Hồ cạn nước ở Namibia. Ảnh: Viện Nước Quốc tế Stockholm. |
"Mạch máu của nhân loại - nguồn nước - đang ngày càng rủi ro trên toàn thế giới do sự phát triển quá mức và tiêu thụ quá mức như ma cà rồng", báo cáo của Liên Hợp Quốc được công bố ngày 21/3 có đoạn.
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres nói thế giới đang "mù quáng đi trên con đường nguy hiểm". Ông cảnh báo việc sử dụng nước không bền vững, ô nhiễm và sự nóng lên toàn cầu không kiểm soát đang "rút cạn nguồn sống của nhân loại".
Báo cáo Phát triển Nước Thế giới của Liên Hợp Quốc năm 2023 cho biết 26% dân số thế giới đang không tiếp cận được với nguồn nước sạch và 46% dân số thiếu điều kiện vệ sinh cơ bản, AP đưa tin.
Báo cáo này đặt ra những yêu cầu lớn nhằm hướng tới mục tiêu đến năm 2030, mọi người trên thế giới có thể tiếp cận nước sạch.
Richard Connor, tác giả chính của báo cáo trên, cho biết thế giới sẽ cần 600-1.000 tỷ USD/năm để đạt được mục tiêu năm 2030 nêu trên.
Được chính phủ Tajikistan và Hà Lan đồng tổ chức, Hội nghị Liên hợp Quốc về Nước vào ngày 22/3 quy tụ khoảng 6.500 người tham gia, bao gồm hàng trăm bộ trưởng và nhiều nguyên thủ trên thế giới đến trụ sở tại New York, Japan Times cho hay.
Đây là lần đầu tiên sau hơn 45 năm, Liên Hợp Quốc mới tổ chức lại hội nghị lớn để thảo luận về nước. Hội nghị gần nhất đã diễn ra tại Argentina vào năm 1977.
Trên toàn cầu, 80% nước thải ra môi trường không qua bất kỳ biện pháp xử lý nào. Nếu tính riêng ở nhiều nước đang phát triển, con số này là 99%, báo cáo cho biết.
Do biến đổi khí hậu, tình trạng khan hiếm nước theo mùa sẽ xuất hiện ở những khu vực vốn đang có nguồn nước dồi dào như Trung Phi, Đông Á hay Nam Mỹ, và tình hình sẽ tồi tệ thêm tại Trung Đông và khu vực Sahara ở châu Phi, những nơi nguồn nước vốn đã hạn chế.
Năm cuốn sách về khí hậu nên đọc
Mục Thế giới giới thiệu với độc giả 5 cuốn sách mà các chuyên gia khí hậu của Quỹ Carnegie vì hòa bình quốc tế cho rằng nên đọc về cuộc khủng hoảng biến đổi khí hậu toàn cầu.