Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mini Magazine

Chi tiền tỷ đi Nhật chữa ung thư

Với quan điểm Nhật Bản chữa ung thư sẽ tốt hơn, nhiều người bị ung thư đã lựa chọn sang đây chữa bệnh. Từ đó, dịch vụ đưa người sang Nhật chữa ung thư cũng nở rộ.

dieu tri ung thu anh 1dieu tri ung thu anh 2

Người đàn ông 60 tuổi nhận chẩn đoán ung thư dạ dày giai đoạn III, được các bác sĩ Việt Nam đề nghị mổ cắt dạ dày và hoá trị bổ trợ sau mổ để giảm khả năng tái phát. Tuy nhiên, qua một đơn vị môi giới y tế, bệnh nhân chọn sang Nhật để truyền tế bào miễn dịch tự thân giúp chữa khỏi bệnh mà không đau, không cần phải mổ.

Chi phí cho hành trình rời Việt Nam, sang nước ngoài "tìm con đường sống" của ông được báo giá khoảng 1 tỷ đồng.

Bỏ ra số tiền không nhỏ, nhưng hành trình chữa bệnh trên đất Nhật vốn không dễ dàng. Nỗi đau bệnh tật cùng sự kiệt quệ kinh tế khiến bệnh nhân rơi vào hố sâu tuyệt vọng.

Vì sao người Việt chọn sang Nhật

Theo thống kê tại Nhật Bản, số người Việt sang Nhật Bản với visa y tế đã tăng mạnh trong 5 năm qua và hiện đạt mốc 549 người/năm. Dù con số này còn khiêm tốn so với số người Trung Quốc sang Nhật chữa bệnh, đây là tín hiệu cho thấy xứ sở Phù Tang là điểm đến mới về khám, chữa bệnh cho người Việt.

Theo một khảo sát ở những bệnh nhân nước ngoài sang Nhật Bản điều trị ung thư, một trong những lý do mà họ chọn gồm cơ sở vật chất hiện đại với các phương pháp điều trị tiên tiến. Quy trình chăm sóc tổng thể người bệnh và có tỷ lệ sống sót sau điều trị cao.

Chi phí điều trị ung thư tại Nhật Bản nhìn chung thấp hơn so với các quốc gia tiên tiến khác. Ví dụ, một ca mổ cắt ung thư dạ dày giai đoạn II, nằm viện 1-2 tuần, thường tốn chi phí tầm 150 vạn yên (tương đương 250 triệu đồng).

Người Nhật được bảo hiểm y tế trả, số tiền bỏ ra thường khoảng 45 vạn yên (72 triệu đồng). Trong khi người không sống ở Nhật thường phải chi trả gấp 3-4 lần con số này.

dieu tri ung thu anh 3

Người dân xếp hàng chờ khám ung bướu tại TP.HCM. Ảnh: Duy Hiệu.

Những cạm bẫy

Mặc dù đã có nhiều người sang Nhật điều trị khỏi bệnh ung thư, cũng có một số trường hợp tiền mất tật mang vì du lịch chữa bệnh ở Nhật.

Trở lại câu chuyện của nam bệnh nhân 60 tuổi mắc ung thư dạ dày giai đoạn III và bỏ ra chi phí khoảng 1 tỷ VND sang Nhật. Khi đến nơi, ông chỉ được đưa đến một phòng khám tọa lạc trong khách sạn sang trọng tại Tokyo.

"Tôi sẽ tiêu diệt sạch tế bào ung thư trong vòng 6 tháng"

Thế nhưng, sau khi hoàn tất điều trị, bệnh của ông vẫn không cải thiện

Bác sĩ phụ trách giải thích về phương án điều trị, bắt đầu từ việc lấy máu và tách một số tế bào miễn dịch ra máu để nuôi cấy. Đây là công đoạn tốn nhiều tiền nhất, với mức chi phí hơn 600 triệu đồng. Người bệnh cần chờ hơn 2 tuần để người ta nuôi cấy tế bào. Sau đó, các tế bào này được truyền lại vào cơ thể người bệnh để tự tìm đến và tiêu diệt ung thư.

