Bàn chân bẹt xuất hiện gây ảnh hưởng tới xương khớp của bệnh nhân. Ảnh: optima_foot_and_ankle. |
Dù ít được để tâm, bàn chân bẹt hay bàn chân phẳng, bàn chân sập vòm là tình trạng rất phổ biến, ở cả người lớn và trẻ em. Đây là tình trạng mất vòm ở lòng bàn chân, cổ chân vẹo trong, gót chân vẹo ra ngoài, xương sên nằm ở giữa và thường phát hiện khi thấy bàn chân tiếp xúc toàn bộ với mặt đất.
Theo BS Hoàng Bích Thủy, khoa Phục hồi Chức năng, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, trẻ mới sinh ra đều có bàn chân bẹt. Phải tới khi trẻ khoảng 3 tuổi, vòm bàn chân mới hình thành và hoàn chỉnh giống như người lớn vào khoảng 7-10 tuổi.
“Lúc này, lớp mỡ dưới lòng bàn chân trẻ sơ sinh dần biến mất. Tuy nhiên, một số trẻ không phát triển vòm có thể dẫn đến cơ bắp chân bị co thắt, lỏng gân Asin hoặc sự mất ổn định các cấu trúc khác như khu vực quanh khớp háng”, BS Thủy cho hay.
Trên thực tế, những trường hợp này có thể thường xuyên bị trẹo cổ chân, bong gân mắt cá… Tuy nhiên, các triệu chứng thường chỉ xuất hiện khi trẻ lớn tới độ tuổi thanh thiếu niên.
Với trẻ nhỏ, tình trạng này có thể gây đau ở lòng bàn chân và chuột rút về đêm. Trong khi với người lớn, bệnh nhân có thể bị đau như căng cơ ở lòng bàn chân, gót chân, cẳng chân, đầu gối, hông và lưng.
“Trong một số trường hợp nặng hơn, người bệnh còn có thể bị rối loạn dáng đi”, BS Thủy chia sẻ.
Nguyên nhân
Vị chuyên gia cho biết nguyên nhân của bàn chân bẹt liên quan đến khá nhiều yếu tố, trong đó có cả bẩm sinh và mắc phải trong quá trình sinh hoạt.
Bàn chân bẹt ảnh hưởng lớn tới sức khỏe xương khớp và dáng đi khi trưởng thành. Ảnh minh họa: Urgently Ortho. |
Cụ thể, bàn chân bẹt bẩm sinh là bàn chân bẹt xuất hiện trong một năm đầu đời. Việc xuất hiện bàn chân bẹt ở giai đoạn này do sự liên kết lỏng lẻo của dây chằng cũng như mô mỡ dưới lòng bàn chân, làm bàn chân nhìn bị bẹt.
“Trong những năm đầu đời, đến khi trẻ tập đi, chúng sẽ sử dụng toàn bộ bàn chân để tiếp đất nhằm giữ thăng bằng. Việc chuyển trục chịu trọng lượng sang xương bàn ngón chân 1 hoặc 2 có thể gây ra bàn chân bẹt”, BS Thủy giải thích .
Mặt khác, nếu bàn chân bẹt vẫn xuất hiện ở trẻ lớn (trên 8 tuổi) hoặc ở người lớn, bệnh nhân sẽ cần kiểm tra thêm về:
- Tình trạng vận động chung, bao gồm các hội chứng như Ehlers-Danlos (EDH) và hội chứng Down
- Tình trạng trương lực cơ như bại não
- Chỉ số khối cơ thể (BMI) thông qua cân nặng, chiều cao (khả năng béo phì)
- Hình thái khớp sên - gót
- Yếu tố gia đình
Với bàn chân bẹt mắc phải, tình trạng này có thể phát sinh do:
- Đái tháo đường
- Tổn thương bàn chân và mắt cá chân như đứt hoặc rối loạn chức năng của gân cơ chày sau
- Một số tình trạng bệnh lý như tật nứt đốt sống, bại não, cứng khớp, và loạn dưỡng cơ
- Hậu quả của việc mang thai trong một số trường hợp
- Chấn thương
Phát hiện bàn chân bẹt như thế nào?
Về phân loại, bàn chân bẹt cũng có 2 dạng gồm:
Bàn chân bẹt linh hoạt: Vòm bàn chân vẫn xuất hiện khi nâng cao gót (đứng nhón gót) và khi không chịu lực. Tuy nhiên, vòm chân sẽ biến mất khi đứng chịu toàn bộ trọng lực cơ thể.
Bàn chân bẹt cứng: Vòm bàn chân không xuất hiện kể cả khi đứng nhón gót hay không chịu trọng lực, liên quan bệnh lý chính.
BS Thủy hướng dẫn người dân có thể phát hiện tình trạng bàn chân bẹt ở trẻ cũng như người thân thông qua một số cách gồm:
- Bàn chân phẳng hoặc bàn chân hình “võng” (rocker-bottom).
- Ở tư thế đứng, xương gót vẹo ra ngoài rõ, vòm bị tụt xuống và bàn chân vẹo ngoài.
