Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bé 3 tháng tuổi bị sốc phản vệ sau khi tiêm kháng sinh

Sau khi tiêm kháng sinh điều trị bội nhiễm do viêm tiểu phế quản, trẻ trai rơi vào tình trạng tím tái, ngưng tim, ngưng thở.

Các bác sĩ khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM), vừa cứu bé trai 3 tháng tuổi bị sốc phản vệ độ IV sau tiêm kháng sinh Cefotaxim. Đây là một trong những kháng sinh điều trị các bệnh lý nhiễm trùng ở trẻ em.

Trước đó, bé trai nhập viện trong bệnh cảnh viêm tiểu phế quản bội nhiễm, theo dõi viêm màng não. Bé được chỉ định tiêm kháng sinh Cefotaxim để điều trị. Đến ngày thứ 3, sau khi được tiêm thuốc khoảng vài phút, bé đột ngột tím tái, ngưng tim, ngưng thở.

Nhận thấy đây là tình huống dị ứng nặng với thuốc, khoa Nhiễm lập tức huy động toàn động toàn bộ bác sĩ, điều dưỡng để cấp cứu phản vệ cho bệnh nhân.

soc phan ve sau khi tiem khang sinh anh 1

Bé trai rơi vào nguy kịch sau khi tiêm kháng sinh. Ảnh minh họa: Shutterstock.

Các bác sĩ đã sử dụng Adrenaline - loại thuốc quan trọng hàng đầu để xử lý cho những bệnh nhân bị phản vệ. Tiếp đó, bé được đặt ống nội khí quản giúp thở, tiêm truyền nhiều loại thuốc hồi sức tích cực.

Sau khi được cấp cứu, bé dần vượt qua giai đoạn sốc, các chỉ số sinh hiệu tạm ổn định, được chuyển đến khoa Hồi sức tích cực - Chống độc để tiếp tục điều trị. Sau 3 ngày điều trị, bé được cai máy thở, tập ăn sữa, sinh hiệu ổn định và các chỉ số xét nghiệm về bình thường.

Cefotaxim là một loại kháng sinh thuộc nhóm cephalosporin thế hệ 3, có phổ kháng khuẩn rộng, được chỉ định trong điều trị các bệnh nhiễm khuẩn nặng.

Tác dụng không mong muốn hay gặp nhất của Cefotaxim trên đường tiêu hóa là tiêu chảy. Người bệnh có thể gặp viêm tắc tĩnh mạch tại chỗ tiêm, đau và có phản ứng viêm ở chỗ tiêm bắp. Các tác dụng phụ ít gặp hơn ở đường máu như giảm bạch cầu ưa eosin hoặc giảm bạch cầu nói chung làm cho test Coombs dương tính.

Các bác sĩ khuyến cáo tiêm kháng sinh vẫn được các thầy thuốc đánh giá cao khi có đúng chỉ định vì tác dụng nhanh và hiệu quả cao. Ưu điểm là thuốc sẽ được hấp thụ trực tiếp và trọn vẹn vào máu, không bị dịch tiêu hóa tác động.

Không thầy thuốc hay người bệnh nào mong muốn bị tác dụng phụ khi tiêm kháng sinh, nhưng rủi ro đến, chúng ta phải chấp nhận và có những hiểu biết cơ bản để tránh nguy hiểm.

Trước tiên, mỗi người cần phải nắm bắt những dấu hiệu của sốc phản vệ sau khi tiêm thuốc kháng sinh và đến ngay các cơ sở y tế gần nhất để được điều trị kịp thời.

Tác dụng phụ không ai ngờ khi sử dụng thuốc kháng sinh Thuốc kháng sinh có nhiều tác dụng phụ ảnh hưởng đến cơ thể như gây dị ứng, đau đầu, trầm cảm hay khiến da nhạy cảm hơn với ánh nắng mặt trời.

Việt Nam làm gì để phòng chống kháng thuốc kháng sinh?

Việt Nam hiện thuộc nhóm các nước có tỷ lệ kháng thuốc kháng sinh cao trên thế giới.

Bích Huệ

Bạn có thể quan tâm