Trong thời gian này, bệnh nhân than phiền về những cơn đau dạ dày nhưng bác sĩ chỉ cho thuốc giảm đau thông thường và nói rằng "ung thư thì phải đau như vậy".

Mặc dù vị bác sĩ này khẳng định chắc nịch "Tôi sẽ tiêu diệt sạch tế bào ung thư trong vòng 6 tháng". Thế nhưng, sau khi hoàn tất điều trị, bệnh của ông vẫn không cải thiện.

Trở về Việt Nam và đánh giá 6 tháng sau, người đàn ông hụt hẫng vì ung thư đã di căn phúc mạc, tức bệnh đã sang giai đoạn IV.

Một trường hợp khác là nữ bệnh nhân 56 tuổi, không may nhận chẩn đoán ung thư phổi giai đoạn IV. Dựa theo đặc điểm khối u, các bác sĩ tại Việt Nam đã tư vấn điều trị bằng thuốc miễn dịch (thuốc ức chế điểm kiểm soát miễn dịch Pembrolizumab) kết hợp với hoá trị thường quy.

Sau 6 tháng điều trị, bệnh được đẩy lùi một phần nhưng bệnh nhân vẫn mệt mỏi và lo lắng.

Qua quảng cáo trên mạng, bệnh nhân tìm hiểu về điều trị miễn dịch tự thân và quyết định sang Nhật với hỗ trợ của một đơn vị môi giới y tế. Sau khi hoàn tất liệu trình tại một phòng khám ở Osaka với giá tổng cộng khoảng 800 triệu đồng, bà thấy thấy thể trạng không khá hơn, thậm chí còn bị sốt và ho nhiều hơn.

Bà không về lại Việt Nam ngay mà nán ở lại để tìm thêm chăm sóc từ một cơ sở y tế khác tại Nhật. Tuy nhiên, sau gần 2 tuần tìm kiếm, vẫn không có bệnh viện nào chịu nhận điều trị.

Qua một số người mới quen tại Nhật, cuối cùng, bệnh nhân được gặp một bác sĩ chuyên khoa ung thư tại Kyoto để xin ý kiến thứ hai.

Tại đây, bà được biết cách điều trị ở Việt Nam là đúng và bác sĩ Nhật cũng sẽ làm như vậy, kèm thêm một số lời khuyên để giảm triệu chứng khó chịu.

Trong khi đó, phương pháp điều trị miễn dịch tự thân mà bà vừa thực hiện thật ra không có bằng chứng khoa học về hiệu quả và các Hiệp hội chuyên khoa kêu gọi thận trọng, không nên đầu tư vào vì có thể bỏ lỡ các điều trị khác.

Theo lời bác sĩ, bà trở lại Việt Nam để tiếp tục điều trị với thuốc miễn dịch sau gần 2 tháng bỏ dở. Tuy nhiên, căn bệnh tiến triển, sau thời gian chống chọi, bà đã qua đời.

dieu tri ung thu anh 4

Bên trong phòng xạ trị cho bệnh nhân ung thư ở TP.HCM. Ảnh: Khương Nguyễn.

Từ những câu chuyện đau lòng trên, tôi nhận thấy nhiều người Việt lựa chọn sai lầm vì không hiểu đúng về điều trị ung thư. Mặc dù có nhiều phương pháp chữa ung thư khác nhau, mỗi tình huống ung thư (tuỳ theo loại bệnh, giai đoạn bệnh,...) sẽ có một vài lựa chọn điều trị tối ưu và đã được chứng minh hiệu quả ở rất nhiều ca bệnh.

Dựa vào những số liệu khoa học đó, các hiệp hội y khoa đồng ý đó là điều trị tiêu chuẩn (tốt nhất mà nhân loại biết tới) và bảo hiểm y tế các nước đồng chi trả để phổ biến đại trà, giúp nhiều người bệnh được hưởng lợi.

Đổ tiền tỷ vào "phòng khám tự do"

Tại Nhật Bản, tất cả bệnh nhân ung thư đều được bảo hiểm đồng chi trả 70-90% chi phí điều trị để tiếp cận phương pháp tiêu chuẩn này tại các bệnh viện vừa và lớn tại ở tỉnh, thành.

