Với những người đã xem bom tấn Parasite (Ký sinh trùng) của điện ảnh Hàn Quốc, hình ảnh gia đình 4 người sống trong căn hộ chật chội, hôi hám ở tầng bán hầm của một khu chung cư cũ kỹ là khung cảnh đầy ám ảnh.
Trong khi bộ phim đang thắng thế trên đường đua Oscar là tác phẩm hư cấu, căn hộ ở tầng bán hầm lại không như vậy. Kiểu nhà ở này được gọi là banjiha và có hàng nghìn người đang sống ở đó tại thủ đô Seoul, Hàn Quốc.
Banjiha là nơi cư ngụ của hàng nghìn người giữa lòng Seoul. |
Cố gắng vượt qua sự kỳ thị của xã hội
Về cơ bản, ánh sáng mặt trời không thể rọi tới banjiha của Oh kee-cheol (31 tuổi, làm việc trong ngành logistics).
Căn hộ nhận được ít ánh sáng đến mức ngay cả cây nhỏ mọng nước của Oh cũng không thể tồn tại. Mọi người có thể nhìn vào nhà anh từ các cửa sổ. Thanh thiếu niên thỉnh thoảng hút thuốc phía bên ngoài hoặc khạc nhổ xuống đất.
Vào mùa hè, Oh phải chịu đựng độ ẩm khủng khiếp và "chiến đấu" với đám nấm mốc phát triển nhanh chóng.
Phòng tắm nhỏ không có bồn rửa và được nâng lên nửa mét so với sàn nhà. Mỗi lần bước vào trong, chàng trai 31 tuổi phải đứng dang rộng hai chân để tránh bị đập đầu vào trần.
“Khi mới chuyển đến, tôi bị bầm tím khi đập ống chân vào bậc lên xuống hay chà cánh tay vào tường bê tông. Nhưng bây giờ tôi quen rồi. Tôi biết tất cả vị trí có thể va chạm và nơi có ánh sáng”, Oh nói.
Mọi người có thể nhìn vào trong nơi ở của Oh qua cửa sổ. Anh cũng không thể đứng thẳng người trong nhà tắm vì trần quá thấp. |
Cũng như Oh kee-cheol, banjiha là nơi hàng nghìn người trẻ ở xứ sở kim chi chọn sinh sống, làm việc chăm chỉ và hy vọng vào một tương lai tươi sáng hơn.
Banjiha không chỉ là kiến trúc của Seoul, mà còn là sản phẩm của lịch sử. Những không gian nhỏ bé này có nguồn gốc từ nhiều thập kỷ trước, liên quan tới cuộc xung đột giữa Nam và Bắc Triều Tiên.
Lo sợ sự leo thang, năm 1970, chính phủ Hàn Quốc yêu cầu tất cả tòa nhà chung cư mới xây phải có tầng hầm để làm nơi trú ẩn trong trường hợp khẩn cấp.
Ban đầu, việc cho thuê banjiha là bất hợp pháp. Tuy nhiên, trong cuộc khủng hoảng nhà ở vào những năm 1980 tại Seoul, chính phủ buộc phải hợp pháp hóa những căn hộ dưới tầng bán hầm này để người dân có nơi sinh sống.
Năm 2018, Liên Hợp Quốc lưu ý rằng mặc dù Hàn Quốc là nền kinh tế lớn thứ 11 thế giới, việc thiếu nhà ở giá rẻ là rào cản đáng kể, đặc biệt đối với người trẻ và người nghèo.
Đối với những người dưới 35 tuổi, tỷ lệ tiền thuê nhà trên thu nhập hàng tháng vẫn ở mức khoảng 50% trong thập kỷ qua.
Bởi vậy, các căn hộ ở tầng bán hầm đã trở thành lựa chọn hợp lý trong bối cảnh giá nhà đất ngày càng leo thang. Giá thuê banjiha vào khoảng 540.000 won/tháng (453 USD), với mức thu nhập trung bình hàng tháng của người trong độ tuổi 20 là khoảng 2 triệu won (1.679 USD).
