Sáng 5/9, TS.BS Nguyễn Thị Thanh Thúy, Trưởng khoa Nhi tổng hợp, Bệnh viện Tai mũi họng TP.HCM, cho biết đơn vị này vừa tiếp nhận trường hợp bé trai 5 tuổi, ngụ Bình Thuận, bị hoại tử vùng tai phải do kẹt pin điện tử.
Anh Tạ Quang Thành (29 tuổi, ngụ Bình Thuận, cha bệnh nhi) cho biết trong lúc đang chơi đồ chơi hình quả trứng, bé đã nhét hai chiếc pin vào tai phải. Ngay khi phát hiện, cô giáo của bé đã lấy ra được một chiếc, nhưng chiếc còn lại kẹt sâu trong tai nên không lấy ra được.
Sau hai ngày nằm điều trị tại bệnh viện địa phương không tiến triển, gia đình đã đưa bé đến Bệnh viện Tai mũi họng TP.HCM.
Bệnh nhi nhập viện trong tình trạng tỉnh, không sốt, vùng ống tai có nhiều mô hoại tử khó quan sát. Khi chụp CT, các bác sĩ phát hiện trong tai phải của bé có dị vật là chiếc pin điện tử có kích thước 8 mm. Ngay lập tức, các bác sĩ tiến hành nội soi gắp dị vật ra cho bé.
“Hình ảnh nội soi cho thấy xung quanh ống tai, màng nhĩ của bé có nhiều mô hoại tử. Sau khi gắp pin ra ngoài, các bác sĩ đã tiến hành bơm rửa các mô hoại tử. Tuy nhiên, màng nhĩ của bé đã bị mất hoàn toàn, phần cán búa hoại tử một phần. Sắp tới, thính lực của bé sẽ giảm nhiều, dẫn truyền âm thanh chỉ ở mức trung bình”, bác sĩ Thúy nói.
Bé trai bị thủng màng nhĩ hoàn toàn sau khi nhét hai viên pin điện tử vào tai phải. Ảnh. BH. |
Sau khi lấy dị vật, bé được tiêm kháng sinh, kháng viêm, giảm đau và chăm sóc hố tai mỗi ngày. Bác sĩ Thúy cho biết bệnh nhi sẽ tiếp tục được theo dõi trong khoảng 3-6 tháng, nếu tình trạng ổn định, bé phải trải qua một cuộc phẫu thuật màng nhĩ mới có thể lấy lại thính lực bình thường.
Pin điện tử (pin cúc áo) hay còn có tên là pin Lithium, thường gặp nhiều trong các loại đồ chơi trẻ em, có xuất xứ Trung Quốc. Pin có kích thước nhỏ nên nhiều bé nhầm tưởng là kẹo, dễ bỏ vào miệng, mũi, tai. Khi kẹt lại trong cơ thể và tiếp xúc với niêm mạc, nó sẽ tạo ra dòng điện gây bỏng nặng.
“Ngay cả khi pin được lấy ra khỏi cơ thể, nó vẫn có thể tiếp tục gây ra các vết thương nghiêm trọng, hậu quả sau này rất khó lường và không thể nói trước được”, bác sĩ Thúy cảnh báo.
Từ đầu năm đến nay, Bệnh viện Tai mũi họng TP.HCM đã tiếp nhận khoảng 38 trường hợp bệnh nhi bị kẹt dị vật pin điện tử. Đối tượng chủ yếu là các trẻ nhỏ từ 4-6 tuổi.
Phụ huynh nên chú ý không cho trẻ chơi các đồ vật có kích thước nhỏ hay đồ chơi có sử dụng pin điện tử. Dặn dò bé khi nhét dị vật vào vùng tai, mũi, họng,… cần phải báo với cô giáo và phụ huynh ngay lập tức.
Pin điện tử kẹt trong cơ thể sẽ gây các phản ứng hóa học lẫn vật lý trong vòng 24 giờ, do đó, nếu người nhà phát hiện, phải đưa bé ngay đến các cơ sở y tế càng sớm càng tốt.