Điều trị tại các bệnh viện chính thống này còn có lợi điểm là được hội chẩn đa chuyên khoa nên cách điều trị ít bị “lệch chuẩn". Trong đó, các bác sĩ sẽ đặt lợi ích về sức khỏe của bệnh nhân lên hàng đầu chứ không chạy theo lợi nhuận nhờ triển khai phương pháp điều trị đó. Quy trình chăm sóc cũng được kiểm soát độc lập và nghiêm ngặt hơn, góp phần mang lại chất lượng cao nhất cho người bệnh.

Giới chuyên môn và Chính phủ Nhật Bản đã nhiều lần cảnh báo về những cạm bẫy trong điều trị tự do, không khuyến khích bệnh nhân đầu tư nhiều tiền cho những liệu pháp không/chưa rõ hiệu quả

Trong khi đó, Nhật Bản vẫn cho phép một số phòng khám tự do thực hiện các phương pháp điều trị không chính thống theo nguyện vọng/quan điểm của bệnh nhân, bao gồm điều trị miễn dịch tự thân, vaccine ung thư, liệu pháp tế bào tua gai, tế bào iNK,... và nhiều thứ khác.

Vì chưa đủ bằng chứng khoa học, những phương pháp này sẽ không được bảo hiểm đồng chi trả (tức bệnh nhân tự trả 100% chi phí). Nếu gặp biến chứng khi thử nghiệm, người bệnh cũng không được bảo hiểm y tế hỗ trợ chữa trị.

Ngoài ra, các bác sĩ phụ trách cũng thường không có chuyên môn về điều trị ung thư, thường làm việc tại phòng khám đơn độc (hoặc với 2-3 bác sĩ khác) trong quy trình chăm sóc không được kiểm tra chặt chẽ như ở bệnh viện chính thống.

Giới chuyên môn và Chính phủ Nhật Bản đã cảnh báo trên nhiều phương tiện truyền thông về những cạm bẫy trong điều trị tự do, nhấn mạnh rằng không nên khuyến khích bệnh nhân đầu tư nhiều tiền cho những liệu pháp không/chưa rõ hiệu quả.

Một chương trình trên đài NHK cũng vừa nêu rõ các quan ngại về quản lý chất lượng, các dấu hiệu lừa đảo tại các phòng khám tự do này.

Tuy nhiên, nhiều bệnh nhân Việt Nam không phân biệt được đâu là điều trị tiêu chuẩn, đâu là điều trị tự do vì không được tiếp cận với các bác sĩ chuyên môn tại Nhật Bản.

dieu tri ung thu anh 5

Bệnh nhân truyền hoá chất điều trị ung thư tại Trung tâm Ung bướu, Bệnh viện Chợ Rẫy. Ảnh: Duy Hiệu.

Vì tâm lý lo lắng hoặc kỳ vọng quá mức, người bệnh tìm đến các công ty môi giới và được gấp rút đưa sang phòng khám tự do, không tới đúng kênh chính thống như các bệnh viện đại học hay trung tâm ung thư uy tín.

Vì điều trị sai chỗ, nhiều bệnh nhân ung thư tốn tiền tỷ nhưng vẫn phải về nước trong tình trạng bệnh nặng hơn.

dieu tri ung thu anh 6

TS.BS Phạm Nguyên Quý, Trưởng khoa Ung thư Nội khoa, Bệnh viện Trung ương Kyoto Miniren, Nghiên cứu viên Khoa Y Đại học Kyoto.

Lời khuyên cho bệnh nhân ung thư tại Việt Nam

Khi bị ung thư, việc hiểu rõ căn bệnh và tình trạng sức khỏe hiện nay là rất quan trọng. Đó là vì mỗi bệnh nhân là một tình huống khác nhau mà điều trị cần cá thể hoá để phù hợp với mỗi người.

Không có liệu pháp ung thư nào hiệu quả cho tất cả ca bệnh hay áp dụng giai đoạn nào cũng tốt như các điều trị tự do hay quảng cáo. Việc kể ra vài (thậm chí vài chục) trường hợp thành công không phải là lập luận khoa học để minh chứng cho hiệu quả của một phương pháp.

