Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Cuộc đua mới giữa Mỹ và châu Âu

Cách tiếp cận mạnh mẽ mới của Mỹ đang buộc Liên minh châu Âu phải đưa ra những biện pháp khôn khéo hơn về khía cạnh kinh doanh trong chiến lược khí hậu của mình.

nang luong sach anh 1

Khi Tổng thống Mỹ Joe Biden tiếp đón người đồng cấp Pháp tại Washington vào đầu tháng 12/2022, không lâu sau khi hoàn tất khoản giảm thuế thân thiện với môi trường trị giá 369 tỷ USD, đã có sự rạn nứt trong quan hệ hợp tác ngoại giao về vấn đề nóng lên toàn cầu.

Chỉ một ngày trước đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron chỉ trích Đạo luật Giảm lạm phát (IRA) là “cực kỳ hung hăng” đối với doanh nghiệp châu Âu trước các nhà lập pháp Mỹ.

Liên minh châu Âu (EU) lo ngại IRA là phản cạnh tranh và có thể cướp việc làm tại châu Âu khi thu hút các nhà sản xuất chuyển tới Mỹ.

Một minh chứng rõ ràng về sức hút của IRA là vào hôm 13/3, hãng ôtô khổng lồ Volkswagen của Đức thông báo đã chọn Canada để xây dựng nhà máy sản xuất pin đầu tiên bên ngoài châu Âu.

Nhà sản xuất vòng bi lớn nhất thế giới SKF của Thụy Điển cũng quyết định đặt cơ sở mới của mình ở Bắc Mỹ.

Trong khi đó, công ty hóa chất khổng lồ BASF của Đức và nhà sản xuất thép ArcelorMittal đe dọa thu hẹp sự hiện diện ở châu Âu - nơi họ đang phải vật lộn với giá năng lượng tăng vọt - để nghiêng về nước Mỹ có nhiều chính sách khuyến khích.

nang luong sach anh 2

Một nhân viên lắp các bộ phận vào thân xe điện Volkswagen ID Buzz tại dây chuyền lắp ráp ở Hannover, Đức. Ảnh: Bloomberg.

Sự cạnh tranh từ Mỹ

Nếu đây là điều mà các nhà lãnh đạo chính trị của châu Âu lo sợ, thì những nhà hoạch định chính sách ở lục địa già trong tuần này lại dường như không hề lo lắng.

8 tháng sau khi luật khí hậu của Mỹ thông qua, EU đang xem xét một chính sách phản ứng nhằm cải thiện lộ trình Thỏa thuận xanh để giải quyết biến đổi khí hậu trong một thập kỷ.

Các biện pháp do Ủy ban châu Âu đề xuất vào cuối tuần này không gợi ý một cuộc chạy đua giữa Washington và Brussels vì tương lai xanh.

Thay vào đó, chính sách mới trong Đạo luật Công nghiệp Net Zero sẽ đẩy nhanh việc cấp phép và đặt mục tiêu sản xuất các công nghệ bao gồm pin mặt trời, tuabin gió, máy bơm nhiệt, pin và máy điện phân, theo tài liệu dự thảo được Bloomberg xem xét.

Chưa bên nào chạm tới "nút thắt", ngay cả khi các công ty đang dần thay đổi tư thế của mình trước những ưu đãi cạnh tranh.

Không giống như chính sách của EU tập trung vào trợ cấp để thúc đẩy việc áp dụng sản phẩm và công nghệ xanh, IRA nhằm mục đích lôi kéo các nhà sản xuất có thể mang lại việc làm cho Mỹ.

Và nó được xem là chính sách hiệu quả với Roeland Baan, giám đốc điều hành của nhà sản xuất hydro xanh Topsoe có trụ sở tại Đan Mạch.

Công ty của ông đang xem xét triển khai thêm nhà máy thứ hai ở Mỹ sau khi xây dựng nhà máy 500 megawatt ở Đan Mạch.

“Hãy nhìn vào số tiền. Không có quá nhiều sự khác biệt về quy mô giữa EU và Mỹ”, ông nói. “Nhưng nó dễ tiếp cận hơn ở Mỹ. Có nhiều sự rõ ràng và chắc chắn hơn về những gì bạn nhận được, cũng như bằng cách nào”.

Baan nhận thấy nhu cầu ngày càng tăng đối với hydro xanh ở cả hai bờ Đại Tây Dương, vì vậy các biện pháp khuyến khích đơn giản hơn ở Mỹ sẽ mở ra những con đường bổ sung cho sự phát triển.

Đây có thể là kết luận mà các doanh nghiệp khác cũng đưa ra: Không phải thời điểm đóng cửa sản xuất ở châu Âu, mà là nên tăng cường đầu tư vào Bắc Mỹ.

nang luong sach anh 3

Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden bắt tay với Thượng nghị sĩ Joe Manchin sau khi ký Đạo luật Giảm lạm phát. Ảnh: Bloomberg.

Các chương trình xanh của EU sẽ tăng thêm 1.000 tỷ USD chi tiêu trong thập kỷ này, theo dự đoán từ một số nhà nghiên cứu tại BloombergNEF.

Không chỉ vậy, dựa trên quan điểm Mỹ đang bắt kịp cuộc đua với biện pháp chi tiêu xanh trị giá 369 tỷ USD và một số ưu đãi thuế của nước này chưa được khai thác hết, tổng số tiền cuối cùng có thể cao hơn nhiều.

Tuy nhiên, đối với nhiều công ty châu Âu, việc tiếp cận nguồn tài trợ hiện có ngày càng trở nên cồng kềnh khi những chương trình tài trợ mới với các yêu cầu và mục tiêu khí hậu khác nhau được đưa ra, thường buộc họ phải thuê thêm nhân viên chỉ để xử lý công việc quản lý và thủ tục giấy tờ tẻ nhạt.

