Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

BAPE bán đồ đắt, mẫu mã không đa dạng khi đến Việt Nam?

Nhiều bạn trẻ Việt hiện bày tỏ sự thất vọng sau khi đến cửa hàng của thương hiệu Nhật Bản tại TP.HCM.

Ngành thời trang Việt Nam đang dần hội nhập với thế giới khi loạt thương hiệu lớn xuất hiện với những dòng sản phẩm khác nhau, mang đến cho khách hàng nhiều sự lựa chọn.

Việc nhãn hàng BAPE đến thị trường Việt Nam trong thời điểm này được xem như yếu tố góp phần tăng thêm nhu cầu cho người tiêu dùng, giúp họ có cơ hội tiếp cận các sản phẩm thời trang độc đáo, mang đậm âm hưởng streetwear Nhật Bản.

Ngoài ra, nhiều bạn trẻ yêu thích gu ăn mặc đường phố cũng không phải tốn thời gian đặt hàng từ nước ngoài và được thử sản phẩm trực tiếp tại cửa hàng.

BAPE bi che ban dat anh 1

Thương hiệu Nhật Bản nổi tiếng với những sản phẩm in họa tiết camo, đầu cá mập. Ảnh: Soul 4 Street.

Mẫu mã không đa dạng ở thị trường Việt Nam

Là một trong những biểu tượng thời trang tiên phong với gu ăn mặc street style của Nhật Bản, The Bathing Ape (hay còn được gọi là BAPE) có nguồn gốc từ Ura-Harajuku - con đường thời trang danh tiếng ở xứ hoa anh đào những năm 1990.

Thương hiệu được thành lập vào năm 1993 bởi nhà thiết kế Nigo, tên thật là Tomoaki Nagao. Anh chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ phong cách thời trang đường phố đa dạng ở Mỹ.

Nigo là fan ruột của bộ phim Planet of the Apes (1968). Đó trở thành lý do đằng sau tên gọi của thương hiệu. Thiết kế của hãng hòa trộn giữa nền văn hóa Nhật Bản và chất đường phố của Mỹ với họa tiết camo, đầu cá mập đặc trưng.

Những sản phẩm không chỉ thu hút tín đồ thời trang quốc tế, mà còn được giới trẻ Việt yêu thích. Nắm được tâm lý đó, thương hiệu Nhật Bản đã mở cửa hàng đầu tiên ở TP.HCM với không gian trang trí như một chiếc container chứa đựng các sản phẩm bên trong.

Thiết kế được bày trí xung quanh theo từng gian hàng dành cho nam và nữ. Các sản phẩm không có sự đa dạng với áo thun, tank top, áo khoác, quần thể thao in họa tiết camo và đầu cá mập. Bày trí ở trung tâm là những món phụ kiện như túi xách, mũ bucket cùng một số mẫu nằm trong bộ sưu tập mới.

Giới trẻ Việt bày tỏ sự thất vọng

Thông tin cửa hàng khai trương tại Việt Nam nhận được sự quan tâm của cộng đồng yêu thời trang. Nhiều người chờ đợi khá lâu để được chiêm ngưỡng các thiết kế và mặc thử tại cửa hàng.

Trái ngược với suy nghĩ, trong ngày đầu tiên khai trương, đa số bạn trẻ cảm thấy thất vọng với thương hiệu bởi thời gian xếp hàng khá lâu, giới hạn số lượng người mua theo từng đợt và mẫu mã không đa dạng.

Các thiết kế mới trong bộ sưu tập được bày trí thưa thớt trên kệ, bên cạnh sản phẩm ra mắt từ những mùa trước. Giá thành đắt hơn các nước khác, một số mẫu có mức giá gấp đôi khi so với ở Nhật Bản.

BAPE bi che ban dat anh 3

Sản phẩm cũ và mới được đặt cạnh nhau. Ảnh: BAPE Việt Nam.

Một trang mạng dành cho những tín đồ yêu thích thương hiệu đã đăng bài viết dài để chia sẻ về câu chuyện ngày khai trương.

"Buổi khai trương mang lại cảm giác thất vọng. Thứ nhất về mặt hàng trưng bày trên kệ đều là những sản phẩm cũ, giống hàng tồn kho. Nhân viên cũng thiếu kiến thức về nhãn hàng. Đến thời điểm hiện tại, hãng chưa có trang mạng xã hội dành riêng cho người dùng để cập nhật hình ảnh và sản phẩm tại thị trường Việt Nam. Cuối cùng là giá thành khá đắt so với Nhật Bản, có những mẫu được bán với giá gấp đôi", trang này viết.

Trang này còn nói thêm rằng từ trước đến nay, cửa hàng ở Mỹ đều được biết đến với mức giá cao hơn so với mặt bằng chung trên thị trường, nhưng nhãn hàng tại Việt Nam đã tranh lên vị trí đầu bảng.

