GS.TS Thái Hồng Quang, Chủ tịch Hội Nội tiết và Đái tháo đường Việt Nam -cảnh báo bệnh đái tháo đường (ĐTĐ) đang tăng nhanh trên toàn thế giới, đặc biệt đối với các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam.
ĐTĐ là bệnh rối loạn chuyển hóa không đồng nhất, có đặc điểm tăng glucose huyết do khiếm khuyết về tiết insulin, về tác động của insulin, hoặc cả hai. Tăng glucose mạn tính trong thời gian dài gây nên những rối loạn chuyển hóa carbohydrate, protide, lipide, gây tổn thương ở nhiều cơ quan khác nhau, đặc biệt ở tim và mạch máu, thận, mắt, thần kinh.
Cắt chi là một trong những biến chứng nguy hiểm mà bệnh nhân đái tháo đường có thể gặp. Ảnh: Hà Quyên. |
Theo Liên đoàn Đái tháo đường quốc tế (IDF), năm 2015 toàn thế giới có 415 triệu người (trong độ tuổi 20-79) bị bệnh ĐTĐ, tương đương cứ 11 người có một người bị ĐTĐ, đến năm 2040 con số này sẽ là 642 triệu, tương đương cứ 10 người có một người mắc bệnh.
Bên cạnh đó, cùng với việc tăng sử dụng thực phẩm không thích hợp, ít hoặc không hoạt động thể lực ở trẻ em, bệnh ĐTĐ type 2 đang có xu hướng tăng ở cả trẻ em, trở thành vấn đề sức khỏe cộng đồng nghiêm trọng.
Ở Việt Nam, năm 1990 của thế kỷ trước, tỷ lệ bệnh ĐTĐ chỉ là 1,1% (Hà Nội), 2,25% (TP.HCM), 0,96% (Huế), hiện nay tỷ lệ mắc ĐTĐ trên toàn quốc ở người trưởng thành là 5.42%. Đặc biệt, tỷ lệ chưa được chẩn đoán trong cộng đồng là 63,6%, tức bệnh nhân đã mắc bệnh nhưng chưa được phát hiện. Khi đó, bệnh sẽ diễn biến âm thầm, dẫn tới các biến chứng nguy hiểm.
Theo kết quả điều tra về các yếu tố nguy cơ của bệnh không lây nhiễm do Bộ Y tế thực hiện năm 2015, ở nhóm tuổi từ 18-69, cho thấy tỷ lệ ĐTĐ toàn quốc là 4,1%, tiền ĐTĐ là 3,6%, trong đó tỷ lệ ĐTĐ được chẩn đoán là 31,1%, tỷ lệ ĐTĐ chưa được chẩn đoán trong cộng đồng là 69,9%. Trong số những người được chẩn đoán, tỷ lệ ĐTĐ được quản lý tại cơ sở y tế: 28,9, tỷ lệ ĐTĐ chưa được quản lý: 71,1%.
Theo GS Quang, ĐTĐ được xem là “kẻ giết người” thầm lặng. Bệnh gây ra những biến chứng nặng nề như mù lòa, cắt cụt chi, suy thận, tai biến mạch máu não, bệnh lý mạch vành, tử vong… trở thành gánh nặng bệnh tật không chỉ đối với người bệnh, gia đình mà còn đối với toàn xã hội, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế, xã hội của mỗi quốc gia. Bệnh là nguyên nhân gây tử vong lớn thứ 4.
“Mặc dù bệnh ĐTĐ rất nguy hiểm như một sát thủ thầm lặng nhưng điều khả quan là có tới 70% trường hợp ĐTĐ type 2 có thể dự phòng hoặc làm chậm xuất hiện bệnh bằng tuân thủ lối sống lành mạnh, dinh dưỡng hợp lý và tăng cường luyện tập thể lực”, GS Quang cho hay.
Hiện các xét nghiệm đường máu và lipid máu có thể giúp phát hiện bệnh từ giai đoạn tiền đái tháo đường để có hướng can thiệp kịp thời, thay đổi lối sống, tránh chuyển sang ĐTĐ.