Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bé trai 11 tuổi phát dại rồi tử vong sau 3 tháng bị chó cắn

Bị chó dại cắn, bé trai 11 tuổi được gia đình cho uống thuốc nam và không tiêm vaccine.

Virus lây truyền bệnh dại tồn tại trong nước bọt của chó. Ảnh: nolancountyhealth.

Bé N.V.P. (11 tuổi, Thanh Chương, Nghệ An) bị con chó nghi mắc bệnh dại cắn vào cẳng tay trái. Sau đó, con vật này đã bị người trong làng đánh chết.

2 ngày sau, bệnh nhi được ông đưa đi lấy thuốc nam và điều trị tại nhà. Trẻ uống 10 ngày thuốc nam.

Ngày 29/11, trẻ xuất hiện các biểu hiện lạ như nói nhiều kèm theo sốt nhẹ nên được đưa đến Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An thăm khám, chữa trị. Bệnh nhi vào viện trong tình trạng mệt, lo lắng, kích động, sợ gió, sợ nước, sốt 38 độ C.

Sau khi vào viện, trẻ được lấy dịch nước bọt, chọc dịch não tủy làm xét nghiệm cho kết quả dương tính với bệnh dại.

Ngày 30/11 tình trạng bệnh nhi diễn biến xấu dần, không ăn uống được, co giật, tăng tiết nhiều dịch nước bọt, gia đình xin đưa trẻ về. Bệnh nhi tử vong ngay sau đó.

Bác sĩ chuyên khoa II Võ Mạnh Hùng, Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An, cho biết dại là bệnh truyền nhiễm do virus dại (thuộc giống Lyssavirus) gây nên.

Bệnh lây từ động vật sang người qua các vết thương, thường do động vật cắn. Biểu hiện của bệnh dại là viêm não tủy cấp tính, đặc biệt là biểu hiện viêm hành tủy, cuối cùng dẫn đến tử vong nếu chưa thu được miễn dịch trước khi phát bệnh.

Các động vật máu nóng như chó, mèo, chồn, dơi... vừa là ổ chứa, vừa là vector lây truyền bệnh dại.

Cho đến nay, chưa có biện pháp điều trị nào có hiệu quả với bệnh dại. Điều trị hỗ trợ chỉ có tác dụng kéo dài thời gian diễn biến của bệnh nhưng hầu hết bệnh nhân đều tử vong.

Tiêm phòng vaccine dại là phương pháp hiệu quả để phòng bệnh. Khi bị chó dại cắn, người dân nên đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tiêm phòng phù hợp, tránh tự điều trị bằng các bài thuốc dân gian, gia truyền và thuốc nam.

Khi người bị động vật nghi dại cắn, người dân cần nhanh chóng xử lý theo trình tự sau:

  • Xử lý vết thương: Rửa ngay vết thương thật kỹ bằng nước xà phòng đặc 20%, rửa lại bằng nước muối sinh lý và bôi các chất sát khuẩn như dung dịch iốt đậm đặc.
  • Vết thương bẩn, dập nát cần cắt lọc.
  • Để hở vết thương. Chỉ khâu lại vết thương sau khi bị cắn trên 5 ngày.
  • Theo dõi súc vật cắn, tuyệt đối không giết chết súc vật cắn.
  • Tiêm phòng vaccine uốn ván.
  • Tiêm phòng vaccine dại.

Cuốn sách Đứa trẻ khỏe mạnh về cảm xúc mang tới cái nhìn toàn diện hơn về vai trò của việc giáo dục trong quá trình định hình tính cách của con trẻ. Trong hành trình nuôi dưỡng một đứa trẻ việc xây dựng một thế giới tinh thần phong phú, quan trọng không kém gì quá trình phát triển về thể chất.

Dịch sốt xuất huyết đang lây lan nhanh, khó kiểm soát

Các chuyên gia cảnh báo sốt xuất huyết đang phát triển để trở nên khó lường và nguy hiểm hơn. Nó không còn diễn biến theo chu kỳ mà mở rộng các vùng lưu hành bệnh.

Kỳ Duyên

Bạn có thể quan tâm