

- Xin cảm ơn chị rất nhiều vì những chia sẻ về cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.

Theo VnMedia

Theo VnMedia

Bạn có thể quan tâm