Bị loại khỏi thị trường bất động sản đắt đỏ nhất thế giới, ngày càng có nhiều cá nhân thuộc thế hệ Millennials (sinh từ năm 1980 đến 1995) ở Hong Kong (Trung Quốc) thích lối sống “du mục” - chuyển từ không gian sống chung với nhiều người sang nơi ở tương tự khác hoặc chọn lưu trú tại khách sạn rẻ hơn căn hộ cho thuê bình thường, theo The Straits Times.
Mô hình thuê nhà sống chung cũng ngày càng phổ biến trong thế hệ trẻ Nhật Bản và Hàn Quốc khi giấc mơ sở hữu nhà riêng xa tầm tay họ.
Nhu cầu tăng cao
Morgan Pelissier (25 tuổi, quốc tịch Pháp), người sáng lập và điều hành công ty khởi nghiệp về dịch vụ kỹ thuật, đến Hong Kong vào tháng 2 năm nay.
“Ban đầu, kế hoạch của tôi là chuyển chỗ ở 3 tháng một lần để khám phá những khu vực mới của thành phố. Tôi rất bận rộn và không muốn phải quan tâm đến bất cứ thứ gì như dọn dẹp, điện và đồ đạc trong nhà”, anh nói.
Cuối tháng 5, Pelissier chuyển tới căn hộ 110 m2 ở trung tâm với giá thuê 12.000 HKD/tháng của công ty Hmlet. Anh chia sẻ nơi này với 4 người khác.
“Tôi sẽ rời Hong Kong vào tháng 12 vì có vài công ty ở châu Âu và Australia. Tôi sẽ quay lại sau 3 tháng, có thể vẫn ở phòng này hay nơi khác, tùy thuộc vào tình trạng lúc đó”, anh nói.
Nhà thuê chung đang là lựa chọn của nhiều người trẻ xứ Cảng Thơm. Ảnh: KY Cheng. |
Một phòng tại căn hộ của Hmlet bao gồm dịch vụ dọn dẹp, Internet và gas có giá 8.000-30.000 HKD.
Chi phí thuê studio rộng 10 m2 trong tòa nhà 56 tuổi ở Wan Chai là 7.900 HKD. Ở những khu vực như Mong Kok, phòng rộng 13 m2 có giá khoảng 4.800 HK. Hay tại Tuen Mun, phòng rộng 5,5 m2 có thể rẻ hơn là 3.500 HKD.
Dominik Wiesent, Tổng giám đốc của Hmlet Hong Kong, nói rằng các hoạt động được mở rộng dựa trên nhu cầu ngày càng tăng đối với cuộc sống linh hoạt.
Công ty có khách thuê trong độ tuổi 19-35, hiện đạt tỷ lệ lấp đầy 95%.
“Chúng tôi đang tìm cách mở rộng mô hình hơn nữa bởi nhu cầu tăng cao và nhận thấy rằng các nguyên tắc cơ bản đã trở lại như thời trước Covid-19”, Wiesent nói.
Kể từ khi công ty bắt đầu hoạt động tại Hong Kong vào năm 2018, nhóm khách hàng đã thay đổi từ chỉ có các chuyên gia trẻ tuổi thành dân địa phương và người nước ngoài. Giờ đây, người Hong Kong và Trung Quốc đại lục học tập ở nước ngoài chiếm khoảng 20-25%, là nhóm lớn nhất trong số đó.
Muốn được sẻ chia
Ở Tokyo, Anju Ishiyama (32 tuổi), nhà hoạt động xã hội người Nhật Bản, có thể nhìn ra núi Phú Sĩ vào ngày trời quang đãng từ nhà trên tầng 13 thuộc chung cư Shibuya Cast 16 tầng.
Việc sống trong khu bất động sản đắc địa không khiến Ishiyama lao đao. Cô nằm trong số khoảng 40 cư dân sống trong căn hộ chung cư, được gọi là Cift, chiếm toàn bộ tầng.
Các cư dân tại Cift (gồm doanh nhân, nhạc sĩ, nhà văn, kỹ sư, mẹ đơn thân, bartender) tin rằng sự đồng hành và tình bạn, cùng với các biện pháp chống lây lan Covid-19 cần thiết giúp họ vượt qua giai đoạn cô lập.
“Cha mẹ ly hôn nên tôi luôn thèm cảm giác có một gia đình”, Ishiyama cho biết.
Với bartender Dai Taura (29 tuổi), Cift không chỉ mang đến những người bạn mới mà còn cho anh góc nhìn mới về cách tìm kiếm sự đồng thuận giữa những bất đồng.
Có 19 căn hộ tại khu chung cư Shibuya Cast, mỗi căn rộng 15 m2 và có giá thuê 200.000 yen/tháng. Một đơn vị có thể chứa tối đa 3-4 người và chi phí có thể được chia đều.
Các cư dân trong ngôi nhà chung Cift ở Tokyo. Ảnh: Walter Sim. |
Ông Yoichi Ikemoto, người phụ trách nền tảng bất động sản Suumo, cho biết lý do giải thích cho việc các căn hộ chia sẻ ngày càng phổ biến là cơ hội cho giới trẻ kết nối với nhau.
“Thanh niên có thể trao đổi ý tưởng ngay cả trong không gian riêng tư. Điều này có giá trị vì có thể dẫn đến sự hợp tác trong dự án”, ông nói.
Sống chung, xu hướng tương đối mới ở Hàn Quốc, cũng đã bùng nổ với số lượng hộ gia đình độc thân tăng nhanh từ năm 2017, đạt 40% tổng số vào tháng 10 năm nay.
Tọa lạc ở quận Gangnam hào nhoáng của Seoul, Treehouse là khu phức hợp 7 tầng dành cho thế hệ Millennials.
