Tối 16/7, Công an quận 5 (TP HCM) đã ra lệnh bắt khẩn cấp Lê Thành Lộc (27 tuổi, ngụ quận Bình Tân) để điều tra hành vi Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ theo Điều 202 Bộ luật hình sự.
Theo cơ quan điều tra, Lộc là nhân viên phụ trách tuyển dụng của một công ty chuyên về lĩnh vực nhà hàng khách sạn ở quận 1. Tối ngày 15/7, thanh niên này tham gia ký kết hợp đồng với một trường Đại học nhằm tạo việc làm cho các sinh viên sắp ra trường.
Chiếc ôtô được đưa về trụ sở phục vụ công tác điều tra. Ảnh: Lê Trai. |
Trong buổi tiệc, do phải tiếp khách nên Lộc uống nhiều rượu vang. Đến khoảng 23h cùng ngày, anh ta chạy ôtô trên đại lộ Võ Văn Kiệt để đi về nhà ở quận Bình Tân. Đến giao lộ với đường Huỳnh Mẫn Đạt, ôtô này xảy ra va chạm với xe máy do ông Trần Văn Hoàng (49 tuổi, ngụ quận 4) điều khiển.
Vụ tai nạn khiến ông Hoàng bị hất văng gần 13 m, xe máy của nạn nhân bị cuốn xuống gầm ôtô.
Sau khi xảy ra vụ việc, Lộc không dừng xe lại khắc phục sự cố mà tiếp tục tăng ga bỏ chạy thêm 4 km. Chiếc xe máy kẹt dưới gầm xe ôtô đã tạo ra ma sát phát ra tia lửa kéo dài trên đoạn đường.
Cảnh sát giao thông quận 5 đang tuần tra trên đường phát hiện vụ việc, dùng môtô đặc chủng đuổi theo.
Đến giao lộ Cao Văn Lầu (quận 6), Lộc cho xe dừng lại rồi cài số lùi để chiếc xe máy rớt ra nhưng không thành. Tài xế tăng ga chạy tiếp thì chiếc xe máy bắn lửa vào ống dẫn xăng khiến chiếc ôtô bốc cháy.
Khi Lộc mở cửa ra ngoài thì đúng lúc cảnh sát có mặt.
Đưa về sở công an, lực lượng chức năng kiểm tra nồng độ cồn trong người Lộc và nhận được kết quả 1,021 mg/lít khí thở (mức vi phạm là từ 0,25 đến 0,4 mg/lít khí thở).
Vẻ mặt hốc hác sau một đêm mất ngủ, giọng Lộc run rẩy cất lên khi được phóng viên hỏi chuyện. Anh cho biết đang sống với người mẹ, bố mất cách đây 2 năm vì tai nạn giao thông, em trai đã cưới vợ và ra ở riêng. Do từng chịu cảnh đau thương vì tai nạn, Lộc cảm thấy có lỗi với gia đình nạn nhân.
Thanh niên gây ra vụ tai nạn cho rằng vì quá hoảng sợ mới lái xe bỏ chạy chứ không phải bản thân là người vô trách nhiệm. Khi biết Lộc gây chuyện, người mẹ ôm con khóc thét rồi ngất xỉu.
“Giờ tôi phải chịu cảnh tù tội, tương lai phía trước là một mảng tối mù mịt. Tôi chỉ mong mình có cơ hội làm lại cuộc đời, được chăm sóc mẹ già và đi làm để kiếm tiền chu cấp cho gia đình của người đã mất”, Lộc nói.
Điều 202: Tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ
1. Người nào điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm:
a) Không có giấy phép hoặc bằng lái xe theo quy định;
b) Trong khi say rượu hoặc say do dùng các chất kích thích mạnh khác;
c) Gây tai nạn rồi bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn;
d) Không chấp hành hiệu lệnh của người đang làm nhiệm vụ điều khiển hoặc hướng dẫn giao thông;
đ) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.
3. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm.
4. Vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ mà có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.
5. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.