Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Format-Lifestyle

Bên trong những ngôi chùa tôn trí xá lợi Đức Phật tại Vesak 2025

Không chỉ là nơi tôn trí xá lợi Phật Thích Ca Mâu Ni tại Đại lễ Vesak 2025, những ngôi chùa này còn là biểu tượng văn hóa tâm linh đặc sắc của Phật giáo Việt Nam.

Vesak 2025 anh 1

Đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2025 sẽ diễn ra vào ngày 6-8/5 tại TP.HCM. Đây là lần thứ 4 Việt Nam đăng cai sự kiện tôn giáo - văn hóa có quy mô lớn nhất của cộng đồng Phật giáo toàn cầu, sau 3 kỳ tổ chức thành công vào các năm 2008, 2014 và 2019.

Đáng chú ý, tại Vesak 2025, xá lợi Phật Thích Ca Mâu Ni (bảo vật quốc gia Ấn Độ) sẽ được tôn trí tại bốn ngôi chùa tại Việt Nam, tạo điều kiện để tăng ni, Phật tử và người dân từ mọi miền hành hương và chiêm bái.

Chùa Thanh Tâm - Học viện Phật giáo Việt Nam

  • Ngày tôn trí xá lợi: Từ ngày 2/5 đến trưa 8/5.
  • Địa chỉ: 22 Mai Bá Hương, xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh, TP.HCM.

Chùa Thanh Tâm (hay còn gọi là Chùa Phật Cô Đơn hoặc Bát Bửu Phật Đài), một trong những ngôi chùa nổi tiếng và linh thiêng tại TP.HCM.

Ngôi chùa được khởi dựng vào năm 1955 bởi cư sĩ Lê Chí Bình trên khu đất hiến cúng, chùa chính thức khánh thành vào năm 1956.

Từ năm 1959 đến 1961, chùa xây dựng Bát Bửu Phật Đài để tôn trí tượng Đức Phật Thích Ca Mâu Ni cao 4,8 m, ngang hai gối 4 m, nặng khoảng 4 tấn, đặt trên đài sen cao 1,2 m. Bức tượng do điêu khắc gia Trương Đình Ý thực hiện, đặt giữa không gian rộng lớn, trở thành điểm tựa tâm linh của người dân vùng ven TP.HCM.

Trong thời kỳ chiến tranh, chùa bị bom san bằng, nhưng tượng Phật vẫn nguyên vẹn giữa đồng hoang, từ đó dân gian gọi là “Phật Cô Đơn”. Sau năm 1976, lực lượng thanh niên xung phong và người dân phát hiện, phát tâm trùng tu lại. Đặc biệt, từ năm 2017, chùa chính thức lấy lại tên Thanh Tâm và được chọn là một trong ba cơ sở Phật giáo chính thức, vĩnh viễn tại TP.HCM, cùng với chùa Việt Nam Quốc Tự và chùa Phổ Quang.

Khuôn viên chùa rộng gần 30 ha, thoáng đãng với nhiều cây xanh, tiểu cảnh và không gian thanh tịnh. Bát Bửu Phật Đài có kiến trúc bát giác, cao 3m, bao quanh là 4 cầu thang với 21 bậc dẫn lên tượng Phật.

Đây là nơi thường xuyên diễn ra các lễ hội Phật giáo lớn và các khóa tu học cho Tăng Ni, Phật tử.

Chùa Bà Đen

  • Ngày tôn trí xá lợi: 8-13/5.
  • Địa chỉ: Tọa lạc tại lưng chừng núi Bà Đen, thuộc khu phố Ninh Phú, phường Ninh Sơn, thành phố Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh.

Chùa Bà Đen, hay còn gọi là Linh Sơn Tiên Thạch Tự, là ngôi chùa cổ kính và linh thiêng nằm trên lưng chừng núi Bà Đen - ngọn núi cao nhất miền Nam Việt Nam với độ cao 986m, cách trung tâm thành phố Tây Ninh khoảng 7km về phía Đông Bắc.