- Về dáng đi, mọi người có thể đánh giá qua gót chân. Nếu người bệnh có thể đi bằng gót chân, phần gân gót có thể vẫn còn linh hoạt.
- Nhìn từ phía sau, chúng ta cần xem có dấu hiệu “quá nhiều ngón chân” hay không.
- Nhìn vào giày dép người bệnh mang, trọng lượng cơ thể phân bố không đều khiến giày dép mòn một bên.
Hướng xử lý bàn chân bẹt
Theo BS Hoàng Bích Thủy, giá trị trong việc điều trị cho bàn chân bẹt linh hoạt hiện vẫn còn khá mơ hồ. Một số bằng chứng cũng cho thấy việc sử dụng giày chỉnh hình có cải thiện bàn chân bẹt linh hoạt ở trẻ em.
Tập luyện một số bài vật lý trị liệu có thể phần nào mang lại hiệu quả. Ảnh minh họa: Love At The First Fit. |
“Đến nay, các bằng chứng khoa đang ủng hộ việc sử dụng những biện pháp không phẫu thuật đối với bàn chân bẹt có triệu chứng đau”, vị chuyên gia cho hay.
Cụ thể, trẻ bàn chân bẹt nên đi giày đế bằng, chắc chắn, có dây buộc, phần trước của giày rộng rãi. Ở trẻ trên 10 tuổi, tình trạng này được coi là bàn chân bẹt vĩnh viễn, có thể sử dụng dụng cụ chỉnh hình để ngăn ngừa các vấn đề thứ phát, đặc biệt là ở trẻ thừa cân hoặc trường hợp hoạt động thể thao nhiều.
Với bàn chân bẹt cứng, BS Thủy cho rằng phẫu thuật nên được xem xét nếu trẻ đã được chẩn đoán chính xác và điều trị triệu chứng không có hiệu quả.
“Hầu hết phương pháp phẫu thuật nhằm sắp xếp lại hình dạng cơ học của bàn chân”, vị chuyên gia nói.
Đối với bàn chân bẹt bẩm sinh, các nhà khoa học đã xác định phương pháp điều trị cần phụ thuộc vào độ tuổi của trẻ:
Ở trẻ dưới 2 tuổi, chúng nên thực hiện thủ thuật cố định và kéo dài gân Asin do khả năng thích ứng của sụn cao hơn. Phương pháp này ít xâm lấn hơn so với các kỹ thuật khác bởi không cần chuyển gân hoặc xương.
Ở trẻ lớn hơn 2 tuổi, việc giải phóng gân bằng cách chuyển gân sẽ được các bác sĩ xem xét. Việc phẫu thuật ở trẻ lớn sẽ khó khăn hơn do những thay đổi thứ cấp của xương khi trẻ lớn lên. BS Thủy nhận định lựa chọn này mang lại hiệu quả tốt nhất ở những trẻ đã biết đứng và đi.
BS Thủy cũng gợi ý một số phương pháp vật lý trị liệu, phục hồi chức năng có thể áp dụng trong các trường hợp bàn chân. Cách làm này có thể giảm thiểu cơn đau, tăng tính linh hoạt của bàn chân, tập sức mạnh cho nhóm cơ yếu.
Cụ thể:
- Khuyến khích đi bộ với chân đất.
- Các bài tập tăng tính linh hoạt có thể kéo giãn cơ bụng chân và cơ mác ngắn, tạo thuận cho vẹo trong và khép bàn chân; kéo giãn gân gót Asin và cơ bắp chân để giảm căng gân gót.
- Các bài tập củng cố như tăng cường sức mạnh cơ, hỗ trợ vòm và vẹo trong; Tập chịu trọng lực trên một chân; Đi bộ bằng cách nhón gót; Tập cảm giác bằng cách đi trên ngón chân và gót chân, chịu trọng lượng bằng một chân và đi lên xuống trên những mặt phẳng nghiêng.
- Vuốt ngón chân vào khăn và bề mặt gồ ghề như đá cuội, đứng bằng bàn chân trước trên cầu thang, duỗi ngón chân và xoè các ngón ra, đi bằng gót chân cũng là những bài tập có ích trong duy trì vòm bàn chân.
- Việc lựa chọn giày dép phù hợp cũng giúp kiểm soát chuyển động, chỉnh hình. Dụng cụ chỉnh hình bàn chân, như miếng lót giày, có thể được sử dụng để hỗ trợ vòm bàn chân khi chân bị đau do bàn chân bẹt.
Một điểm đáng chú ý là những người béo phì và thừa cân nên được tư vấn để giảm cân bằng tập thể dục và chế độ ăn hợp lý, từ đó hạn chế ảnh hưởng của bàn chân bẹt.
Muốn ăn uống lành mạnh nhưng hay stress công việc? Muốn tập thể dục đều đặn nhưng hay làm việc trễ? Mục Sức khỏe của Zing giới thiệu một số sách để đồng hành cùng bạn từ phòng gym đến đường chạy, từ văn phòng đến bếp ăn. Tuyển tập này sẽ cung cấp thêm nhiều lựa chọn, và bớt đi một số nỗi lo trên hành trình cân bằng cuộc sống hiện đại.