Điểm yếu này lại chính là điểm hấp dẫn của IRA. Mỹ đã sử dụng biện pháp khuyến khích giảm thuế đơn giản và rõ ràng để thúc đẩy doanh số bán ôtô điện, triển khai bộ sạc xe, sản xuất máy bơm nhiệt trong nước và nhiên liệu tương lai như hydro xanh.

“Tôi thà có một cuộc cạnh tranh tích cực với Mỹ về khí hậu hơn là phàn nàn rằng người Mỹ không làm gì cả”, Pascal Canfin, người đứng đầu ủy ban môi trường của Nghị viện châu Âu, nói.

Ông nhận thấy việc EU áp dụng lâu dài định giá carbon cùng những quy định chặt chẽ hơn về đầu tư xanh, bên cạnh ưu đãi tài chính được thiết lập cho công nghệ sạch, mang lại lợi thế cho khối trong nỗ lực chung nhằm hạn chế khí nhà kính.

Và IRA đã thúc đẩy EU cải thiện hơn nữa khung chính sách của mình.

“Giống với bất cứ cuộc đua nào, những người châu Âu chúng tôi phải ở phía chiến thắng”, ông nói.

Cú sốc với châu Âu

Rủi ro thực sự đối với sản xuất công nghiệp châu Âu, và khiến các quan chức EU khó chịu là yêu cầu về hàm lượng nội địa của IRA.

nang luong sach anh 4

Ông Pascal Canfin. Ảnh: European Union 2020.

Theo điều khoản trong IRA, chính phủ sẽ cung cấp khoản tín dụng thuế cho những phương tiện ít nhất phải được sản xuất và lắp ráp một phần ở Bắc Mỹ.

Đây được xem là đòn giáng trực tiếp vào các nhà sản xuất ôtô châu Âu.

Volkswagen đã phản ứng bằng cách tăng tốc đầu tư vào Mỹ, chi 2 tỷ USD cho một nhà máy sản xuất xe điện ở Nam Carolina.

Trong bối cảnh đó, để khắc phục những sai sót trong khía cạnh kinh doanh của chiến lược khí hậu, vào tháng 2, Ủy ban Châu Âu đã đưa ra Kế hoạch Công nghiệp Xanh với mục đích đơn giản hóa quy định, tăng tốc khả năng tiếp cận tài chính, phát triển kỹ năng cho ngành công nghiệp xanh và tạo ra “nhiều hơn môi trường hỗ trợ” cho sản xuất.

Ủy ban sẽ tiến thêm một bước nữa vào hôm 16/3 bằng cách đưa ra một gói biện pháp bao gồm Đạo luật Công nghiệp Net Zero.

Mặc dù việc phê duyệt chính thức có thể mất khoảng một năm, nhưng đạo luật này có thể mang lại sự thúc đẩy cho một số ngành công nghiệp.

Henrik Anderson, giám đốc điều hành của Vestas Wind Systems, một trong những nhà sản xuất tuabin gió lớn nhất, nói với Bloomberg vào tháng 11/2022 rằng quá trình cấp phép chậm chạp là "thách thức lớn nhất" ở châu Âu .

Ngoài ra, chi phí vận hành nhà máy cao cũng nằm trong danh sách việc cần làm của khối.

Ngay từ trước cuộc xung đột ở Ukraine, EU đã có giá năng lượng cao hơn và dễ biến động hơn so với Mỹ. Việc loại bỏ nhiên liệu hóa thạch của Nga khỏi lưới điện của lục địa càng làm tăng đáng kể sự chênh lệch về chi phí điện năng trên khắp Đại Tây Dương.

“IRA đóng vai trò như một cú sốc điện đối với châu Âu”, nghị sĩ Canfin cho biết. “Chúng ta cần thay đổi để đơn giản hóa quy tắc và cung cấp cho các công ty khả năng dự đoán về giá năng lượng”.

Dù vậy, châu Âu được hưởng lợi từ lập trường thống nhất hơn trong việc chống lại sự nóng lên toàn cầu.

Không giống như đảng Dân chủ ở Mỹ, những người phải tranh luận với đảng Cộng hòa phản đối luật khí hậu, các nhà lập pháp châu Âu không phải lo lắng nhiều về vấn đề này.

“Chính sách tối ưu là sự kết hợp giữa định giá carbon, đầu tư và quy định. Đó là cách tiếp cận của châu Âu”, Simone Tagliapetra, nhà nghiên cứu tại tổ chức Bruegel cho biết. “Nhưng về mặt chính trị, đó là điều cấm kỵ” ở Mỹ.

Năm cuốn sách về khí hậu nên đọc

Mục Thế giới giới thiệu với độc giả 5 cuốn sách mà các chuyên gia khí hậu của Quỹ Carnegie vì hòa bình quốc tế cho rằng nên đọc về cuộc khủng hoảng biến đổi khí hậu toàn cầu.

‘Củ cà rốt' của Mỹ khiến châu Âu không vui

Washington và các đồng minh đang chạy đua để thu hút tiền mặt và lao động lành nghề nhằm thúc đẩy sự chuyển đổi nhiên liệu hóa thạch và chống biến đổi khí hậu.

Nạn nhân trúng đòn nặng nề nhất từ sự sụp đổ của SVB

Ngân hàng Silicon Valley có mối quan hệ với hơn 1.500 công ty đang nghiên cứu các công nghệ nhằm hạn chế sự nóng lên toàn cầu.

Minh An

Bạn có thể quan tâm