Trong phiên tòa xét xử Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm sáng 29/5, ông Trương Thanh Đức, bảo vệ quyền và lợi ích của ACB cho rằng ACB không phải là nguyên đơn dân sự của vụ án.
Về khoản tiền 718 tỷ đồng, luật sư cho biết ACB đang khởi kiện yêu cầu Vietinbank hoàn trả, cho nên chưa thể khẳng định ngân hàng này bị thiệt hại. ACB nhiều lần khẳng định trong hồ sơ cũng như tại phiên tòa rằng không bị thiệt hại. Ngoài ra, ngân hàng này cũng không có văn bản nào yêu cầu các bị đơn là các bị cáo, các cá nhân trong vụ án này hay vụ án khác có liên quan bồi thường thiệt hại.
Luật sư Trương Thanh Đức tại tòa sáng nay. |
Ông Đức cho rằng với tư cách nguyên đơn thì hoàn toàn phải do ý chí nguyện vọng của pháp nhân. Nguyên đơn dân sự và bị đơn dân sự vốn là cặp phạm trù, nếu không có bị đơn dân sự thì không thể có nguyên đơn dân sự. Ngân hàng ACB không có cả 2 điều kiện cần và đủ là không thừa nhận thiệt hại và không yêu cầu bồi thường.
Đối với khoản tiền 687 tỷ đồng liên quan đến việc đầu tư cổ phiếu, cáo trạng nêu 6 bị cáo nguyên là lãnh đạo ACB làm trái quy định tuy nhiên qua các văn bản và ý kiến tại tòa, ACBS không đầu tư vào cổ phiếu ACB. Cuộc họp ngày 2/11/2009 chỉ ban hành Nghị quyết mua một số ít cổ phiếu có giá tốt và tính thanh khoản cao. Như vậy ACBS không trực tiếp mua cổ phiếu ACB mà chỉ hợp tác với công ty ACI, ACI Hà Nội. ACB không hề bị thiệt hại như cáo trạng đã nêu và không yêu cầu ai phải bồi thường thiệt hại cho mình về khoản tiền này, vậy thì pháp luật không thể bắt ACB nhận là bị hại.
Nói về khoản tiền 718 tỷ đồng liên quan đến hành vi ủy thác gửi tiền vào ngân hàng Vietinbank, luật sư Đức lập luận rằng ACB không làm trái pháp luật khi đề ra chủ trương ủy thác gửi tiền bởi thời điểm đó Ngân hàng nhà nước chưa có hướng dẫn cụ thể, luận tội của VKSND là trái về đối tượng ủy thác.
Ông Đức đưa ra các lý do buộc Vietinbank phải có nghĩa vụ bồi hoàn tiền cho ACB đó là Vietinbank đã ký hợp đồng tiền gửi, nhận tiền gửi, hạch toán tiền gửi, sử dụng tiền gửi, để nhân viên lập chứng từ giả, hồ sơ rút tiền.
Kết thúc phần bào chữa, luật sư nhấn mạnh sai phạm của Vietinbank là nguyên nhân trực tiếp và duy nhất nên Vietinbank phải hoàn toàn chịu trách nhiệm. Luật sư Đức kiến nghị cơ quan hành pháp, lập pháp cần xây dựng, giải thích và áp dụng pháp luật để tránh gây hoang mang, tù mù, oan ức cho doanh nghiệp.
Luật sư Nguyễn Như Thái Dũng bảo vệ quyền và lợi ích của ngân hàng Vietinbank. |
Bốn luật sư bảo vệ quyền và lợi ích của ngân hàng Vietinbank gồm: Nguyễn Như Thái Dũng, Lê Hồng Nguyên, Đỗ Ngọc Quang và Nguyễn Thị Bắc cho rằng việc ACB đòi tiền Vietinbank là không có căn cứ.
Ông Dũng đánh giá đây là vụ án lớn, phức tạp liên quan nhiều đơn vị, cá nhân nên cần đánh giá toàn diện để làm rõ bản chất vụ án.
"Các luật sư bào chữa cho các bị cáo và bảo vệ quyền lợi của ngân hàng ACB đang cố tách tình tiết vụ án theo hướng rời rạc làm mất mối quan hệ logic của chuỗi các hành vi. ACB yêu cầu Vetinbank xem xét trách nhiệm đối với khoản tiền 718 tỷ đồng là không có căn cứ", ông Dũng nói.
Vị luật sư này lập luận số tiền 718 tỷ đồng ACB bị thiệt hại là lỗi của ACB và nhân viên ngân hàng này. Cụ thể, ACB không tuân thủ pháp luật về hoạt động ủy thác gửi tiền. Tại thời điểm đề ra chủ trương trên, ACB biết việc thỏa thuận lãi suất vượt trần vẫn ủy thác cho nhân viên gửi tiền vào Vietinbank là trái với thông tư của Ngân hàng nhà nước. Các nhân viên ACB nhận ủy thác nhưng không làm đúng nghĩa vụ trong đó có trách nhiệm mang thẻ tiết kiệm về, là cơ hội cho Huyền Như thực hiện việc lừa đảo.
"Với tư cách có nghĩa vụ liên quan vụ án, Vietinbank không hề biết Như có ý định lừa đảo, không được hưởng lợi từ số tiền trên, nên không phải chịu trách nhiệm vì hành vi của các bị cáo", luật sư Dũng lập luận.
Đồng quan điểm với các cộng sự, luật sư Lê Hồng Nguyên khẳng định trong vụ án này Huyền Như lấy màu áo Vietinbank để thực hiện hành vi chiếm đoạt của mình.