Bể bơi của người giàu khiến cuộc khủng hoảng nước thêm trầm trọng. Ảnh: Hotel Les Flamants Roses. |
Các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng khi tìm kiếm giải pháp khắc phục tình trạng thiếu nước, các thành phố thường bỏ qua sự chênh lệch trong việc sử dụng nước giữa người giàu và người nghèo. Thay vào đó, họ thường tập trung vào nỗ lực tăng nguồn cung và giá nước.
Tuy nhiên, nghiên cứu mang tên “Khủng hoảng nước đô thị do thói quen tiêu dùng không bền vững của giới thượng lưu” kết luận biện pháp duy nhất là phân phối lại nguồn nước theo cách công bằng hơn.
Nghiên cứu này được thực hiện bởi nhóm tác giả gồm tiến sĩ Elisa Savelli và giáo sư Giuliano Di Baldassarre (Đại học Uppsala, Thụy Điển), phó giáo sư Maurizio Mazzoleni (Đại học Vrije Amsterdam, Hà Lan), giáo sư Hannah Cloke (Đại học Reading, Anh) và tiến sĩ Maria Rusca (Đại học Manchester).
Kết quả nghiên cứu đăng trên tạp chí Nature Sustainability ngày 10/4.
Bất bình đẳng xã hội
Sau quá trình tìm hiểu ở thành phố Cape Town, Nam Phi, nhóm nghiên cứu phát hiện những người giàu nhất sử dụng lượng nước gấp 50 lần so với những người nghèo nhất.
Họ cũng chỉ ra rằng khi cuộc khủng hoảng nước “Day Zero” xảy ra tại thành phố này vào năm 2018, sau nhiều năm hạn hán, nhóm người nghèo nhất không có đủ nước để đáp ứng nhu cầu cơ bản.
Song Cape Town không phải thành phố duy nhất đối mặt với vấn đề này. Kể từ năm 2000, hơn 80 thành phố lớn đã trải qua tình trạng hạn hán và thiếu nước nghiêm trọng, bao gồm Miami, Melbourne, London, Barcelona, São Paulo, Bắc Kinh, Bengaluru và Harare.
Nhóm người giàu nhất ở Cape Town, Nam Phi, sử dụng lượng nước gấp 50 lần so với những người nghèo nhất. Ảnh: imageBROKER/Alamy. |
Các nhà nghiên cứu dự đoán cuộc khủng hoảng nước đô thị sẽ xảy ra thường xuyên hơn, với hơn 1 tỷ cư dân thành phố gặp tình trạng thiếu nước trong tương lai gần, theo Guardian.
Vào tháng 3, một báo cáo của Ủy ban Toàn cầu về Kinh tế Nguồn nước kết luận thế giới sắp phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng nước, khi nhu cầu dự kiến vượt nguồn cung 40% vào năm 2030.
Trong khi đó, báo cáo Phát triển Nước Thế giới của Liên Hợp Quốc năm 2023 cho thấy 26% dân số thế giới đang không tiếp cận được với nguồn nước sạch.
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres cảnh báo việc sử dụng nước không bền vững, ô nhiễm và sự nóng lên toàn cầu không kiểm soát đang "rút cạn nguồn sống của nhân loại", theo AP.
Đồng quan điểm, giáo sư Hannah Cloke cho biết "biến đổi khí hậu và gia tăng dân số đồng nghĩa nước đang trở thành một nguồn tài nguyên quý giá hơn ở các thành phố lớn".
"Bất bình đẳng xã hội là vấn đề lớn nhất ngăn người nghèo tiếp cận nguồn nước để phục vụ nhu cầu hàng ngày”, bà nói thêm.
“Theo dự đoán của chúng tôi, cuộc khủng hoảng này có thể trở nên tồi tệ hơn khi khoảng cách giàu nghèo ngày càng lớn ở nhiều nơi trên thế giới. Cuối cùng, mọi người sẽ phải gánh chịu hậu quả, trừ khi chúng ta phát triển các cách chia sẻ nguồn nước công bằng hơn trong thành phố”, vị giáo sư cho hay.
Thay đổi thói quen
Nghiên cứu đã phát triển một mô hình ước tính lượng nước tiêu thụ dựa trên mức thu nhập khác nhau.
Tại Cape Town, nhóm giàu nhất - chiếm 14% dân số - sử dụng 51% lượng nước tiêu thụ trong thành phố. Ngược lại, nhóm nghèo nhất - chiếm 62% dân số - chỉ sử dụng 27% lượng nước. Hầu hết lượng nước mà nhóm giàu nhất sử dụng không phục vụ các nhu cầu cơ bản.
Yếu tố bất bình đẳng xã hội khiến cuộc khủng hoảng nước thêm trầm trọng. Ảnh: UNICEF. |
Theo mô hình ở Cape Town, những thay đổi trong thói quen sử dụng nước của nhóm giàu nhất có thể tác động đến nguồn nước nhiều hơn cả sự thay đổi về dân số hoặc hạn hán liên quan đến khủng hoảng khí hậu.
Các nhà nghiên cứu cũng cho biết việc nhóm người giàu tăng cường khoan giếng riêng trong bối cảnh thiếu hụt đã khiến nguồn nước ngầm cạn kiệt đáng kể.
Bên cạnh đó, khi bỏ qua yếu tố bất bình đẳng xã hội trong cuộc khủng hoảng nước, các thành phố thường chỉ tập trung vào những giải pháp kỹ trị đơn giản, lặp lại mô hình sử dụng nước thiếu công bằng và không bền vững.
“Chúng ta cần cách tiếp cận tốt, chủ động và tham vọng hơn. Chúng ta phải coi công lý và bình đẳng là trung tâm của vấn đề này, chứ không chỉ là công nghệ hay tài chính”, giáo sư Mariana Mazzucato, Đại học College London (Anh) và là đồng tác giả báo cáo của Ủy ban Toàn cầu về Kinh tế Nguồn nước, nhấn mạnh.
Báo cáo cũng trích dẫn lại kết luận năm 2016 rằng: “Đối với hầu hết mọi người trên thế giới, thời đại nguồn nước uống dồi dào và rẻ tiền đã qua”.
“Đã đến lúc xã hội cần thống nhất cách chia sẻ tài nguyên thiên nhiên thiết yếu nhất trong cuộc sống”, giáo sư Cloke và các đồng nghiệp nói thêm.
Những cuốn sách hay về biến đổi khí hậu
“Những kiến thức cơ bản về biến đổi khí hậu”, “Băng - Những câu chuyện ly kỳ từ một thế giới đang dần biến mất”, “Thảm họa khí hậu - Chúng ta đã có gì và làm gì để ứng phó?”,... nằm trong số những cuốn sách giúp độc giả có cái nhìn trực diện và bao quát hơn khi nói đến vấn đề môi trường và biến đổi khí hậu.
Độc giả có thể xem thêm tại đây.