Xu hướng du lịch tự túc gia tăng, đặc biệt sau đại dịch Covid-19. Ảnh: Phương Lâm. |
"Du lịch tự túc", "dịch vụ cá nhân hoá" hay "ứng dụng công nghệ" là những từ khoá đang được bàn tới nhiều nhất trong ngành du lịch. Sau đại dịch Covid-19, thói quen xê dịch của du khách đã thay đổi. Họ yêu thích những hành trình độc lập, khám phá điểm đến thật sự mới lạ và ưu tiên cho cảm nhận của riêng mình.
Những điều này buộc doanh nghiệp lữ hành cần có sự đổi mới nhằm chào đón từng vị khách với nhu cầu riêng biệt. Nếu như trước đây, một sản phẩm du lịch có thể áp dụng với nhiều đoàn khách hàng trăm người. Giờ đây, B2C (kinh doanh trực tiếp đến khách hàng lẻ) mới là chìa khóa để phát triển.
Là cửa ngõ đón du khách quốc tế với đa dạng sản phẩm trải dài suốt ngày đêm, TP.HCM luôn là "đầu tàu" của ngành du lịch Việt Nam. Theo số liệu từ Sở Du lịch TP.HCM, năm 2023, thành phố đón gần 5 triệu lượt khách quốc tế, tăng 44,3% so với năm 2022 và chiếm gần 50% lượng khách quốc tế đến cả nước.
Trước xu hướng tất yếu của du lịch thế giới, ngành du lịch Việt Nam nói chung, du lịch tại TP.HCM nói riêng cần có sự chuyển dịch để bắt kịp thị trường, tăng sức cạnh tranh trong khu vực. Đây rõ ràng là thách thức lớn khi một số doanh nghiệp lữ hành đã quen với hình thức B2B (bán tour thông qua đối tác nước ngoài) trong nhiều năm qua.
Du khách tham quan tại quận 1, TP.HCM. Ảnh: Phương Lâm. |
Do đó, nhằm cập nhật xu thế du lịch trong nước và quốc tế, cũng như nâng cao kiến thức và năng lực tiếp thị, truyền thông cho các doanh nghiệp du lịch, Sở Du lịch TP.HCM phối hợp với Tạp chí Tri Thức - ZNews và Công ty TNHH MTV Chua Me Đất (Oxalis Adventure) tổ chức Hội thảo "Chuyển đổi mô hình kinh doanh du lịch để theo kịp xu hướng trên thế giới". Sự kiện nằm trong khuôn khổ Ngày hội du lịch TP.HCM 2024.
Hội thảo có sự tham gia của lãnh đạo các Bộ, ban, ngành liên quan cùng nhiều đơn vị kinh doanh du lịch trong nước, đặc biệt là các doanh nghiệp khai thác thị trường khách quốc tế.
Tại hội thảo, nhiều vấn đề thiết thực, được quan tâm nhất trong thị trường du lịch inbound sẽ được đưa ra bàn luận. Trong đó, chân dung du khách đi tự túc sẽ được phác họ rõ nét, cho thấy rõ họ là ai, nhu cầu du lịch ra sao và sẵn sàng chi trả như thế nào. Hiểu rõ khách hàng mục tiêu, người làm du lịch mới có thể bắt tay tạo thay đổi về hệ thống phân phối, thiết kế sản phẩm, nâng cao khả năng ứng dụng công nghệ hay thậm chí là chuyển đổi mô hình kinh doanh.
Du khách quốc tế dùng bữa tại một nhà hàng tại Thảo Điền. Ảnh: Phương Lâm. |
Tiếp đến, một nội dung được đặc biệt quan tâm chính là phương pháp ứng dụng công nghệ thông tin trong du lịch, bao gồm tận dụng truyền thông mạng xã hội cũng như vận hành app, các hệ thống tra cứu, đặt tour, thuê phòng, mua vé... thân thiện với du khách.
Chuyển đổi số là lựa chọn sống còn đối với ngành du lịch nhằm thích ứng với những thay đổi sâu sắc hậu đại dịch, mở ra hướng đi mới linh hoạt và bền vững hơn. Đây cũng là yếu tố giúp Việt Nam cạnh tranh với các nước trong khu vực, thu hút lượng khách du lịch tự túc với sự am hiểu về công nghệ.
Ngoài ra, cũng tại hội thảo, các doanh nghiệp cũng sẽ thảo luận và chia sẻ kinh nghiệm thích ứng với những thay đổi trên thị trường để ngành du lịch Việt bức tốc tiến đến gần hơn với du khách. Kinh nghiệm làm du lịch sáng tạo từ Oxalis Adventure, XO Tours sẽ cho thấy góc nhìn "thực chiến" khi doanh nghiệp chuyển mình để phù hợp xu thế mới.
Có thể thấy đây là dịp đặc biệt để đại diện Sở Du lịch TP.HCM, các chuyên gia trong ngành du lịch cùng chia sẻ thông tin, góc nhìn về các thay đổi trong xu hướng du lịch inbound tại Việt Nam năm 2024. Qua đó, cung cấp cho doanh nghiệp cách thức chuyển đổi mô hình du lịch trọn gói, từ B2B sang B2C, công cụ nghiên cứu xu hướng tìm kiếm, tiếp cận khách quốc tế trên đa kênh. Từ đó, xây dựng sản phẩm du lịch phù hợp xu hướng, thu hút khách du lịch đến TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung.
Hội thảo diễn ra ngày 4/4 tại Khách sạn Majestic TP.HCM. Toàn bộ sự kiện sẽ được livestream trên kênh YouTube Du lịch TP.Hồ Chí Minh và dẫn lại trên Tạp chí Tri Thức - Znews.