Khoảng 7h, chị Lý Huỳnh Như (27 tuổi, quê Tây Ninh) được đẩy từ khoa Gan - Mật - Tụy và Ghép gan, Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) xuống khoa Phẫu thuật - Gây mê hồi sức để chuẩn bị cho ca mổ. Chị Như là mẹ ruột bé Biện Hoàng Anh Quân (15 tháng tuổi) - bị teo đường mật bẩm sinh, biến chứng suy gan cấp độ nặng. Để Quân tiếp tục sống, chị Như tình nguyện hiến một phần gan cứu con trai. |
Trước khi chính thức bước vào ca phẫu thuật, chị Như được gây tê màng cứng rồi gây mê. Ê-kíp chịu trách nhiệm gây mê hồi sức cho người mẹ đều là các bác sĩ đến từ nhiều bệnh viện lớn và 2 trường đại học y tại TP.HCM. |
Khoảng 8h30, sau khi chị Như được gây mê hoàn toàn, TS.BS Trần Thanh Trí, Trưởng khoa Gan - Mật - Tụy và Ghép gan, rạch nhát dao đầu tiên vùng giữa 2 xương sườn, bắt đầu quá trình lấy gan hiến của người mẹ. |
Trong khi đó, ở phòng bên cạnh, bé Anh Quân đang được các điều dưỡng đưa vào, chuẩn bị gây mê. Bệnh teo đường mật bẩm sinh khiến em bị suy gan nặng, nước da vàng sẫm, bụng báng lớn. Không có người thân bên cạnh, bé Quân sợ hãi, khóc to. Ba điều dưỡng bên cạnh liên tục nói chuyện, vỗ về cậu bé. Trước khi lên bàn mổ ghép gan, Quân từng làm phẫu thuật Kansai thông ống mật tạm thời trước đó. Đây là chỉ định bắt buộc với các bệnh nhi mắc căn bệnh này. |
Đúng 9h50, ê-kíp phẫu thuật người nhận với sự điều hành của bác sĩ chuyên khoa II Bùi Hải Trung, Phó khoa Gan - Mật Tụy và Ghép gan, bắt đầu những công đoạn đầu tiên. Đối với những trường hợp suy gan nặng, cần ghép tạng như bé Quân, gan đã hư hại nhiều, các bác sĩ phải cắt bỏ bộ phận này hoàn toàn và ghép gan mới từ người cho. |
Bệnh teo đường mật bẩm sinh khiến gan bệnh nhi bị ứ mật. Dịch mật không được đào thải ra ngoài dẫn đến tình trạng xơ gan rất nặng, gan phình to, lợn cợn những vệt vàng vì nhiễm độc. Quá trình lấy gan diễn ra trong khoảng 4 giờ. Các bác sĩ phải tỉ mỉ từng chút một để tách từng phần của lá gan mà không ảnh hưởng đến các mạch máu và bộ phận xung quanh. |
Tại phòng phẫu thuật cho người mẹ, các bác sĩ phát hiện gan chị Như có một vấn đề nhỏ ở mạch máu. Ngay lập tức, bác sĩ chỉ định chụp X-quang trong phòng mổ để hội chẩn nhanh. Người cùng đánh giá với bác sĩ Trí là Giáo sư phẫu thuật Raymond R.E. Reding, Đại học Công giáo Louvain (Bỉ). Đây là đơn vị đã đồng hành và chuyển giao kỹ thuật ghép tạng cho Bệnh viện Nhi đồng 2 từ những ca ghép đầu tiên hồi 2005. |
Sau hơn 7 giờ từ khi bắt đầu ca mổ, một phần gan người cho đã được lấy ra khỏi cơ thể. Phần gan này sau đó được làm sạch rất kỹ bằng các dung dịch chuyên dụng để đảm bảo đủ điều kiện ghép cho người nhận. Tại phòng bên cạnh, gan hỏng cũng được lấy ra khỏi cơ thể bé Quân 10 phút sau đó. Bé Quân cũng sẵn sàng nhận gan mới từ mẹ. |
Phần gan ghép vào của người mẹ nhỏ hơn hẳn, chỉ bằng 1/2 so với lá gan cũ của bé Quân. Theo các bác sĩ, khối lượng gan ghép vào đã được tính toán hợp lý, phù hợp với cơ thể hiện tại của trẻ. Sau này, gan ghép cũng sẽ phát triển lớn dần theo quá trình trưởng thành của bé. |
Vì các tĩnh mạch gan trẻ em rất nhỏ, chỉ bằng đầu que tăm, các bác sĩ phải sử dụng kính vi phẫu để nối ghép chính xác mạch máu người cho và người nhận. Ghép gan nhi được đánh giá là một trong những kỹ thuật ghép tạng khó nhất vì trong gan có rất nhiều mạch máu cần phải nối liền. Bên cạnh đó, bệnh nhi càng bé, mạch máu càng nhỏ, độ khó vì thế cũng tăng lên gấp bội. |
Ê-kíp phẫu thuật gần như nín thở theo dõi kết quả siêu âm ổ bụng từ các bác sĩ Chẩn đoán hình ảnh. Sau khi nhóm phẫu thuật viện nối xong mỗi phần, nhóm bác sĩ Chẩn đoán hình ảnh sẽ siêu âm, xem xét mức độ thông suốt của các mạch máu, đường mật. Quá trình này diễn ra nhiều lần nhằm phát hiện và đảm bảo không có tình trạng tắc mạch, dẫn đến biến chứng hư hại gan sau ghép. |
Hơn 18h, các bác sĩ vẫn miệt mài trong phòng phẫu thuật, hoàn thành những mũi khâu đóng ổ bụng cuối cùng. Ghép tạng là phương pháp điều trị phẫu thuật thay thế cơ quan bệnh bằng cơ quan tương ứng của người khác. Đây được coi là biện pháp điều trị cuối cùng, mang lại sự sống cho các bệnh suy chức năng tạng giai đoạn cuối, không còn khả năng điều trị bảo tồn. |
Khi ca ghép thành công, không có biến chứng, tỷ lệ sống sót của bé có thể lên tới 90% nếu tuân thủ uống thuốc ức chế miễn dịch suốt đời. Ngoài ra, chi phí cho ca mổ gia đình bé có thể phải trả rơi vào 300-400 triệu đồng, chiếm 2/3 tổng chi phí. 1/3 chi phí còn lại đã được bảo hiểm y tế thanh toán. |
Bác sĩ là một công việc bận rộn, nhiều áp lực song không ít "thiên thần áo trắng" làm việc tại bệnh viện vẫn dành tình yêu cho sách, cho việc sáng tác những tác phẩm của riêng mình.
Từ những kiến thức y khoa được chia sẻ một cách dễ hiểu, gần gũi, cung cấp kiến thức chăm sóc sức khỏe uy tín cho độc giả đến những câu chuyện đời, chuyện nghề tự mình chứng kiến và trải nghiệm, nhiều bác sĩ đã tạo nên những cuốn sách giàu giá trị, được đánh giá cao.