Được thành lập vào năm 1745 và xây dựng vào năm 1763, chùa đã trải qua nhiều lần trùng tu, lần gần đây nhất là vào năm 1997. Đây là ngôi chùa cổ nhất tại Tây Ninh, mang đậm nét kiến trúc truyền thống Việt Nam.

Với kiến trúc cổ kính hòa quyện cùng thiên nhiên núi rừng hùng vĩ, Chùa Bà Đen không chỉ là nơi chiêm bái cầu an mà còn là điểm đến du lịch văn hóa - tâm linh đặc sắc của khu vực Đông Nam Bộ.

Ngoài Linh Sơn Tiên Thạch Tự, núi Bà Đen còn có hệ thống 6 ngôi chùa linh thiêng khác, bao gồm:

  • Chùa Linh Sơn Phước Trung: Nằm ở chân núi, được xây dựng từ năm 1876, là điểm khởi đầu cho hành trình hành hương.
  • Chùa Long Châu Phước Trung: Thành lập năm 2006, thờ Linh Sơn Thánh Mẫu, có kiến trúc trang nghiêm.
  • Chùa Linh Sơn Hòa Đồng: Nằm biệt lập ở một góc núi, mang lại cảm giác ấm cúng và thanh tịnh.
  • Chùa Linh Sơn Long Châu (Chùa Hang): Được xây dựng vào năm 1830, thờ Đạt Ma Sư Tổ, Phật Thích Ca Mâu Ni Niết Bàn, và nhiều vị thần khác.
  • Chùa Quan Âm: Nằm ở vị trí cao nhất trong các chùa trên núi, thờ Bồ Tát Quán Thế Âm, có kiến trúc đặc trưng của chùa Nam Bộ.

Du khách có thể đến chùa Bà Đen bằng nhiều phương tiện như xe máy, ôtô hoặc xe khách từ TP.HCM, cách đó khoảng 96 km.

Từ chân núi, có thể lựa chọn đi bộ theo con đường 1.500 bậc hoặc sử dụng hệ thống cáp treo hiện đại để lên chùa, tiết kiệm thời gian và sức lực.

Chùa Quán Sứ

  • Ngày tôn trí xá lợi: 13-16/5.
  • Địa chỉ: Số 73 phố Quán Sứ, phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Được xây dựng và thế kỷ XV, chùa Quán Sứ là một trong những ngôi chùa cổ kính và linh thiêng bậc nhất Hà Nội. Ngôi chùa này không chỉ là trung tâm sinh hoạt tôn giáo quan trọng mà còn là trụ sở của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam từ năm 1980.

Chùa Quán Sứ mang đậm phong cách kiến trúc cổ truyền của miền Bắc Việt Nam. Khuôn viên chùa được thiết kế theo bố cục "nội Công ngoại Quốc", với các hạng mục chính như tam quan, chính điện, nhà khách, thư viện, giảng đường và tăng phòng.

Điểm đặc biệt của chùa là các câu đối và biển hiệu đều được viết bằng chữ Quốc ngữ, thay vì chữ Hán như thường thấy ở các ngôi chùa khác.

Chùa Quán Sứ thờ Phật, Bồ Tát và các vị quốc sư thời nhà Lý. Trong chùa có hai gian: gian bên phải thờ Thiền sư Nguyễn Minh Không cùng hai thị giả; gian bên trái thờ tượng Quan Bình, Châu Sương và tượng Đức Ông.

Chính điện thờ ba vị Tam Thế Phật, tượng Phật A-di-đà, Đại Thế Chí, Quan Thế Âm, Phật Thích Ca, Ca-diếp, A-nan-đà, Địa Tạng và Quan Âm.

Ngoài ra, chùa còn trưng bày bức tượng sáp của Hòa thượng Thích Thanh Tứ, nguyên Phó chủ tịch Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Chùa Tam Chúc

  • Ngày tôn trí xá lợi: 17-21/5.
  • Địa chỉ: Thị trấn Ba Sao, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam.