Tuy nhiên, trên thực tế, có rất nhiều bệnh nhân ung thư và người thân có lo lắng về chiến lược hoặc kế hoạch điều trị, một phần vì thiếu hiểu biết hoặc thiếu giải thích chi tiết từ bác sĩ phụ trách.

Vì điều trị sai chỗ, nhiều bệnh nhân ung thư tốn tiền tỷ nhưng vẫn phải về nước trong tình trạng bệnh nặng hơn

Việc tìm thêm ý kiến thứ hai tại Việt Nam, hoặc tại nước ngoài như Nhật Bản, là nhu cầu tự nhiên và là quyền lợi của bệnh nhân. Xin ý kiến thứ hai, thậm chí thứ ba, của bác sĩ chuyên khoa đang dần trở nên phổ biến và góp phần cung cấp thêm thông tin, giúp bệnh nhân an tâm hơn trong quá trình điều trị.

Đối với những bệnh nhân muốn tìm hiểu cách điều trị ung thư tốt tại Nhật Bản, xin lưu ý rằng bệnh viện ở Nhật thường từ chối khám, chữa bệnh nếu thấy khó giúp ích cho người bệnh. Không có nhiều bệnh viện chính thống của Nhật nhận điều trị cho bệnh nhân nước ngoài vì rào cản ngôn ngữ, văn hoá và các yếu tố xã hội khác.

Vì thế, việc khám, chữa bệnh ung thư tại Nhật thường bắt đầu bằng việc tìm bệnh viện/bác sĩ chuyên khoa khám (online) trước và việc đặt hẹn thường mất 1-2 tuần. Nếu bác sĩ Nhật thấy bệnh nhân ở đúng tình huống mà bệnh viện đó có thể điều trị tốt, có khả năng chi trả thì mới đồng ý chữa và tiến hành làm thủ tục xin visa y tế.

Khả năng chi trả là yếu tố quan trọng vì chi phí điều trị cho người nước ngoài sang Nhật thường cao gấp 3-4 lần chi phí mà người bản xứ phải bỏ ra khi không có bảo hiểm hỗ trợ. Nếu số tiền bỏ ra quá lớn trong khi hiệu quả kỳ vọng được không cao thì bệnh viện Nhật thường khuyên không nên sang đây điều trị.

Vì vậy, việc đầu tiên cần làm là tìm tới đơn vị môi giới y tế đúng chuẩn mực, để được kết nối với bệnh viện chính thống. Gần đây, một số bệnh viện Nhật Bản triển khai hình thức tư vấn online để bệnh nhân có thông tin chính xác hơn về những gì có thể kỳ vọng ở y tế Nhật, tránh đi nhầm nơi và tốn thêm tiền bạc lẫn thời gian.

Có 3 tiêu chí để lựa chọn đơn vị môi giới y tế tốt:

1. Có bác sĩ/điều dưỡng giúp sàng lọc và tư vấn

Vì các bệnh viện chính thống của Nhật chỉ nhận khám, chữa khi có đầy đủ hồ sơ bệnh án, việc chuẩn bị các thông tin này là rất quan trọng. Do bệnh nhân Việt Nam hay gặp tình trạng hồ sơ bệnh án không đầy đủ, thiếu lẫn thừa kết quả xét nghiệm, nên tìm tới những môi giới y tế có bác sĩ/điều dưỡng am hiểu y tế Nhật để được hỗ trợ làm hồ sơ dù việc này có thể tốn 5-7 ngày.

2. Không hối thúc người bệnh

Một số môi giới y tế dù chưa có đủ thông tin về bệnh tình nhưng lại hối thúc bệnh nhân “đi nhanh lên kẻo muộn” và hứa hẹn cứ sang Nhật rồi sẽ tìm được nơi điều trị.

Trên thực tế, nhiều trường hợp không kết nối được bệnh viện chính thống để thăm khám hoặc điều trị vì không đủ thông tin bệnh sử và kết quả xét nghiệm. Một số trường hợp môi giới dùng giải pháp tình thế là dẫn bệnh nhân sang phòng khám tư theo liệu pháp tự do (không chính thống) như truyền tế bào gốc, liệu pháp miễn dịch tự thân… Vì thế, môi giới tốt luôn coi trọng yếu tố chất lượng, không lược bỏ quy trình và không hối thúc phải đi ngay.

