Liên quan tình hình bệnh nhân 91, thông tin từ Tiểu ban Điều trị, Bộ Y tế, vừa cho hay lần đầu tiên, nam phi công đã mỉm cười. Đến 7h sáng 2/6, bệnh nhân tỉnh, có phản xa ho mạnh hơn.
Nam phi công tiên lượng còn nặng dù đã giảm được các thông số ECMO do sức cơ toàn thân còn yếu, đặc biệt yếu các cơ hô hấp và nhiễm trùng phổi với chủng vi khuẩn rất khó điều trị.
Đánh giá sơ bộ về thần kinh cho thấy bệnh nhân tỉnh, có phản xạ ho mạnh hơn và sức cơ tăng: Chi trên 3/5, chi dưới 2/5, cơ hoành phải hoạt động nhưng còn yếu. Bệnh nhân có hội chứng cai thuốc an thần và fentanyl nên hơi bứt rứt và thở nhanh.
Bệnh nhân 91 đang được điều trị tại khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM. Ảnh: N.H. |
Về phổi, oxy bệnh nhân cải thiện thêm, thông khí phổi Vt tăng và ổn định hơn so với các ngày trước, tuy nhiên, vẫn chưa đạt mức có thể cai ECMO do cơ hô hấp còn yếu và còn thở nhanh.
Bệnh nhân đã ngưng lọc máu từ 27/5, có cho furosemide để duy trì lượng nước tiểu, chức năng thận đã hồi phục, BUN, creatinin máu không tăng 3 ngày nay.
Tình trạng chướng bụng giảm, có nhu động lại nên bệnh nhân 91 đã bắt đầu uống nước đường (chướng bụng có thể do hội chứng cai thuốc an thần và fentanyl hoặc do bactrim liều cao).
Bệnh nhân 91 là trường hợp mắc Covid-19 nặng nhất đang điều trị tại nước ta. Anh đang được điều trị tại khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM.
Nam bệnh nhân người Anh đã có nhiều thời điểm thập tử nhất sinh khi phổi gần như đông đặc, từ 10% phổi hoạt động nay đã tăng lên 40%. Kết quả đạt được đến nay được xem là một kỳ tích.
Tối 2/6, BSCKII Trần Thanh Linh, Phó khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM, cho biết những ngày tới, đánh giá để có thể cai ECMO sớm nhất cho bệnh nhân sẽ được ưu tiên hàng đầu để hạn chế những nguy cơ cũng như các biến chứng do phải duy trì việc sử dụng ECMO kéo dài.
Bệnh nhân cũng sẽ tiếp tục được sử dụng kháng sinh điều trị nhiễm trùng của vi khuẩn Burkholderia Cepacia và phòng ngừa những nguy cơ có thể nhiễm khuẩn mới. Song song đó, bệnh nhân sẽ tiếp tục được tập vật lý trị liệu tích cực để sớm phục hồi cải thiện về sức cơ cũng như chức năng hô hấp.
Bác sĩ Linh đánh giá đối với những trường hợp tổn thương phổi đặc thù nhiễm virus SARS-CoV-2 như phi công, tổn thương xơ phổi đặc biệt là giai đoạn này xơ hóa phổi thường nặng. Do đó, dù có thể cai được ECMO, nhưng bệnh nhân vẫn có thể phải phụ thuộc rất lâu với việc thở máy. Sau đó, việc cai máy thở cũng là vấn đề khó khăn, có thể cần thời gian 1 tháng hoặc dài hơn nữa.
“Dù có nhiều cải thiện nhưng tình trạng người bệnh còn nặng và cần rất nhiều thời gian để tiếp tục điều trị cho bệnh nhân này”, bác sĩ Linh nói.