Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bất chấp lệnh cấm, nhiều phụ huynh ở Trung Quốc vẫn cho con học thêm

Kể từ khi Trung Quốc công bố chính sách "giảm kép", nhiều gia đình chật vật với việc tìm lớp học thêm cho con.

Một buổi chiều chủ nhật, Colin, doanh nhân ở Thượng Hải (Trung Quốc), đưa con đến lớp học tranh biện. Người cha này là một trong số hàng triệu phụ huynh ở đất nước tỷ dân cho con tham gia những lớp học thêm cuối tuần nhằm nâng cao thể chất và trí óc.

Con trai 14 tuổi của Colin là học sinh tại một trường quốc tế danh tiếng ở Thượng Hải. Sau khi hoàn thành việc học ở trường, em sẽ tham gia lớp dạy kèm online tiếng Tây Ban Nha, học tranh biện và đá bóng. Chi phí hàng năm cho những lớp học này khoảng 100.000 USD.

Giống nhiều phụ huynh khác tại Trung Quốc, Colin mong muốn con trai xây dựng nền tảng tốt cho tương tai. Người cha đặt mục tiêu con mình sẽ giành một suất vào trường đại học thuộc Ivy League ở Mỹ, theo FT Wealth.

Tuy nhiên, đến tháng 7/2021, một cú sốc đã giáng xuống ngành công nghiệp dạy thêm tại Trung Quốc. Theo đó, các cơ sở dạy thêm không được mở lớp vì mục đích lợi nhuận. Đây là một phần nằm trong chính sách "giảm kép", được Bộ Giáo dục Trung Quốc đề xuất nhằm giảm gánh nặng cho học sinh. Chính sách này được áp dụng trong năm học mới 2021, bắt đầu từ những thành phố lớn như Bắc Kinh, Quảng Châu, Quảng Đông, Thượng Hải, An Huy...

"Sự thay đổi đột ngột khiến các phụ huynh lo lắng. Họ đã quen với việc cho con học thêm để 'sinh tồn' trong nền giáo dục cạnh tranh", Yu Yali, nhà tư vấn nghề nghiệp tại Thượng Hải, nhận định.

cha me Trung Quoc lach luat de con hoc them anh 1

Cha mẹ Trung Quốc tìm cách lách luật trước lệnh cấm dạy thêm. Ảnh: Global Times.

Chuyển hướng và lách luật

Khi chính sách "giảm kép" được thi hành, nhiều gia đình ở Trung Quốc tìm cách khác để con vẫn được học thêm ngoài giờ. Ekaterina Kologrivaya, đồng sáng lập Edtech Expand, công ty tư vấn khởi nghiệp ở Bắc Kinh, cho biết thay vì đăng ký lớp học ngoại ngữ như trước đây, phụ huynh sẽ cho con tham gia các môn học khác như nghệ thuật, nhưng được dạy bằng tiếng Anh.

Nhiều công ty dạy thêm cũng phải đóng cửa lớp học trực tiếp và chuyển hướng bằng cách mở bán các lớp học online trên Douyin, Taobao, Kuaishou, hoặc mở lớp kín trong WeChat. Đối tượng hướng đến là học sinh từ tiểu học đến THPT.

TAL Education Group (công ty luyện thi cho học sinh bậc phổ thông) cũng chuyển hướng sau lệnh cấm dạy thêm. Cụ thể, công ty này cung cấp những khóa đào tạo phi học thuật và giúp trẻ phát triển tài năng cá nhân, theo Wall Street Journal.

Bằng cách tận dụng công nghệ giáo dục tiên tiến, nội dung chất lượng cao và kinh nghiệm lâu năm, TAL Education Group tiếp tục hoạt động và khám phá cơ hội để cung cấp dịch vụ giáo dục phù hợp quy định.

Những ông bố, bà mẹ tại quốc gia này cũng tìm đủ cách để lách luật, tìm thầy dạy tại nhà cho con. Do việc gia sư tại nhà bị cấm, những gia đình này đăng tin tìm giáo viên dưới dạng "quản gia cao cấp".

ZhipinLiepin, hai trang web tuyển dụng tại Trung Quốc, tràn ngập những bài đăng tìm kiếm quản gia có bằng cử nhân và kỹ năng ngoại ngữ. Những người này không cần làm nội trợ và dọn dẹp, họ chỉ cần giúp gia chủ "trông con".