Ở Seoul đông đúc với chi phí thuê nhà đắt đỏ, Oh chỉ có khả năng sống trong banjiha để tiết kiệm tiền. |
Thực tế, không ít cư dân sống ở banjiha đang đấu tranh để vượt qua sự kỳ thị của xã hội, nhưng không phải tất cả.
Oh nói: “Tôi thực sự thấy ổn với căn nhà của mình. Tôi chọn sống ở đây để tiết kiệm tiền và để được rất nhiều từ đó. Nhưng tôi nhận thấy bản thân không thể ngăn mọi người thương hại mình. Ở Hàn Quốc, mọi người nghĩ rằng việc sở hữu một chiếc xe hơi hay một ngôi nhà đẹp là điều quan trọng. Và banjiha tượng trưng cho sự nghèo khó”.
“Có lẽ đó là lý do nơi tôi sống quyết định tôi là ai”, chàng trai 31 tuổi nói thêm.
“Tôi không muốn mọi người thương hại chỉ vì sống dưới lòng đất”
Ở nửa chừng phim Parasite, khi nhân vật ông bố Kim Ki-taek cố gắng loại bỏ mùi hôi trên cơ thể, con gái ông lạnh lùng nói: "Đó là mùi của tầng hầm. Mùi sẽ không biến mất trừ khi chúng ta rời khỏi nơi này".
Park Young-jun - nhiếp ảnh gia 26 tuổi - đã xem Parasite ngay sau khi chuyển đến căn hộ dưới tầng bán hầm của mình. Ban đầu, lý do Park chọn banjiha là phù hợp với khả năng chi trả và không gian.
Tuy nhiên, anh không thể lờ đi mùi trong căn hộ sau khi xem phim.
“Tôi không muốn có mùi như gia đình Kim”, anh nói.
Mùa hè năm đó, Park Young-jun đã đốt rất nhiều cây nhang và bật máy hút ẩm gần như mọi lúc. Anh nói rằng bộ phim đã thôi thúc mình sửa chữa và trang trí căn hộ của mình.
“Tôi không muốn mọi người thương hại mình chỉ vì sống ở tầng hầm”, anh giải thích.
Park Young-jun (phải) bị thu hút bởi không gian và giá thuê rẻ của banjiha. |
Park và bạn gái Shim Min đã thực hiện một vlog về quá trình "thay da đổi thịt" cho banjiha của họ. Cả hai rất hài lòng với nơi ở của mình nhưng cũng mất hàng tháng trời để nó được như hiện tại.
“Khi bố mẹ tôi bước vào căn hộ lần đầu tiên, họ mất hết cả tinh thần. Người thuê trước đó nghiện thuốc lá nặng và mẹ tôi không thể chịu được mùi hôi”, Park nói.
Shim - YouTuber 24 tuổi - ban đầu không đồng ý với bạn trai khi anh quyết định sống trong banjiha.
“Tôi từng nghĩ rất tiêu cực về banjiha như trông không an toàn hay khiến tôi nhớ đến mặt tối của thành phố. Tôi lớn lên trong các khu chung cư cao tầng nên không khỏi lo lắng cho bạn trai của mình”, cô nói.
Tuy nhiên, video cải tạo nhà của đôi trẻ nhận được phản hồi tích cực từ dân mạng. Một số thậm chí ghen tỵ với phong cách bài trí trong không gian sống của họ.
Park và Shim dành nhiều tháng để cải tạo căn hộ dưới tầng bán hầm của mình. |
“Chúng tôi yêu ngôi nhà của mình và tự hào về điều cả hai đã làm được ở đây”, Shim Min nói.
Tuy nhiên, không phải vì vậy mà Shim muốn sống ở banjiha mãi mãi.
“Chúng tôi sẽ chuyển lên trên”, cô khẳng định.
Oh kee-cheol cũng đang tiết kiệm tiền để mua căn nhà riêng cho mình. Bằng cách sống ở tầng hầm, anh hy vọng ước mơ của mình sớm thành hiện thực hơn.
“Điều duy nhất tôi thấy hối tiếc là chú mèo của tôi, April, không thể tận hưởng ánh mặt trời qua cửa sổ”, Oh nói.