Ngày 19/5, BSCKI Nguyễn Cát Phương Vũ, khoa Hồi sức tích cực Chống độc, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM), cho biết các bác sĩ của bệnh viện vừa cấp cứu cho bé gái 7 tháng tuổi (ngụ An Giang) bị hóc dị vật khi tập ăn dặm.
Người nhà bệnh nhi cho biết trước đó, gia đình tập cho bé ăn cháo lươn. Sau khi ăn, bé bỗng ho sặc sụa, khạc ra xương lươn lẫn ít máu đỏ tươi lượng ít khoảng 2 lần. Gia đình lập tức đưa bé đến trung tâm y tế địa phương.
Thấy bé khó thở nhiều hơn, các bác sĩ tại Bệnh viện An Giang cho bé thở oxy, phun thuốc khí dung, đặt ống giúp thở rồi chuyển lên Bệnh viện Nhi đồng Thành phố.
Sau khi thăm khám, chụp phim khẩn và hội chẩn, các bác sĩ cấp cứu và hô hấp tại bệnh viện nghi ngờ dị vật bé bị hóc đã gây tắc nghẽn một nhánh phổi, gây ứ khí toàn bộ nửa trên phổi phải.
TS.BS Trịnh Hồng Nhiên đang nội soi gắp dị vật cho bệnh nhi. Ảnh: Nguyễn Cát. |
Khi nội soi, TS.BS Trịnh Hồng Nhiên, Trưởng khoa Hô hấp, Trưởng ê-kíp nội soi hô hấp, phát hiện ra dị vật là đốt xương lươn nằm bít hoàn toàn phế quản trung gian bên phải. Đốt xương nhiều gai sắc nhọn, trơn tuột và rất khó gắp. Các bác sĩ phải thận trọng khi thao tác để hạn chế tổn thương niêm mạc đường thở của bé.
Sau nội soi, phim chụp kiểm tra 2 phế trường đã sáng đều, tình trạng viêm phổi cải thiện nhanh chóng. Bé đáp ứng kháng sinh, cai máy thở tốt và sức khỏe dần ổn định.
"Cháu bé may mắn vì đến khám và chuyển tuyến sớm, kịp thời và dị vật chưa hoại tử nhiễm trùng, chưa tạo ổ mủ áp xe. Nếu dị vật rơi vào đường thở chính có thể gây ngưng thở, thậm chí tử vong nếu cấp cứu không kịp", TS Nhiên cho hay.
Các bác sĩ cho biết thêm thịt lươn chứa rất nhiều thành phần dinh dưỡng như đạm, vitamin, khoáng chất, chất béo tự nhiên… Nếu so sánh với các loại thủy hải sản khác, thịt lươn mang giá trị dinh dưỡng cao hơn nên rất tốt đối với phụ nữ mang thai, trẻ nhỏ, người già hay người vừa khỏi bệnh.
Tuy nhiên, xương lươn hay các thực phẩm có xương hoặc vỏ (cá, tôm, cua...), những thực phẩm dạng hạt (đậu phộng, bắp...) trong quá trình chế biến và ray lọc xương, phụ huynh cần cẩn thận, tránh gây nguy hiểm cho trẻ nhỏ.
Ngoài ra, để bé được an toàn trong bữa ăn, phụ huynh không nên cho trẻ xem tivi, chơi điện thoại, máy tính, trò chuyện trong lúc ăn uống.