3. Có mạng lưới hỗ trợ - kết nối sau khi điều trị

Vì bệnh nhân có thể gặp các vấn đề về sức khỏe sau khi về nước hoặc thậm chí ngay sau khi xuất viện, việc có hệ thống hỗ trợ y khoa liên tục là rất quan trọng. Dù không bắt buộc, bệnh nhân và người thân nên hỏi đơn vị môi giới về sự sẵn có của mạng lưới này để yên tâm hơn khi điều trị lẫn sau khi kết thúc điều trị.

Ngoài ra, xin nhắc lại câu hỏi quan trọng để phán đoán điều trị nào là tốt ở Nhật: “Nếu bệnh nhân là người Nhật thì bảo hiểm y tế có đồng chi trả cho phương pháp này hay không?”

Đây là câu đơn giản nhưng tối quan trọng khi cân nhắc đầu tư vì điều trị tốt ở Nhật là điều trị mà người bệnh Nhật Bản sẽ được bảo hiểm y tế đồng chi trả để tiếp cận. Bệnh nhân/người thân cũng nên lưu lại các giấy tờ giải thích bệnh tình, cách điều trị của bác sĩ Nhật (kèm giấy đồng ý điều trị, nếu có) để làm bằng chứng pháp lý về sau hoặc hỏi thêm ý kiến khi cần.

Tóm lại, dù Nhật Bản là điểm đến tiềm năng về du lịch khám chữa bệnh, bệnh nhân/khách hàng cần tìm hiểu hệ thống y tế và yếu tố văn hoá tại đất nước này.

Vì có nhiều thông tin sai lệch và quảng cáo quá mức về hiệu quả của điều trị tự do tại Nhật Bản như liệu pháp miễn dịch, trị liệu tế bào gốc... làm nhiều người tiền mất tật, bệnh nhân cần tìm đúng môi giới để lựa chọn khôn ngoan và không lạc lối.

Tác giả: TS.BS Phạm Nguyên Quý hiện là Trưởng khoa Ung thư Nội khoa, Bệnh viện Trung ương Kyoto Miniren, Nghiên cứu viên Khoa Y Đại học Kyoto.

Súng, vi trùng và thép

Trong lịch sử loài người, đậu mùa, cúm, lao, sốt rét, dịch hạch, sở và dịch tả đều là những bệnh truyền nhiễm tiến hóa từ căn bệnh ở loài vật.

Đến nay, ta lần ngược về lịch sử để xem sản xuất lương thực đã nảy sinh như thế nào ở một ít trung tâm và từ đó đã bành trướng nhanh chậm khác nhau đến thế nào sang các khu vực khác. Những khác biệt địa lý đó chính là lời đáp hệ trọng và tối hậu cho câu hỏi của Yali về việc tại sao dân tộc này lại khác dân tộc khác đến vậy về sức mạnh và sự dồi dào sung túc.

Cuốn sách Súng, vi trùng và thép là lược sử về các xã hội của loài người trong khoảng 13.000 năm trở lại đây. Tác giả tập trung tìm lời giải cho câu hỏi: “Tại sao lịch sử đã diễn ra trên mỗi châu lục một khác?”.

Cảnh bác sĩ 'biến hóa' cơ lưng làm ngực cho nữ bệnh nhân

Ca phẫu thuật tái tạo giữ lại "biểu tượng nữ tính" của người bệnh ung thư, được thực hiện ngay khi bác sĩ cắt bỏ hoàn toàn tuyến vú.

Ai co nguy co mac viem phoi? hinh anh

Ai có nguy cơ mắc viêm phổi?

0

Các yếu tố nguy cơ của bệnh viêm phổi bao gồm người có hệ miễn dịch yếu, người lớn tuổi, mắc bệnh phổi mạn tính hoặc thường xuyên hút thuốc, tiếp xúc với ô nhiễm không khí.

TS.BS Phạm Nguyên Quý

Bạn có thể quan tâm