Sự việc một bé trai sơ sinh được tìm thấy bên cạnh hố ga ngoài trời. Bé không được mặc quần áo, toàn thân tím tái, kiến và ấu trùng xâm nhập. Trước đó một tuần, tại TP.HCM, một bé trai được người dân địa phương tìm thấy trong tình trạng tương tự ở ven đường. Tuy nhiên, hai bé vẫn sống sót thần kỳ và đang được các bác sĩ nỗ lực cứu chữa.
Kỳ diệu
Khoảng 15h ngày 8/6, người dân khu vực xã Thanh Mỹ, thị xã Sơn Tây (Hà Nội) phát hiện một cháu bé sơ sinh chỉ vài ngày tuổi bị bỏ rơi dưới một hố ga bỏ hoang.
Bé được người dân tìm thấy nhờ tiếng khóc yếu ớt. Tại bệnh viện, các bác sĩ bước đầu xác định còn cơ hội cứu chữa đôi mắt của bé. Bệnh viện đã làm thủ tục chuyển bé lên tuyến trên là Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn. Cậu bé được bác sĩ đặt tên Nguyễn Văn An. Sau ngày điều trị, An may mắn giữ được đôi mắt.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), cho biết phải tìm hiểu kỹ hồ sơ bệnh án và tổng trạng ban đầu của bé mới có thể đưa ra nhận định khách quan. Tuy nhiên, không thể phủ nhận, đứa trẻ này có sức sống rất kỳ diệu.
Bé Nguyễn Văn An bị mẹ ruột bỏ rơi ở hố ga dẫn đến tình trạng nguy kịch, toàn thân tím tái. Ảnh: BVCC. |
“Một đứa trẻ sơ sinh bình thường, nếu bị bỏ đói trong thời gian dài sẽ xảy ra tình trạng co giật do hạ đường huyết. Nếu năng lượng dữ trữ cạn kiệt, trẻ sẽ tử vong. Trường hợp này, tôi cũng bất ngờ tại sao đứa bé này lại không bị hạ đường huyết”, bác sĩ Khanh nói thêm.
Tiên lượng và sự hồi phục của bệnh nhi này, bác sĩ Khanh cho biết phải căn cứ theo mức độ tổn thương của bé. Nếu vùng tổn thương do ấu trùng, kiến gây ra ở chỉ kết mạc hay niêm mạc ngoài da, bé sẽ không bị ảnh hưởng đến tầm nhìn. Ở ống tai, nếu bé chỉ bị tổn thương ở vành tai, niêm mạc thì thính lực sẽ không bị ảnh hưởng sau này .
“Nếu không tổn thương mắt và tai, tình trạng nhiễm trùng được khống chế, bé có thể khoẻ mạnh, hồi phục tốt”, bác sĩ Khanh tiên lượng.
Bác sĩ Khanh cho biết mối nguy hiểm nhất khi một trẻ sơ sinh bị bỏ rơi thời gian dài là hạ đường huyết, sau đó bị nhiễm trùng. Tuy nhiên, về thời gian có thể sống sót, ông cho rằng tuỳ theo thể trạng, cơ địa và năng lượng dữ trữ của mỗi bé.
Về khả năng một em bé có thể sống mà không được ăn uống, trong điều kiện bị bỏ rơi ở nhiệt độ ngoài trời Hà Nội gần 40 độ C, TS.BS Nguyễn Hữu Trung, giảng viên Bộ môn Phụ sản, Đại học Y dược TP.HCM, ông chưa thấy trường hợp nào như vậy. “Đây là điều kỳ diệu”, ông nói.
Con người nói riêng và với động vật vừa chào đời đều có bản năng sinh tồn. Riêng trường hợp trẻ sơ sinh bị bỏ rơi, có thể lý giải là trẻ sơ sinh có nhu cầu về dinh dưỡng ít hơn so với người lớn, nên có khả năng sống sót cao.
BSCKII Dương Thị Kim Loan, Trưởng khoa Dinh dưỡng lâm sàng, Bệnh viện Thống nhất TP.HCM, cho biết may mắn, cả hai bé sơ sinh đều được phát hiện kịp thời.
Thông thường, trẻ khi mới sinh cần bú sữa mẹ theo nhu cầu. Trung bình trẻ cần 100 kcal/ 1 kg, nghĩa là trẻ nặng 3 kg sẽ cần 300 kcal năng lượng, tương đương 400-500 ml sữa.
