'Bầu sô' sinh viên đắt khách từ dịch vụ đám cưới hỏi
Vân Anh, sinh viên trường Cao Đẳng Du Lịch Hà Nội mới mở dịch vụ bưng tráp ăn hỏi được mấy tháng với đội ngũ nhân viên hầu hết là các bạn 9X được huy động khá hiệu quả.
"Bầu sô" xinh đẹp Vân Anh... |
Dịch vụ bưng đỡ tráp
Sinh viên làm thêm bằng công việc bưng đỡ tráp trong các đám cưới hỏi không còn xa lạ trong những năm gần đây. Nhiều bạn trẻ, sau một thời gian trực tiếp làm đã nhận thấy tiềm năng của “nghề” nên mở ra dịch vụ “cung ứng nhân lực” di động với đội ngũ sinh viên làm việc chuyên nghiệp, hiệu quả.
Với sự phát triển của công nghệ và mạng xã hội, công việc của các bạn trẻ được hỗ trợ rất nhiều khi chỉ mất ít tiền quảng bá dịch vụ và thương hiệu để thu hút khách hàng. Chỉ với mạng xã hội hay các website, khách hàng dễ dàng tìm đến được với dịch vụ của các bạn trẻ ấy.
Vân Anh (sinh 1992, SV năm 2 trường CĐ Du lịch Hà Nội) mới mở dịch vụ được vài tháng. Ban đầu Vân Anh cũng được gọi đi bưng đỡ tráp sau quen việc dần và nhận thấy nhu cầu của dịch vụ này khá lớn, Vân Anh đã tập hợp một nhóm bạn phục vụ cho các lễ ăn hỏi.
Vân Anh chia sẻ: “Mới làm dịch vụ này nhưng mình cảm thấy rất thú vị khi làm trung gian và đáp ứng được nhu cầu của các cô dâu, chú rể trong ngày cưới. Làm hài lòng được ngày vui của các đôi tình nhân trẻ, trong lòng Vân Anh cũng vui lây”.
Nhiều khi không gọi được các bạn sinh viên do thi cử hay trễ giờ, chính bạn phải tham gia để đảm bảo đủ số lượng thành viên và đúng thời gian cử hành. Cái khó khăn của công việc này còn là chọn lựa được đội ngũ các bạn sinh viên có hình dáng phù hợp, “nam thanh, nữ tú” với các tiêu chuẩn là : nữ cao 1,6 m, nam 1,7m trở lên để có được đội hình đẹp, làm cho khách hàng ưng ý.
...và đội bưng tráp (Vân Anh thứ 3 trái qua). |
Tùng (HV Ngân hàng) đến với công việc này khá sớm: đầu năm 2 ĐH. Dịch vụ do bạn cung cấp đã được gần 3 năm. Mỗi tháng nhận được trên dưới 20 đám nên thu nhập bình quân của bạn cũng lên tới 8 - 9 triệu đồng.
Tùng cho biết: “Mình thấy dịch vụ này rất thiết thực. Công việc khá thoải mái về thời gian, không hề ảnh hưởng đến học tập. Ngoài giờ đi học, mình lên lịch gặp khách làm hợp đồng công việc với khách. Còn nếu đám nhận từ cửa hàng thì mình sẽ sắp xếp thời gian qua cửa hàng lấy lịch mà khách đặt.”
Thái Hùng là một trong sinh viên mở dịch vụ này sớm nhất Hà Nội với thời gian 5 năm khi mới là sinh viên năm nhất đã đi bưng tráp. Sau một năm trực tiếp làm thì Hùng đã có nhiều kinh nghiệm, các mối quan hệ, bạn cùng bưng tráp. Nên bạn quyết định đứng ra tổ chức đội bê tráp riêng, tự giao dịch, tự đàm phán với các cửa hàng và khách hàng trực tiếp qua mạng.
Cứ mỗi khi có đám đăng ký thì Hùng sẽ gọi điện hoặc nhắn tin báo địa chỉ cho các bạn sinh viên và chọn ra đội hình đồng đều theo yêu cầu của khách hàng, Đội nam sẽ đến nhà trai, đội nữ sẽ đến nhà gái, tất cả sẽ có mặt trước 1 tiếng so với giờ ăn hỏi của 2 gia đình.
Hùng chia sẻ thêm kinh nghiệm: “Những ngày lịch dày quá thì mình sẽ có cách khác để quản lý là thông báo lịch cho các đội trưởng, mỗi đội trưởng sẽ có trách nhiệm gọi người thay cho mình. Mình nghĩ lúc nào cũng phải đề cao chữ “tín” thì mới thực sự làm ăn lâu dài và bền vững được.
Công việc mang lại cho mình rất nhiều thứ : thu nhập ổn định, nhiều bạn bè và có cơ hội được đi nhiều nơi khi khách đặt lịch ở các tỉnh xa như Nam Định, Thái Bình, Tuyên Quang,…"
Đội ngũ bưng tráp của Thái Hùng. |
Chuyện ăn hỏi thì quan trọng nhất là đúng giờ, nên đội ngũ của Hùng luôn có mặt đầy đủ. Nhưng không thể tránh khỏi sai sót nên có lần, khách đặt 7 người mà lúc sát giờ, chỉ có 5 người đến. Hùng cố gắng bố trí người thay mà chỉ có một người đến. Lần đó bạn đã bị phạt khá nặng. Bình quân vào mùa cưới, mỗi tháng Hùng có thể kiếm cả chục triệu đồng.
