Chiều 29/5, sau khi luật sư hoàn thành phần nêu quan điểm bào chữa, các bị cáo lần lượt đưa ra quan điểm gỡ tội của mình trước tòa.
Là bị cáo cuối cùng phát biểu, bầu Kiên nói: "Khi nhận được lệnh bắt giam, khởi tố tội kinh doanh trái phép, tôi thấy trời đất như sụp đổ dưới chân. Trong biên bản của cơ quan điều tra, tôi khẳng định không kinh doanh trái phép, việc kinh doanh không ảnh hưởng đến chính sách kinh doanh tiền tệ của nhà nước. Cơ quan điều tra có 3 nội dung ghi không đúng bản chất đó là ghi tôi là chủ sở hữu công ty B&B, ACB Hà Nội, Á Châu là sai hoàn toàn vì tôi là 1 trong 3 người góp vốn ở công ty B&B, các công ty kia tôi là đại diện góp vốn".
Bị cáo Nguyễn Đức Kiên tại phiên xử chiều 29/5. Ảnh: Đỗ Mến. |
Theo bị cáo, việc các công ty này không có chức năng kinh doanh tài chính, mua cổ phần với công ty khác là sai vì nó đúng theo luật đầu tư, không phải hoạt động kinh doanh thuộc mục 1, 2 Luật doanh nghiệp. Các công ty này phát hành trái phiếu thế chấp cổ phiếu khác lấy tiền ảo ảnh hưởng chính sách tiền tệ của Nhà nước là sai lầm. Vì các công ty này khi phát hành trái phiếu đã thực hiện đúng chính sách của Chính phủ. Việc thế chấp và bán trái phiếu theo luật pháp quy định, tạo ra đồng tiền thật và thực hiện đúng chủ trương của Chính phủ trong việc tăng vốn điều lệ của ngân hàng trước ngày 30/10/2010.
Bị cáo Kiên xin phép HĐXX đọc đơn kêu oan của mình trước khi phân tích từng ý vì cho rằng đơn này ảnh hưởng đến toàn bộ quá trình xác lập tội danh, đánh giá chứng cứ, xuyên suốt cả quá trình bào chữa. Tuy nhiên, chủ tọa cho rằng không cần đọc.
Về tội Kinh doanh trái phép, Nguyễn Đức Kiên đề nghị xem xét các công ty đã thành lập có hợp pháp không, không hợp pháp thì căn cứ theo quy định nào của pháp luật.
"Nếu ai còn băn khoản 6 công ty này do Phòng đăng ký kinh doanh Hà Nội và TP.HCM cấp có đúng pháp luật không, tôi nói rằng 30 năm tôi đầu tư trên 100 doanh nghiệp hoạt động gần như toàn diện nền kinh tế. Tất cả các công ty này đều hoạt động an toàn, hiệu quả, góp phần tạo công ăn việc làm, an sinh xã hội. Ngoài ra còn 7 phòng đăng ký kinh doanh khác trên toàn quốc đã cấp phép cho tôi", bầu Kiên nói và cho rằng rất buồn khi luật sư thông báo 2 công ty đã phải thoái vốn.
Bầu Kiên nói, trên đường dẫn giải về trại tạm giam có được nghe đài thông báo ngày làm việc của Quốc hội có nội dung Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi Luật Doanh nghiệp năm 2005, xóa bỏ ghi nội dung ngành nghề kinh doanh trên giấy đăng ký kinh doanh. Nếu Quốc hội thông qua đây là niềm lạc quan lớn nhất đối với ông.
Bị cáo 50 tuổi nhấn mạnh, ngay từ đầu đã đề nghị mời phòng đại diện VCCI, vì tổ chức này cần có ý kiến về việc cơ quan điều tra khởi tố ông tội kinh doanh trái phép, bởi lẽ điều này còn liên quan đến hệ thống an toàn của doanh nghiệp Việt Nam. Nguyễn Đức Kiên mong ý kiến của ông tại tòa sẽ được xem xét.