FB Hùng Nguyễn nhận định: "Các sản phẩm bán ở thị trường Việt Nam chỉ là hàng giảm giá từ những mùa trước, thậm chí không bằng một nửa số lượng hàng hóa trong các đợt khuyến mãi ở Nhật Bản".

BAPE bi che ban dat anh 4
Giới trẻ Việt thất vọng trong ngày khai trương của nhãn hàng Nhật. Ảnh: ELLE.

Đại diện nhãn hàng nói gì?

Bên cạnh chia sẻ thất vọng từ giới mộ điệu, một số người có ý kiến trái ngược khi cho biết đây chỉ là pop-up store (cửa hàng không cố định) mở ra với mục đích kinh doanh, trước khi đặt cửa hàng lớn tại Việt Nam.

Anh Kim Hoàng Hồ bày tỏ: "Pop-up store tư nhân mở ra với mục đích để người tiêu dùng trải nghiệm cảm giác được mua sắm, giá bán và mẫu mã chắc chắn không dành cho những người chuyên bán lại. Mức giá niêm yết tùy vào chủ kinh doanh và chi phí phát sinh, còn việc so sánh với Singapore hay các nước khác là điều không thể".

Phóng viên của Zing đã có buổi khảo sát thực tế tại cửa hàng. Giá thành mỗi sản phẩm dao động 2-11 triệu đồng. Cụ thể, áo thun có mức giá hơn 3 triệu đồng, tank top khoảng 2,9 triệu đồng.

Riêng những món đồ dành cho nữ như chân váy có giá 5,9 triệu đồng. Sweater và quần thể thao hơn 6 triệu đồng. Áo khoác được định giá 10 triệu đồng.

So sánh sản phẩm trên web của các nước khác như Mỹ, Singapore, áo thun, sweater hay hoodie cao hơn 1-3 triệu đồng. Một số món có giá thành gấp đôi so với ở Nhật Bản.

Riêng về mẫu mã, những thiết kế nằm trong bộ sưu tập mới được trưng bày khá ít trên kệ, phần lớn là sản phẩm mùa cũ. Thậm chí, khách cũng không thể đặt hàng từ website chính của BAPE thông qua cửa hàng tại Việt Nam.

BAPE bi che ban dat anh 5

Không có nhiều sản phẩm trong các bộ sưu tập mới tại cửa hàng. Ảnh: Carousell.

Phía nhân viên giải thích lý do đằng sau giá thành và mẫu mã thiếu đa dạng khi thương hiệu đặt tại Việt Nam. Đó là bởi hãng muốn thăm dò thị hiếu và đo lường sức tiêu thụ của người Việt nên đa phần các sản phẩm cũ được trưng bày nhiều hơn.

Tuy nhiên, 3 tháng sau sẽ có sự đa dạng về mẫu mã, cũng như thiết kế mới về nhiều hơn tại cửa hàng. Người tiêu dùng vẫn có thể để lại tên và số điện thoại để nhân viên tiện liên lạc sau khi hàng được bày trí trên kệ.

Cách làm này của hãng giúp thử nghiệm thị trường trước khi quyết định mở cửa hàng chính thức. Ngoài ra, nhân viên thừa nhận mức giá của hãng cao hơn so với các quốc gia khác đến từ mức chi phí thuế phát sinh khi thương hiệu gia nhập vào ngành thời trang Việt Nam.

Với những vấn đề như vậy, liệu BAPE sẽ đủ thoả mãn sự kỳ vọng của khách hàng? Câu trả lời chắc chắn còn nằm ở thời gian và người giải đáp không ai khác chính là những tín đồ thời trang.

Đôi khi, một thương hiệu quốc tế tiếp tục "cập bến" tại thị trường Việt Nam sẽ mở ra sự phát triển cho ngành thời trang trong tương lai.

BAPE bi che ban dat anh 6

Giới trẻ Việt mong đợi nhiều hơn về một thương hiệu streetwear Nhật Bản đúng nghĩa khi đến thị trường Việt Nam. Ảnh: WWD.

Những món đồ luôn có trong túi xách của Irene Theo Vogue Korea, nữ ca sĩ Hàn Quốc lựa chọn điện thoại, ví tiền và túi đựng đồ trang điểm là những món đồ cần mang theo.

Người phụ nữ quyền lực bậc nhất làng thời trang Trung Quốc

Angelica Cheung đã giúp tờ Vogue Trung Quốc thu hút 2 triệu độc giả trung thành và phát triển ngành thời trang ở quốc gia tỷ dân.

Bộ sưu tập mới nhất của Dolce&Gabbana

Các thiết kế trong bộ sưu tập Alta Moda tôn vinh nét đẹp và văn hóa Italy.

Thuận Vũ

Bạn có thể quan tâm