Kỷ niệm vui mà Hùng luôn nhớ mãi là khi đến nhà trai, thấy toàn các cô trung tuổi nên ra hỏi bác già nhất ở đó chú rể ở đâu thì nhận được câu trả lời khá bất ngờ: "Bác là chú rể đây". Lúc đó bạn vừa buồn cười, vừa ngượng và không tin là thật hay đùa. Hóa ra đó là chú rể thật, bác ấy lấy vợ 2, đã hơn 60 tuổi còn cô dâu cũng gần 60. Cả nhóm cứ tủm tỉm nhìn nhau cười mà không dám cười to.
Trong tương lai thì Hùng cố gắng để làm cho đội của mình lớn mạnh hơn nữa, trở thành dịch vụ lớn cả về qui mô và sự chuyên nghiệp. “Mình sẽ cố gắng duy trì thật tốt công việc này, để tạo ra công việc cho các bạn sinh viên, và đó cũng là 1 nguồn thu nhập thêm cho mình trong cuộc sống hiện tại”, Hùng chia sẻ.
Trang trí cổng, phông và phòng tân hôn
Bên cạnh việc bưng đỡ tráp, các bạn trẻ còn nghĩ ra việc cung cấp dịch vụ trang trí cổng, phòng tân hôn và phông đám cưới nhằm mang đến cho khách hàng được chất lượng phục vụ tốt nhất trong ngày vui của đời mình.
Dịch vụ bóng bay và trang trí phòng tân hôn cũng trở nên hút bạn trẻ. |
Đỗ Văn Hoàng (1989, ĐH Quốc Gia HN) chuyên cung cấp trọn gói các dịch vụ cưới hỏi như : trang trí cổng, phông, phòng tân hôn, cho thuê phù dâu, phù rể,…Thâm niên của bạn trong nghề này khá “dày dạn”: 5 năm. Sẵn có niềm đam mê với kinh doanh và nhận thấy tiềm năng của dịch vụ nên Hoàng đã nảy ra ý tưởng thú vị này.
Chi phí ban đầu khi Hoàng mở trung tâm cung cấp dịch vụ : khoảng 4 – 5 triệu đồng, để mua quần áo dài, áo the khăn xếp, cravat,…Đang là sinh viên nên bạn phải nhờ đến gia đình giúp đỡ.
Hoàng cùng đội ngũ nhân viên của mình mang đến cho các đám cưới hỏi những cổng chào trang trí bằng bóng bay hay hoa rực rỡ với giá 500.000 đồng, phông kim tuyến là 700.000 đồng, còn phòng tân hôn là 500.000 – 700.000 đồng. Với giá ấy, khách hàng đều khá hài lòng.
Hoàng chia sẻ: “Mang tính chất là tạo công ăn việc làm cho sinh viên nên đội ngũ trung tâm mình ban đầu là 30, đến bây giờ đã lên tới 300 bạn trẻ. Mỗi năm các bạn ấy ra trường mình đều phải tuyển thêm các bạn sinh viên để làm thêm.
Công việc mang lại cho mình rất nhiều thứ. Đó là mức thu nhập khá ổn và nhiều mối quan hệ. Đông khách là rất tốt nhưng làm nghề này cũng không nên tham lam nhận nhiều lịch quá để đảm bảo chất lượng dịch vụ”.
Mỗi tháng, Hoàng thu nhập được bảy triệu đồng. Dự định của bạn là vẫn tiếp tục duy trì và mở rộng thêm dịch vụ này.
Không ít bạn có thêm quan hệ, kỹ năng quản lý từ những công việc thú vị này.
Thu (CĐ Kinh tế Tài chính Thái Nguyên, địa điểm HN) mới mở dịch vụ trang trí bóng bay cho cổng, phòng tân hôn, … được 4 tháng. Trong một lần đi dự đám cưới, Thu cùng anh trai nảy ra suy nghĩ tại sao mình không cung cấp được những dịch vụ này. Bạn đã cùng anh trai nhận trang trí bóng.
Thời gian cũng chưa phải dài nhưng Thu đã bước đầu khẳng định được năng lực của mình với khách hàng. Mặc dù mới làm cũng gặp phải những khó khăn tìm mối và nguồn bán bóng rẻ mà chất lượng. Giá của mỗi cổng hay phòng tân hôn thường là 400 – 500 nghìn.
Thu tâm sự : “Trung bình mỗi tháng mình nhận được 20 lịch đặt. Sau khi trừ hết chi phí, mình cũng dành dụm đươc 3 – 4 triệu đồng. Là con gái thích trang trí, tô điểm nên Thu cảm thấy hài lòng với công việc tay trái này.
Kỷ niệm khó quên là một lần Thu vừa dựng cổng thì vướng cây cối, nổ hết bóng. Mình phải hì hục làm lại từ đầu”.
Theo Dân trí