Bao gồm 72 căn hộ dạng studio và áp mái - mỗi căn hộ đều có phòng tắm riêng và bếp nhỏ, khu phức hợp cũng có các tiện nghi chung như sân vườn, khu vực tiếp khách, làm việc, phòng giặt là, chăm sóc vật nuôi và chia sẻ xe hơi.
Cư dân tại Treehouse chủ yếu khoảng 30 tuổi và muốn trở thành một phần của cộng đồng lớn hơn, theo Bo.Daa - studio thiết kế đã tạo ra Treehouse.
Cư dân Treehouse đều còn trẻ và thích cuộc sống riêng tư. Ảnh: Bo.Daa. |
Báo cáo được công bố vào năm ngoái bởi cổng thông tin Come & Stay cho thấy có 1.020 không gian chung sống cung cấp 7.306 giường vào giữa năm 2019, tăng từ 487 không gian và 3.486 giường năm 2017. Năm 2013, chỉ có 17 không gian chung sống cung cấp 109 giường.
Các căn hộ có diện tích 16-35 m2 có giá từ 1,19 triệu đến 1,69 triệu won/tháng. Dù được coi là đắt đỏ, những người thuê sẵn sàng chi trả để đổi lấy sự tiện lợi và lối sống mà nó mang lại.
Đối tượng sử dụng chính của không gian chung sống là những người thuộc thế hệ Millennials, vốn lớn lên trong các gia đình nhỏ. Báo cáo cho biết họ đã quen với việc ở phòng riêng và có quyền riêng tư.
Hầu hết thế hệ Millennials ở Hàn Quốc dựa vào chương trình cho thuê độc đáo gọi là jeonse. Trong đó, họ trả khoản tiền đặt cọc một lần, thường là 50-80% giá trị của ngôi nhà, để sống tại đó trong 2 năm. Người thuê sẽ được hoàn tiền đặt cọc khi kết thúc hợp đồng và tiền lãi mà chủ nhà thu được từ đó sẽ là chi phí thuê nhà.
Giá trung bình của một căn hộ jeonse ở Seoul là 614,5 triệu won vào tháng 6 năm nay, tăng 44% so với năm 2017.
Dữ liệu từ Dịch vụ Giám sát Tài chính cho thấy tính đến tháng 6, những người ở độ tuổi 20-30 vay tiền jeonse từ các ngân hàng trị giá 88.200 tỷ won, tăng từ 29.100 tỷ won vào năm 2017.
Nhà lập pháp Jung Woon-cheon kêu gọi chính phủ giám sát chặt chẽ tốc độ tăng nợ của những người vay trẻ tuổi và đưa ra các biện pháp xử lý nhằm giảm bớt gánh nặng tài chính cho họ.
Một số chính quyền thành phố đã bắt đầu cung cấp không gian chung sống công cộng cho thế hệ Millennials.
Năm 2017, quận Wanju ở phía tây nam tỉnh Bắc Jeolla đã phát động “ngôi nhà chung của thanh niên” để giúp đỡ những người trẻ bỏ phố về quê làm việc. Họ có thể sống trong nhà chung tối đa 3 năm với tiền thuê chỉ 50.000 won/tháng. Quận hiện vận hành 11 không gian như vậy.
Không thích ràng buộc
Ở Hong Kong, việc ở lại khách sạn lâu dài cũng trở nên phổ biến với người dân địa phương.
Các cuộc biểu tình năm 2019, sau đó là đại dịch Covid-19 khiến tổng lượng du khách và công suất thuê khách sạn giảm do tình hình bất ổn.
Lượng khách du lịch đến thành phố giảm 93,6% xuống còn 3,6 triệu người vào năm 2020. Công suất thuê khách sạn giảm xuống 46% từ 79% vào năm 2019.
Trong nỗ lực duy trì hoạt động kinh doanh, các khách sạn và căn hộ dịch vụ đã cắt giảm nhân viên, hạ giá phòng. Một số còn cung cấp gói lưu trú dài ngày bằng nửa mức giá thông thường.
Tình hình xã hội biến động khiến nhiều người ở Hong Kong lựa chọn không gian sống. |
Eva Choi (35 tuổi), làm việc trong lĩnh vực tài chính, cảm thấy ở trong phòng khách sạn hoặc căn hộ dịch vụ tốt hơn nhiều so với thuê nhà.
Choi tỏ ra khá hài lòng khi không bị ràng buộc bởi hợp đồng thuê dài hạn. Cô chọn các căn phòng nhỏ, không có bếp với mức giá khoảng 10.000-12.000 HKD/tháng. Chi phí bổ sung để có bếp là khoảng 3.000-4.000 HKD.
“Tôi thường ở khách sạn trong nửa năm và điều đó dựa trên hợp đồng. Tôi sẽ hỏi khách sạn khoảng một tháng trước khi hợp đồng kết thúc để xem liệu mình có tiếp tục ở lại đó hay không”, Choi nói.
Ngành khách sạn, với khoảng 300 khách sạn, dường như đang được sửa chữa với công suất thuê tăng chậm lại: tăng 17 điểm phần trăm lên 60% từ tháng 1 đến tháng 9 năm nay, so với một năm trước.
“Các khách sạn sẽ đắt hơn trong năm tới”, Choi lưu ý.
Trong khi đó, các quan chức Hong Kong đang cố gắng giải quyết tình trạng khủng hoảng nhà ở thông qua nhiều dự án như quy hoạch đô thị phía Bắc và thu hồi đất cho Lantau Tomorrow. Họ cũng đang xem xét việc thiết lập diện tích sàn tối thiểu để khiến căn hộ nano dễ sống hơn.