Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an vừa tống đạt quyết định khởi tố bị can đối với ông Phạm Quyết Thắng, nguyên Tổng giám đốc Ngân hàng Thương mại Cổ phần Dầu khí Toàn cầu (GP Bank) về hành vi Cố ý làm trái quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng.
Cùng bị khởi tố còn có Nguyễn Anh Dung - nguyên Kế toán trưởng GP Bank, Nguyễn Ngọc Nam - Giám đốc Công ty TNHH - CN Sao Bắc (Công ty Sao Bắc) và Hoàng Công Hợp - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần ĐTXD Thành Trung (Công ty Thành Trung).
Một văn phòng giao dịch của GP Bank. |
Trong số 4 bị can, ông Thắng và Nam bị bắt tạm giam, 2 người còn lại được cho tại ngoại nhưng cấm đi khỏi nơi cư trú.
Trước đó, tháng 7/2015, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố, bắt tạm giam 2 bị can là Tạ Bá Long - nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị, Đoàn Văn An - nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị GP Bank cùng về tội danh trên.
Theo thông tin ban đầu, để có tiền trả nợ trái phiếu cho Công ty Tài chính Điện Lực (EVN FC), giữa năm 2011, ông Long và An đã bàn bạc, thống nhất để Long đại diện GP Bank ký thỏa thuận đặt cọc mua 58% tòa nhà Capital Tower với Hoàng Công Hợp - Chủ tịch Công ty Thành Trung.
Long sau đó ký tiếp hợp đồng hợp tác đầu tư dự án Trung tâm thương mại văn phòng - nhà ở An Khánh Sao Bắc GP Bank, với Nguyễn Ngọc Nam - Giám đốc Công ty Sao Bắc. Thực chất cả 2 công ty đều là sân sau của Long và An.
Tiếp đó, Long và An chỉ đạo Phạm Việt Thắng và một thuộc cấp ký chứng từ, làm thủ tục rút 3.900 tỷ đồng của GP Bank để chuyển vào tài khoản của Công ty Thành Trung và Sao Bắc, dùng vào việc trả nợ trái phiếu cho EVN FC và đến nay không có khả năng thu hồi.
Hành vi nêu trên của các bị can vi phạm Luật Kế toán, Luật các tổ chức tín dụng, và quy định của ngân hàng GP Bank trong việc đầu tư bất động sản.
Trong vụ án này, Long và An được cho là giữ vai trò chủ mưu. Thắng và các bị can còn lại là đồng phạm giúp sức. Hành vi của các bị can gây thiệt hại cho GP Bank hàng nghìn tỷ đồng.
Theo bản cáo bạch của GP Bank, ông Phạm Quyết Thắng quê ở huyện Thanh Trì (Hà Nội), tốt nghiệp Khoa ngân hàng - Tài chính (Đại học kinh tế quốc dân). Ông Thắng có bằng Thạc sĩ Quản trị kinh doanh tại Hoa Kỳ.
Trước khi làm Tổng giám đốc GP Bank năm 2009, ông Thắng có gần 20 năm làm việc tại VP Bank, từng đảm nhận các vị trí như: nhân viên giao dịch; nhân viên pháp chế - thu hồi nợ; trưởng phòng pháp chế; phó giám đốc VP Bank chi nhánh Hà Nội; giám đốc VP Bank chi nhánh Đông Đô. Năm 2009, ông Thắng chuyển công tác sang GP Bank, lần lượt giữ vị trí Phó tổng giám đốc, Tổng giám đốc.
Trước đó, năm 2012 qua thanh tra, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phát hiện GP Bank bộc lộ yếu kém, tiềm ẩn nhiều rủi ro, kết quả kinh doanh thua lỗ, âm vốn chủ sở hữu và quản trị, điều hành kém hiệu quả.
Để kiểm soát rủi ro, giảm thiểu tổn thất tài sản, đảm bảo an toàn cho ngân hàng cũng như bảo vệ tiền gửi của người dân, NHNN đã quyết định đặt GP Bank vào tình trạng kiểm soát đặc biệt theo quy định của pháp luật, đồng thời yêu cầu GP Bank thuê tổ chức độc lập thực hiện kiểm toán và định giá tài sản để xác định giá trị thực vốn điều lệ.
NHNN cũng yêu cầu GP Bank tổ chức Đại hội đồng cổ đông bất thường để thông qua phương án bổ sung vốn điều lệ. Tuy nhiên, qua 3 lần tổ chức, Đại hội đồng cổ đông bất thường của GP Bank không thành công, ngân hàng cũng không đề xuất được các giải pháp khả thi về tăng vốn điều lệ để bảo đảm giá thực của vốn điều lệ không thấp hơn mức vốn pháp định theo yêu cầu của NHNN.
Ngày 7/7/2015, NHNN đã ban hành quyết định mua bắt buộc toàn bộ cổ phần của cổ đông hiện hữu tại GP Bank với giá 0 đồng/cổ phần và chuyển đổi GP Bank thành NHTM TNHH Một thành viên Dầu khí Toàn cầu. Việc NHNN trở thành chủ sở hữu (100% vốn điều lệ) của GP Bank, chấm dứt toàn bộ lợi ích và tư cách cổ đông của các cổ đông hiện hữu của GP Bank.