"Gia đình tôi có 2 con, 6 tuổi và 13 tuổi, đang tìm bảo mẫu tốt nghiệp từ đại học nổi tiếng, có kinh nghiệm làm gia sư, tuổi tác không quá lớn. Lương hàng tháng 3.700-3.900 USD", một phụ huynh đăng bài trên Zhipin.

Tuy nhiên, cách lách luật này cũng có rủi ro. Bộ Giáo dục Trung Quốc tuyên bố sẽ xử lý đối tượng vi phạm, đồng thời khuyến khích người dân tố giác gia đình thuê gia sư dưới danh nghĩa bảo mẫu, quản gia.

Lo lắng cho việc học của con, Colin đã vạch ra một số kế hoạch và dự định cho con chuyển đến Mỹ nếu như Trung Quốc vẫn thắt chặt việc dạy thêm. Tuy nhiên, trước những gián đoạn liên quan dịch bệnh, kế hoạch của người cha rất khó thực hiện.

"Các quy định khiến chúng tôi rất khó lập kế hoạch cho tương lai của con mình", Colin nói.

Giảm dạy thêm không có nghĩa giảm áp lực

Đối với nhiều học sinh, quy định loại bỏ hoạt động dạy thêm là tin vui vì các em không cần phải học và làm bài tập cả ngày. Tuy nhiên, "giảm kép" lại trở thành áp lực đối với nhiều phụ huynh.

Theo Times Higher Education, lệnh cấm dạy thêm có thể không xoa dịu tình trạng bất bình đẳng và những căng thẳng trong việc học của trẻ em Trung Quốc. Những gia đình có nguồn lực, điều kiện kinh tế sẽ tìm cách lách luật, từ đó tạo ra chênh lệch lớn giữa các gia đình thuộc nhiều tầng lớp xã hội.

Yan Chen, giáo sư tại trường Thông tin thuộc Đại học Michigan (Mỹ), người có nhiều nghiên cứu sâu rộng về tuyển sinh đại học tại Trung Quốc, cho rằng nếu cuộc đua Gaokao (thi đại học) vẫn tồn tại, nhu cầu tìm đến dịch vụ dạy thêm của phụ huynh sẽ không biến mất.

Xu Zhao, nhà nghiên cứu về sức khỏe tâm thần của thanh niên Trung Quốc tại trường Giáo dục Werklund, Đại học Calgary (Canada), đồng tình với ý kiến của giáo sư Chen.

Bà cho rằng các quy định mới không thể thay đổi hệ giống giáo dục thử nghiệm và cạnh tranh như tại Trung Quốc. Khi thị trường việc làm vẫn dựa vào chứng chỉ giáo dục để tuyển dụng, xu hướng dạy thêm, học thêm vẫn tiếp diễn.

"Nếu không tăng cường đầu tư vào chất lượng giáo dục cho tất cả học sinh, sự chênh lệch về giáo dục và những lo lắng của phụ huynh sẽ không giảm. Thậm chí, tình trạng này có thể tăng do thiếu những phương án hỗ trợ cho trẻ trong việc chuẩn bị các kỳ thi quan trọng", giáo sư Zhao nói.

Bà Zhao nói thêm người có điều kiện sẽ tìm cách lách luật nhiều hơn, khoảng cách giữa các gia đình giàu có và khó khăn cũng sẽ tăng lên. Qua đó, những học sinh không có điều kiện về kinh tế sẽ khó tìm "suất" trong các trường đại học danh tiếng. Giáo sư Chen đồng tình với quan điểm này.

Yang Rui, giáo sư Giáo dục tại Đại học Hong Kong (Trung Quốc), cho rằng cần bổ sung những chính sách khác, song hành với lệnh cấm dạy thêm, để đảm bảo công bằng trong giáo dục.

"Trung Quốc cần nâng cấp chất lượng giáo dục công lập. Đây là cách tốt nhất để đạt được sự công bằng, bình đẳng trong giáo dục", giáo sư Yang nhấn mạnh.

Phụ huynh, giáo viên Trung Quốc mệt mỏi vì chính sách 'giảm kép'

Trung Quốc ban hành chính sách "giảm kép" để giảm gánh nặng học tập cho học sinh. Tuy nhiên, áp lực của phụ huynh và giáo viên lại tăng gấp đôi.

Minh Thúy

Bạn có thể quan tâm