Người thân ông S. cho biết khi sinh ra, ông S. đã yếu hơn những đứa trẻ bình thường khác và có dị tật mắt cá ở lòng bàn chân nên phải đi chữa trị. Năm 10 tuổi, lòng bàn chân ông S. bắt đầu xuất hiện những mụn cóc và dần xù xì, lúc đầu mềm sau đó cứng đơ lại.
Mụn cóc bắt đầu phát triển chai sần, nứt nẻ và ngày càng lan rộng khiến bàn tay và bàn chân của ông S. biến dạng, không thể tự mình đi lại hay ăn uống. Hiện tại, việc đi lại của ông S. rất khó khăn, ông phải đi bằng đầu gối và không thể tự tắm rửa hay cầm nắm được thức ăn bằng tay. Lớp sừng ở lòng bàn chân, bàn tay mọc ra như rễ cây và rụng đi khiến ông S. rất đau đớn.
Người thân cho biết đã đưa ông S. đi chữa trị khắp nơi. Năm 2000, gia đình có đưa ông lên Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) chữa, sau đó, sang Bệnh viện Y học Cổ truyền Trung ương nhưng bệnh không thuyên giảm. Hoàn cảnh ông S. rất khó khăn. Bố ông là liệt sĩ, ông được mẹ già hàng ngày chăm sóc bằng khoản tiền trợ cấp vợ liệt sĩ.
Ông Nguyễn Văn S. phải chung sống với bệnh "người cây" suốt 40 năm qua. Ảnh: T.Phương/ Người Lao Động. |
Các bác sĩ da liễu cho biết bệnh của ông Sơn được gọi là người cây (tree man - Epidermodysplasia verruciformis). Bệnh này được phát hiện lần đầu tiên vào những năm 1920. Bệnh "người cây" có tên khoa học là Epidermodysplasia verruciformis (EV). Nguyên nhân gây bệnh được xác định là virus HPV (Human Papillomavirus), có khả năng làm hạn chế hệ miễn dịch ở cơ thể người.
Theo bác sĩ Đỗ Thị Thu Hiền, Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp thuộc Bệnh viện Da liễu Trung ương, nguyên nhân gây bệnh được xác định là virus HPV. Virus này có hơn 30 type gây biểu hiện lâm sàng trên da nhưng có những type có nguy cơ gây bệnh và làm hạn chế hệ miễn dịch ở cơ thể người.
Bệnh lý "người cây" là căn bệnh rối loạn da hiếm gặp và có yếu tố di truyền. Chúng tạo ra các tổn thương giống như mụn cóc, khô ráp như rễ cây trên cơ thể. Các tổn thương thường ở lòng bàn tay, chân, cổ và các vùng tiếp xúc với ánh sáng. Lúc đầu tổn thương chỉ như dạng hạt cơm, mụn cóc, vảy sừng đen trên da, nhưng càng về sau, những mụn này sẽ phát triển và biến dạng trở nên khô ráp như vỏ cây khiến người bệnh đau đớn, nhìn giống như rễ cây bám vào. Với tổn thương này, bệnh nhân có nguy cơ dẫn đến ung thư da, đặc biệt là ung thư tế bào gai.
Bác sĩ Hiền cho biết trước ca bệnh ông S., năm 2006, các bác sĩ Bệnh viện Da liễu từng điều trị và có báo cáo về một ca bệnh "người cây" tương tự. Đó là một nam thanh niên ngoài 20 tuổi, đến bệnh viện khám với những mụn cóc chi chít ở lòng bàn tay, bàn chân.
Căn bệnh này hiện không có thuốc điều trị đặc hiệu, bệnh nhân chỉ có thể can thiệp để loại bỏ khối dày sừng quá nhiều bằng một số phương pháp đốt điện, laser, phẫu thuật,... nhưng cũng chỉ được một thời gian, bệnh sẽ tái phát. Ngoài ra, bệnh nhân được chỉ định sử dụng một số thuốc bôi tại chỗ để giảm hiện tượng sừng hoá nhưng hiệu quả cũng rất thấp.
Theo bác sĩ Hiền, thế giới chưa có thống kê về tỷ lệ mắc căn bệnh này nhưng theo báo cáo năm 2017, đây là căn bệnh cực kỳ hiếm gặp, trên toàn thế giới tới nay mới chỉ ghi nhận khoảng 500 ca bệnh "người cây".