Cách trung tâm thủ đô Hà Nội 60 km về phía nam, chùa Tam Chúc (Hà Nam) là một trong những quần thể chùa lớn nhất thế giới hiện nay.

Với diện tích lên tới 5.100 ha, bao gồm 1.000 ha hồ nước và 3.000 ha núi đá cùng rừng tự nhiên, chùa Tam Chúc được mệnh danh là “Vịnh Hạ Long trên cạn” nhờ cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ và thơ mộng.

Chùa Tam Chúc được xây dựng trên nền một ngôi chùa cổ có niên đại hơn 1.000 năm, từ thời nhà Đinh. Theo truyền thuyết, vùng đất này gắn liền với câu chuyện “Tiền Lục Nhạc – Hậu Thất Tinh”, kể về bảy nàng tiên nữ bị mê hoặc bởi vẻ đẹp nơi đây mà lưu lại trần gian.

Bảy ngọn núi phía sau chùa được cho là hiện thân của bảy nàng tiên, còn sáu hòn đảo nhỏ giữa hồ Tam Chúc là sáu chiếc chuông nhà trời được mang xuống để gọi các nàng tiên trở về.

Kiến trúc nơi đây kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, bao gồm nhiều công trình ấn tượng: cổng Tam Quan, điện Tam Thế thờ ba pho tượng Phật lớn bằng đồng đen, điện Pháp Chủ với tượng Phật Thích Ca Mâu Ni nặng 150 tấn - tượng đồng lớn nhất Đông Nam Á và điện Quan Âm trang trí tinh xảo.

Nổi bật giữa lòng hồ là Đình Tam Chúc, nơi thờ Hoàng hậu Dương Thị Nguyệt - vợ vua Đinh Tiên Hoàng. Ngoài ra, trên đỉnh núi Thất Tinh là Chùa Ngọc (hay còn gọi là Đàn Tế Trời), được xây dựng hoàn toàn bằng đá granit đỏ, nơi thờ tượng Phật A Di Đà bằng ngọc nặng 1,5 tấn.

Đặc biệt, khu Vườn Cột Kinh với 32 cột đá xanh cao 14m, mỗi cột nặng khoảng 200 tấn, khắc kinh Phật, thể hiện sự trang nghiêm và tôn kính.

Lưu ý, quãng đường từ cổng vào đến các điện chính tại chùa dài khoảng 3-5 km, đoạn dốc, du khách nên sử dụng xe điện để di chuyển để tiết kiệm sức lực. Giá vé xe điện khoảng 90.000 đồng/khứ hồi. Có trạm đón/trả rõ ràng từng điểm trong chùa như Điện Tam Thế, Điện Pháp Chủ...

Mục Du lịch - Ẩm thực gửi tới độc giả những tựa sách hay, truyền cảm hứng xê dịch. Không chỉ là những chuyến du lịch đơn thuần, mỗi tác phẩm kể lại hành trình khám phá, học hỏi nhiều điều hay từ những nền văn minh, địa điểm mới của các tác giả.

> Xem thêm: Sách cho người xê dịch

TP.HCM đăng cai Đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2025

Dịp đại lễ Phật đản Vesak Liên hợp quốc 2025 tại TP.HCM, xá lợi Phật Thích Ca Mâu Ni (bảo vật quốc gia Ấn Độ) sẽ tôn trí nhiều điểm ở Việt Nam, để người dân đến chiêm bái.

Vì sao núi Bà Đen là điểm đến của đại biểu trong đại lễ Vesak 2025?

Đại diện Ủy ban Quốc tế Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc choáng ngợp trước vẻ đẹp của núi Bà Đen trong chuyến khảo sát nơi được chọn là điểm đến của đại lễ Vesak 2025.

Quỳnh Trang

Bạn có thể quan tâm