Hạt mãng cầu rơi vào đường thở khiến bé trai bị viêm phổi, suy hô hấp nặng. Ảnh: Shutterstock. |
Bé gái 14 tháng tuổi đang ăn dặm thì hạt mãng cầu rơi vào đường thở, được người nhà đưa đến Trung tâm y tế huyện rồi chuyển đến Bệnh viện tỉnh Sóc Trăng, sau đó chuyển lên Bệnh viện Nhi Cần Thơ.
Tại đây, bệnh nhi được ghi nhận có tình trạng viêm phổi nặng, suy hô hấp, tràn khí màng phổi nặng nên được đặt nội khí quản, dẫn lưu màng phổi giải áp và chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM). Trong suốt quá trình di chuyển, bệnh nhi được trợ thở qua nội khí quản, bóp bóng, dùng 3 liều thuốc trợ tim.
Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốc bệnh viện, cho biết sinh hiệu của trẻ rất mong manh, việc nội soi gắp dị vật là một thách thức lớn. Tuy nhiên, bác sĩ không thể trì hoãn gắp dị vật vì SpO2 (độ bão hòa oxy máu) của bệnh nhân chỉ đạt 60-70%, có xu hướng giảm dần gây ngưng tim, phổi phải không nghe thông khí, gần như xẹp toàn bộ.
Các bác sĩ quyết định nội soi cấp cứu nhanh. Sau 40 phút mới lấy được dị vật ra. Trong quá trình nội soi gắp dị vật, bệnh nhi giảm nhịp tim nhiều lần do biến chứng tràn khí nhiều, xẹp phổi và dày dính nhiều mô phổi do dị vật gây ra.
Hạt mãng cầu được các bác sĩ gắp ra từ đường thở của bệnh nhi. Ảnh: BVCC. |
Sau khi soi gắp dị vật ra khỏi đường thở, thông khí phổi phải của bé đã cải thiện tốt, SpO2 đạt 94-96%. Sau hơn một tuần, trẻ cải thiện tràn khí, viêm phổi, tuần hoàn, cai được máy thở, giảm nhiễm trùng phổi và tiếp tục được theo dõi sát tình trạng sức khỏe.
Theo bác sĩ chuyên khoa II Võ Thành Nhân, điều hành khoa Hô Hấp, trẻ ở độ tuổi ăn dặm, ăn thô chưa sành sõi, phụ huynh không nên cho trẻ tự ăn các loại hạt hoặc thạch, nhất là những trẻ dưới 5 tuổi. Bên cạnh đó, phụ huynh không nên cho trẻ tự ăn một mình mà cần phải có sự giám sát của người lớn, không cho trẻ đùa giỡn chạy nhảy khi ăn, hạn chế và trông coi kĩ khi trẻ chơi các loại đồ chơi nhỏ như lego, hạt, vòng, vật sắc nhọn.
Vào mùa hè, trẻ không đi học là thời điểm gia tăng các tai nạn như đuối nước, bỏng, uống nhầm hoá chất, hóc dị vật... Ngoài ra, do hệ miễn dịch của trẻ rất yếu, nên khi đi chơi xa, môi trường sống thay đổi sẽ rất dễ mắc các bệnh như cảm cúm, sốt, tay chân miệng, tiêu chảy... Do đó, phụ huynh cần quan tâm và theo dõi trẻ thường xuyên, để tránh sự cố đáng tiếc xảy ra.
Cuốn sách Bác sĩ tốt nhất của nhà mình (Nhà xuất bản Công Thương liên kết công ty Cổ phần Sách Thái Hà Books) tham dự Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ năm. Giải thưởng dự kiến trao vào đầu tháng 10.