Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bầu Kiên xin tự bào chữa tại tòa

Trước khi tòa tạm nghỉ giữa giờ, bị cáo Kiên giơ tay đề nghị tự bào chữa cho hành vi phạm tội của mình nhưng bị tòa ngắt lời.

Trách nhiệm thuộc về pháp nhân

Chiều 27/5, sau khi các luật sư bào chữa cho bị cáo Trần Ngọc Thanh, phiên tòa "nóng" hơn với phần gỡ tội của luật sư tham gia bào chữa cho bị cáo Nguyễn Đức Kiên.

Là người bào chữa về hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Trốn thuế, luật sư Ngô Huy Ngọc không nhất trí với cáo trạng quy kết của VKSND. Ông đưa ra lý do rằng, hợp đồng giữa công ty ACBI và công ty TNHH một thành viên Thép Hòa Phát về việc bán 20 triệu cổ phần trong tổng số hơn 22 triệu cổ phần công ty cổ phần Thép Hòa Phát chỉ là giao dịch dân sự. Luật sư nhấn mạnh việc quy kết thân chủ của ông tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản là không có căn cứ pháp luật.

Bị cáo Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm chiều nay.
Theo luật sư, cáo trạng cho rằng sau khi thu được 264 tỷ đồng, ông Kiên chỉ đạo Trần Ngọc Thanh dùng số tiền này chi trả cho các khoản nợ và 72,5 tỷ đồng sử dụng riêng. Việc sử dụng từ ngữ trong văn cảnh này tạo ra hiểu lầm bởi đó là khoản vay trước đó đến kỳ trả nợ.

Ông Ngọc lập luận, VKSND cho rằng do tin tưởng ACBI, ông Kiều Chí Công (giám đốc Công ty TNHH một thành viên Thép Hòa Phát) ký hợp đồng mua 20 triệu cổ phiếu và chuyển 264 tỷ đồng. Điều này sẽ khiến nhiều người dễ nhầm tưởng sau khi ký hợp đồng Hòa Phát gửi ngay 264 tỷ. Tuy nhiên, theo hồ sơ có trong tay, vị luật sư cung cấp phải 18 ngày sau, Hòa Phát mới chuyển tiền. Trong thời gian này có việc hoán đổi cổ phiếu giữa ông Kiên và ông Trần Đình Long, nhưng cáo trạng không đề cập vấn đề này. Như vậy giao dịch hoán đổi không trái pháp luật, không thể thể chuyển quan hệ dân sự thông thường sang quan hệ hình sự.

"Giữa họ đã có với nhau tình cảm và các giao dịch rất lâu trước đó, không thể có chuyện chỉ vì hành vi này để tạo dựng niềm tin để Hòa Phát bỏ ra 264 tỷ. Lập luận đó không vững chắc, khó tin. Cáo trạng cho rằng Kiên chiếm đoạt 264 tỷ là quá đau đớn. Ở đây, quyền sở hữu 20 triệu cổ phần và 264 tỷ của Hòa Phát mang màu sắc của 2 pháp nhân với nhau, không phải cá nhân với cá nhân. Trình tự sử dụng 264 tỷ của ACBI nếu có vấn đề gì là thuộc trách nhiệm của pháp nhân. Đây là giao dịch dân sự, kinh tế thuộc phạm vi điều chỉnh theo Luật Thương mại, Luật dân sự", luật sư nói thêm.

Trước khi tòa tạm nghỉ giữa giờ, bị cáo Kiên giơ tay xin phát biểu. Bị cáo này đề nghị tự bào chữa về hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản nhưng bị chủ tọa ngắt lời.

Bổ sung phần bào chữa của đồng sự, luật sư Hoàng Đôn Hùng và Vũ Xuân Nam khẳng định về mặt khách quan, chủ quan hành vi gian dối là không có nên không thể xác định bị cáo Kiên phạm tội Lừa đảo.

"Nếu truy tố Kiên kinh doanh trái phép, cơ quan điều tra có thể khởi tố bất kỳ ai..."

Bào chữa cho bị cáo Nguyễn Đức Kiên về tội Kinh doanh trái phép, luật sư Bùi Quang Nghiêm nêu quan điểm của mình về các hành vi kinh doanh tài chính thông qua 5 doanh nghiệp, quyền thành lập, góp vốn, mua cổ phần được quy định tại điều 13 Luật Doanh nghiệp.

Điều 88 Luật Doanh nghiệp cũng ghi rõ các doanh nghiệp được quyền phát hành trái phiếu theo quy định pháp luật. Ngân hàng mua trái phiếu dựa vào đánh giá năng lực của doanh nghiệp phát hành. Những hoạt đông này đều không bị cấm.

Luật sư viện dẫn điều 4.1 Luật Chứng khoán là tôn trọng quyền tự do mua bán kinh doanh và dịch vụ chứng khoán. Do đó, 5 doanh nghiệp trên mở tài khoản chứng khoán có quyền mua bán các cổ phiếu đã niêm yết. Sau khi hoãn tòa vào trung tuần tháng 4, cơ quan điều tra có công văn gửi ông Bùi Quang Vinh (Bộ Kế hoạch Đầu tư), nhưng sau 2 năm khởi tố và 6 tháng ra kết luận điều tra vẫn chưa tìm ra căn cứ pháp luật.

"Nếu kết tội Kiên kinh doanh trái phép không những trái pháp luật mà còn đe dọa tính an toàn pháp lý của những người đang ra lệnh mua bán cổ phiếu qua công ty chứng khoán. Hiện không ai, doanh nghiệp nào hoạt động tại Việt Nam đăng ký kinh doanh được với chức năng đầu tư tài chính góp vốn mua cổ phiếu", luật sư nói.

Ông Nghiêm cho rằng qua xét hỏi các cơ quan nhà nước tại tòa, cũng chưa tìm được mã ngành để xác định ngành kinh doanh góp vốn đầu tư mua cổ phiếu. Trên thực tế muốn đăng ký cũng không được dù là mã ngành kinh tế hay mã ngành kinh doanh. Các cơ quan Nhà nước cũng không khẳng định việc góp vốn phải đăng ký kinh doanh, đó là quyền của công dân, doanh nghiệp. "Tòa đã hỏi Bộ Tài chính nhưng đến nay chưa trả lời, và dù được mời nhưng không đến", luật sư bổ sung.

Ông Nghiêm lấy dẫn chứng, trước đó luật sư Hoàng Đôn Hùng đã thu thập một số giấy đăng ký kinh doanh của nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn ở nhiều thành phố, qua hệ thống dữ liệu của Bộ Kế hoạch Đầu tư cung cấp cho thấy có đầu tư vốn cổ phiếu nhưng không được đăng ký kinh doanh.

Trước khi kết thúc phần bào chữa, ông Nghiêm nói: "Hệ thống này không tạo ra hành lang pháp lý an toàn cho doanh nghiệp mà còn tạo ra công cụ để cơ quan quản lý Nhà nước dễ bề hạch sách doanh nghiệp. Nếu truy tố ông Kiên kinh doanh trái phép thì cơ quan điều tra có thể khởi tố bất kỳ ai hay doanh nghiệp đã mua cổ phiếu, góp vốn đầu tư".

Đỗ Mến

Bạn có thể quan tâm