Trẻ sinh ra có khoảng 60-70% cơ thể là nước, ngoài ra còn có lượng cơ, xương, mỡ... đây sẽ là nguồn chuyển hoá năng lượng nuôi sống cơ thể bé. Khi không được ăn, uống trong thời gian dài, thận bé sẽ ức chế lượng nước tiểu bài tiết để duy trì sự sống cho cơ thể.
Đối với em bé sơ sinh bị bỏ rơi trong trường hợp này, cũng có cơ chế tương tự. Việc cân đối bài tiết, tăng cường chuyển hoá đã giúp bé có thể tự nuôi sống cơ thể bé. May mắn, sau 3 ngày bé đã may mắn được tìm thấy.
Theo bác sĩ Loan, sữa non có hàm lượng kháng thể IgA rất cao. Khi trẻ được bú sữa mẹ, kháng thể từ người mẹ sẽ truyền qua cho trẻ. Nguồn dinh dưỡng này giúp cung cấp năng lượng, hệ thống miễn dịch và đường tiêu hoá của trẻ.
Bác sĩ Loan khuyến cáo đối với trẻ nhịn đói lâu ngày, khi tiếp cận bé, cần nuôi theo lượng sữa vừa phải, không nên cho bé bú lượng đủ với cân nặng mà phải ít hơn nhu cầu thực tế.
Nếu cung cấp nhiều hơn hoặc đủ nhu cầu, bé có thể gặp hội chứng nuôi ăn lại, khiến bé bị rối loạn chuyển hoá, thở nhanh, rối loạn điện giải... có thể dẫn đến tử vong.
Nếu nhịn ăn nhiều ngày, trẻ cần được cho ăn lượng ít khoảng 30-40 ml sữa mỗi lần bú, chia thành nhiều cử, từ 6-8 cử/ngày.
Bất công
Với kinh nghiệm làm việc ở phòng khám sản khoa, TS Trung cho biết ông từng chứng kiến nhiều cặp vợ chồng không thể có con dù đã điều trị bằng mọi phương pháp. Họ từ kiên trì điều trị đến chấp nhận xin con nuôi và yêu thương đứa trẻ như con ruột.
Tuy nhiên, người may mắn có con nhưng do hoàn cảnh gia đình, vì ngoài ý muốn, trầm cảm sau sinh… họ đi đến quyết định nông nỗi và đành lòng vứt bỏ “núm ruột” của mình. Trong khi một đứa con lại là khát khao của những cặp vợ chồng khác. “Đó là sự bất công của cuộc đời”, ông tâm sự.
Hai ngày sau khi bé trai ở Sơn Tây nhập viện, cơ quan chức năng đã tìm được người phụ nữ vứt bỏ bé. Tại cơ quan công an, người mẹ 31 tuổi trần tình vì hoàn cảnh kinh tế khó khăn, chưa lập gia đình, chị đã vứt bỏ bé trai ở cạnh hố ga phía sau đền Mẫu. Tại TP.HCM, mẹ của bé trai bị bỏ rơi vẫn chưa tìm được.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc người mẹ nhẫn tâm vứt bỏ trẻ sơ sinh. Ảnh: Thinkstock Photos. |
TS Trung cho rằng câu chuyện người mẹ vứt bỏ trẻ sơ sinh, kể cả việc bỏ đứa trẻ trong những địa điểm nguy hiểm, bất chấp mạng sống của bé không phải trường hợp hiếm. Có những bà mẹ vì giây phút nông nỗi, đành lòng vứt bỏ đứa trẻ vừa mới sinh, khiến bé rơi vào tình trạng nặng nề.
Điều này hết sức đau lòng và đáng thương cho đứa trẻ. Nếu may mắn được y học cứu sống, sự phát triển về mặt thể chất, tinh thần về sau của bé rất khó nói. Phía người mẹ, có thể họ sẽ ám ảnh và day dứt lương tâm suốt đời.
Ngoài ra, TS Trung cho biết nguyên nhân khiến những đứa trẻ rơi vào hoàn cảnh này thường xuất phát từ tâm lý người mẹ. Có những người bị trầm cảm, san chấn tinh thần trước khi sinh, trong và sau sinh. Do đó, vấn đề làm sao để phát hiện sớm những trường hợp trầm cảm, tìm hiểu nguyên nhân để kịp thời ngăn chặn họ có hành động nguy hiểm.
“Đó là cách tốt nhất giúp những đứa trẻ vừa mới sinh không phải chịu những tổn thương không đáng có hay bị bỏ rơi”, TS Trung nói.