Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bầu Kiên gỡ tội của mình thế nào tại phiên xử?

Sau các phần tự gỡ tội cho bản thân, cựu chủ tịch ACB Nguyễn Đức Kiên cho rằng nếu cơ quan điều tra thận trọng trong việc đánh giá chứng cứ thì sẽ không xảy ra vụ án.

"HĐXX chỉ ra vi phạm điều nào sẽ nhận tội ngay"

Chiều 29/5, bị cáo Nguyễn Đức Kiên tiếp tục tự bào chữa về các tội danh Trốn thuế, Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Cố ý làm trái.

Về tội danh trốn thuế, bị cáo Kiên nói: "Khi nhận quyết định khởi tố trốn thuế, tôi không còn ngỡ ngàng như lệnh đầu tiên vì ngay từ khi bị bắt, tôi biết người ta đang áp đặt tội trốn thuế".

Bầu Kiên xin đọc đơn kêu oan tại tòa

"Nhận được lệnh bắt giam, khởi tố tội kinh doanh trái phép, tôi thấy trời đất như sụp đổ dưới chân...", bầu Kiên nói tại tòa.

 

Trong các bản cung, bầu Kiên trình bày ngày 25/12/2008, bị cáo không biết 6 tháng sau Quốc hội có Nghị quyết miễn thuế. "Tôi là công dân không biết chương trình làm việc của Quốc hội, không biết nội dung sẽ thông qua, làm sao có thể nói tôi biết việc này. Đây là sự áp đặt, chụp mũ vu khống với tôi".

Theo cựu chủ tịch Hội đồng quản trị ACB, bản luận tội của VKSND coi đây là hợp đồng trá hình nhưng thực chất đó là hợp đồng dân sự. "Năm 2009 - 2010, khi em gái đầu tư thua lỗ, cá nhân tôi và em phải bỏ tiền vào để bù đắp khoản thu lỗ. Không ai dại dột làm hợp đồng trá hình sau đó phải bù lỗ", bầu Kiên khẳng định và cho rằng nếu tuyên án bị cáo trốn thuế mong HĐXX yêu cầu cơ quan thuế, giám định viên giám định lại toàn bộ hoạt động của công ty B&B để xác định nghĩa vụ thuế.

Bầu Kiên tiếp tục viện dẫn điều 108 Luật thuế liên quan để xác định hành vi trốn thuế. Theo đó, VKSND đã trích dẫn sai các nội dung đó là Nghị quyết 32 của Quốc hội có giá trị tức thời, sau đó Chính phủ có thông tư hướng dẫn phương pháp trong đó có nội dung nếu các đơn vị trong 6 tháng đầu năm phải nộp thuế trước thì sẽ được nhà nước thoái thu và các quy định kê khai thuế cho phép công ty kê khai ra sau. Ngày công ty B&B chuyển tiền cho Nguyễn Thúy Hương (em gái Kiên) không vi phạm bất cứ quy định nào của các văn bản liên quan đến nghĩa vụ nộp thuế. Trong 2 hành vi trên, VKSND nêu nhiều điều luật nhưng không nêu nội dung điều luật là sai cơ bản luật tố tụng. "Nếu HĐXX chỉ ra được tôi nhận tội ngay, không cần tranh luận", bị cáo nói.

"Đủ kiên nhẫn để không đẩy bạn bè vào vòng lao lý"

Bào chữa về hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, bị cáo Kiên cho biết đó là tội danh khiến ông bức xúc bởi lẽ: "Tôi là một doanh nhân có tên tuổi, uy tín lại đi lừa đảo bạn thân mình, những người không biết bản chất sự việc sẽ đánh giá như nào về tôi". Và bầu Kiên khẳng định đây là nghĩa cử giúp bạn bè, giúp anh Trần Đình Long (Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát), không có mục đích nào khác. 

Bầu Kiên tự bào chữa tại tòa chiều 29/5.

Cho rằng việc này được nhiều lần khai trong hồ sơ nhưng cơ quan điều tra không đưa vào nội dung đánh giá chứng cứ, cựu chủ tịch HĐQT đã "đổ lỗi" cho cơ quan điều tra thiếu trách nhiệm đối với công dân.

Bầu Kiên đưa ra 6 lý lẽ tranh luận để gỡ tội cho bản thân. Theo bị cáo, thỏa thuận giữa Kiên với ông Long là 2 Chủ tịch của 2 tập đoàn có đủ năng lực hành vi, dù thỏa thuận là lời nói nhưng được pháp luật công nhận. Bầu Kiên khẩn thiết mong khi bị cáo này nói xong thì HĐXX tiếp tục cho ông Long nói.

Bị cáo Kiên tiếp tục lập luận quan điểm của VKSND và cáo trạng nêu việc ký các biên bản cuộc họp Hội đồng quản trị là biên bản khống là không đúng. "Tôi đã thực hiện đúng chức năng, quyền hạn của chủ tịch Hội đồng quản trị khi điều hành cuộc họp bằng văn bản, điều này được pháp luật thừa nhận chỉ có VKSND là không thừa nhận", bị cáo Kiên này nói đồng thời khẳng định biên bản trên là thật 100%.

Trình bày về vấn đề chuyển nhượng cổ phiếu với tập đoàn Hòa Phát, bị cáo 50 tuổi đặt câu hỏi không biết một số người trong Tập đoàn Hòa Phát có biết việc phong tỏa tài sản không. "Tôi chỉ nói rằng, tôi đã rất kiên nhẫn, chịu đựng nhiều sức ép để không đẩy các cán bộ, bạn bè tại tập đoàn Hòa Phát vào vòng lao lý. Nếu tôi sơ suất rất có thể anh Trần Tuấn Dương bị khởi tố bắt giam", bầu Kiên nói.

