Vừa qua, Bệnh viện Nhi đồng 1, TP HCM vừa tiếp nhận hai trường hợp bé gái lây thủy đậu từ mẹ khi chưa tròn một tuổi.
Thông tin về tình hình bệnh nhân, bác sĩ Trương Hữu Khanh, trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, BV Nhi Đồng 1 TP HCM, cho biết: “Do chưa đủ tuổi tiêm phòng nên 2 bé gái đã lây thủy đậu từ mẹ với những triệu chứng rất nguy kịch”.
Trường hợp thứ nhất, bệnh nhi Yến Nhi (3 tháng tuổi) nhập viện trong tình trạng suy hô hấp, nổi nốt khắp người. Qua thăm khám, các bác sĩ xác định bé bị thủy đậu dẫn đến biến chứng viêm phổi. Sau hơn 3 ngày điều trị, bé mới qua cơn nguy kịch. Đây là ca biến chứng thủy đậu nhỏ tuổi nhất do lây từ mẹ mà bệnh viện này từng tiếp nhận. Trong quá trình phát bệnh, mẹ bé Lê vẫn thường xuyên tiếp xúc với con.
Trường hợp thứ hai là bé Xuân Lan (6 tháng tuổi) nhập viện trong tình trạng mê man, thở kém, mạch chậm do thủy đậu. Sau khi cấp cứu thành công và điều trị tích cực 4 ngày, sức khỏe bệnh nhi dần ổn định.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh nhận định cả 2 trường hợp này đều bị lây bệnh từ mẹ và ở trong tình trạng nặng do các cháu chưa đủ tuổi tiêm phòng. Tuy nhiên, đến nay, hai bệnh nhi đã được xuất viện trong tình trạng sức khỏe hoàn toàn ổn định
Về căn bệnh này, vị chuyên gia này cho biết thủy đậu lây từ người sang người theo đường dịch tiết và chất tiết từ các nốt rạ. Trên thực tế, dù các nốt phỏng rạ đã lặn nhưng có thể vẫn lây nhiễm cho người khác sau 3 tuần. Trước khi chuẩn bị mang thai, người mẹ nên tiêm phòng vắc xin thủy đậu, nếu mắc bệnh cần tuyệt đối tránh tiếp xúc với con. Đối với những trường hợp mắc bệnh dưới một tuổi, khả năng thường xuyên mắc bệnh zona khi về già rất cao.
Cũng theo bác sĩ Khanh, hai tuần trở lại đây, tình trạng trẻ em mắc thủy đậu đã tăng lên đáng kể tại khoa Nhiễm - Thần kinh. Khác với mọi năm, bệnh thủy đậu ở trẻ em xuất hiện khá sớm và đều. Dự báo, vào tháng 3, số lượng bệnh nhi mắc bệnh có thể sẽ tăng cao.
Để phòng tránh căn bệnh này, bác sĩ Khanh tư vấn: “Cha mẹ cần cho con đi tiêm phòng vắc xin ngay trong thời gian này. Nếu để vào mùa, ca mắc quá nhiều, việc tiêm phòng ít hiệu quả và có thể bị thiếu thuốc”.
Thông tin thêm về căn bệnh này, trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh cho hay biểu hiện thủy đậu thường sốt cao, có nốt rạ như bỏng nước và có thể có mủ xung quanh. Thủy đậu ở thể nặng khiến trẻ thở nhanh, gấp, li bì, co giật. Việc điều trị bệnh không quá khó khăn nhưng nếu không kịp thời dễ có sẹo, thậm chí một số biến chứng có thể gây tử vong nhanh.
* Tên bệnh nhi đã được thay đổi