Về việc nhận và sử dụng tiền 264 tỷ đồng (số tiền quy kết Kiên chiếm đoạt), bị cáo cho rằng VKS quy kết ông chiếm đoạt tài sản là không có, số tiền cáo trạng ghi là chi tiêu cá nhân (75 tỷ đồng) là công ty tạm ứng để mục đích kinh doanh.

"Tôi không có động cơ chiếm đoạt, nếu có tôi đã không ứng tiền 264 tỷ đồng từ tài khoản của tôi thông qua tài khoản em gái trả cho Hòa Phát. Việc trả tiền này trước khi Hòa Phát chuyển tiền. Tôi không dại dùng tiền của mình chiếm đoạt tổ chức khác, sau đó lại đưa tiền cho đối tác sử dụng. Đây là chứng cứ cần đánh giá khách quan, đầy đủ. Quan hệ của tôi với anh Long cũng như ban lãnh đạo tập đoàn Hòa Phát không phải một sớm một chiều mà có thể lầm tưởng nhau", cựu chủ tịch ACB nói.

Bị cáo Kiên cho rằng từng nỗ lực đề nghị cơ quan điều tra giải quyết vụ việc này theo 2 hướng. Đó là: Hòa Phát nhận lại cổ phiếu. Nếu Hòa Phát không đồng ý thì phong tỏa số cổ phiếu của em gái ông lại và chờ khi nào công ty có tiền mặt thì trả cho Hòa Phát. Tuy nhiên, theo bị cáo, cơ quan điều tra đã không lưu ý vì đó bản chất vụ việc đang được hiểu theo cách khác.

Người bị VKSND truy tố với 4 tội danh nói, trong phần luận tội, không hiểu sao VKS không đưa các văn bản của Hòa Phát gửi đến phiên tòa này. Qua luật sư, bị cáo Kiên có biết nội dung công ty TNHH Một thành viên Thép Hòa Phát không tố cáo hay yêu cầu tôi bồi thường thiệt hại. Hòa Phát xác nhận sai sót là do cán bộ của mình gây ra.

Sau mỗi phần trình bày, bầu Kiên dành ít phút lấy lại tinh thần.

"Không gây áp lực chỉ đạo lãnh đạo ACB ra quyết định"

Đối với hành vi Cố ý làm trái, bầu Kiên trình bày với 2 tư cách vừa là bị can vừa là chuyên gia trong lĩnh vực ngân hàng.

Với giọng nói chậm rãi, bị cáo Kiên kể lại tham gia ACB từ năm 1993, giữ rất nhiều vị trí quan trọng tại ngân hàng này. Đến cuối năm 2007, ông nhận thấy công việc tại ACB ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống nên đã chủ động không tham gia ban điều hành. Trước đề nghị của nhiều người, Hội đồng sáng lập ACB đã được thành lập, được tập thể ACB, đại hội cổ đông thông qua. Chức năng, nhiệm vụ được quy định rõ ràng là các thành viên trong Hội đồng sáng lập được quyền dự họp, có ý kiến, được cung cấp tài liệu, phát biểu ý kiến trong các cuộc họp nhưng ý kiến này chỉ có ý nghĩa tư vấn. Các thành viên Hội đồng sáng lập không có quyền đưa ra quyết định.

"Tôi nói điều đó vì đang bị cáo buộc là tôi gây áp lực chỉ đạo lãnh đạo ACB trong việc ra quyết định. Điều này là sai sự thật", nói xong bị cáo đưa ra các dẫn chứng để chứng minh.

"Với cương vị cổ đông chiếm 9%, tôi không có quyền hạn nào khác so với cổ đông còn lại. Tại ACB còn gia đình khác sở hữu cổ phần lớn hơn. Như vậy, với cơ cấu cổ đông tôi không thể lũng đoạn, chi phối hoạt động của ACB", bầu Kiên cãi.

Bào chữa về hành vi đề chủ trương mua cổ phiếu của ACB, bầu Kiên khẳng định đanh thép trước HĐXX không chỉ đạo bất kỳ nội dung, bất kỳ ai mua cổ phiếu ACB. Còn về hành vi chủ trương ủy thác nhân viên gửi tiền vào ngân hàng Vietinbank, bị cáo xác nhận có tham gia cuộc họp nhưng lúc đó đã gần xong.

"Phần đầu tôi dự 5-10 phút sau đó sang cuộc họp khác rồi mới quay lại, cơ quan điều tra không thể lấy râu ông nọ cắm cằm bà kia. Tôi khẳng định không liên quan đến việc thường trực Hội đồng quản trị ra quyết định. Tôi không gặp gỡ, bàn bạc với anh Hải hay nội dung anh Hải trình bày", ông Kiên nói và khẳng định không liên quan đến việc gửi tiền ủy thác, trong cuộc họp của ACB cũng như không có ý kiến đồng ý hay phản đối về việc này.

Kết thúc phần tự bào chữa, bầu Kiên cho rằng nếu cơ quan điều tra thận trọng trong việc đánh giá chứng cứ thì sẽ không xảy ra vụ án Nguyễn Đức Kiên.

Đỗ Mến

Bạn có thể quan tâm