Zing đăng tải bài viết của TS.BS Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM - người trực tiếp điều trị thành công cho hai bệnh nhân đầu tiên mắc Covid-19 tại Việt Nam, về các phương pháp xét nghiệm chẩn đoán virus SARS-CoV-2 và những giả thuyết hiện tại giải thích cho trường hợp người bệnh tái dương tính.
Bệnh nhân Covid-19 tái dương tính xuất hiện làm đau đầu các nhà khoa học, người dân thì hoang mang còn báo tốn nhiều giấy mực để bàn luận. Vậy thực chất của vấn đề này là gì? Để hiểu rõ chúng ta cùng nhắc lại những kiến thức cơ bản nhất về con người và bệnh tật có liên quan.
Kháng nguyên và kháng thể
Kháng nguyên là những chất, sinh vật khi xâm nhập vào cơ thể con người thì được hệ thống miễn dịch nhận biết và kích thích cơ thể sinh ra chuỗi phản ứng của hệ thống tế bào/dịch thể đáp ứng lại sự xâm nhập đó.
Kháng thể là những chất được sinh ra chống lại kháng nguyên khi kháng nguyên này xâm nhập vào cơ thể con người. Cơ thể sau khi tạo ra kháng thể sẽ tìm và kết hợp với kháng nguyên nhằm tiêu diệt/trung hòa/làm mất hoạt tính của kháng nguyên có hại để bảo vệ cơ thể.
Phản ứng kết hợp giữa kháng nguyên và kháng thể rất đặc hiệu. Một kháng nguyên chỉ kết hợp với kháng thể do nó kích thích cơ thể tạo thành. Do đó các loại xét nghiệm tìm kháng nguyên, kháng thể hay phức hợp kháng thể - kháng nguyên là một trong những xét nghiệm có thể được sử dụng giúp xác định con người có nhiễm bệnh do kháng nguyên nào đó xâm nhập vào cơ thể gây ra.
Trong bệnh Covid 19, kháng nguyên là virus SARS-CoV-2. Kháng thể là IgM và IgG.
Hình ảnh phóng đại của virus corona. Ảnh: CDC/Dr. Fred Murphy. |
Các phương pháp xét nghiệm xác định SARS-COV 2
Realtime - PCR (RT-PCR) là phương pháp xét nghiệm phát hiện vật liệu di truyền của virus SARS-CoV-2. Đây là xét nghiệm quan trọng nhất với độ nhạy và đặc hiệu cao nhất. Chính vì vậy, nó được coi là phương pháp xét nghiệm giúp chẩn đoán xác định bệnh.
Tuy nhiên, phương pháp này cần có hệ thống phòng thí nghiệm phức tạp, cho kết quả lâu (vài giờ cho tới vài ngày, tùy thuộc vào cơ sở y tế có sẵn hay phải chuyển mẫu bệnh phẩm đi nơi khác để thực hiện xét nghiệm).
Điểm hạn chế nhất của xét nghiệm này là chỉ xác định được có hay không sự hiện diện của virus trong mẫu bệnh phẩm mà không thể xác định được đó là virus sống, bất hoạt hay đã chết.
Xét nghiệm nhanh tìm SARS-CoV-2 dựa trên nguyên lý bắt cặp đặc hiệu của kháng nguyên - kháng thể. Có 2 loại xét nghiệm nhanh đó là phát hiện kháng thể đặc hiệu và phát hiện kháng nguyên virus SARS-CoV-2.
Xét nghiệm nhanh phát hiện kháng thể là tìm kiếm sự hiện diện hay vắng mặt của kháng thể IgM và IgG đặc hiệu cho SARS-CoV-2 trong mẫu máu. Theo ước tính, các kháng thể này sẽ xuất hiện trong máu sau 7-10 ngày kể từ khi virus xâm nhập vào cơ thể. Ưu điểm của loại xét nghiệm này là đơn giản, dễ thực hiện, cho kết quả nhanh (≤60 phút).
Tuy nhiên, nó cũng có rất nhiều hạn chế, đó là: Thứ nhất, tùy theo chất lượng sản xuất nó có thể cho kết quả dương tính giả do dương tính chéo. Đó là vì cho tới nay, chúng ta biết có tới 6 loại coronavirus gây bệnh cho con người (ngoại trừ SARS-CoV 2 lần này). Những người đã từng mắc bệnh do coronavirus trước đây đã có kháng thể kháng lại loại virus này, từ đó dẫn tới dương tính giả.
Trong thực tế, chúng ta thấy có 3 người thuộc các đối tượng liên quan tới ổ dịch tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) làm xét nghiệm nhanh dương tính nhưng khi làm xét nghiệm RT-PCR lại cho kết quả xác định là âm tính.
Thứ hai, nếu làm xét nghiệm sớm (trước 7 ngày từ khi virus xâm nhập cơ thể), khi lượng kháng thể chưa có hay có ít sẽ cho kết quả âm tính giả ở người thực sự nhiễm bệnh.
Đối với loại dịch bệnh Covid-19 này, có đến trên 85% người nhiễm virus ở thể nhẹ hay thậm trí nhiễm virus không triệu chứng, dẫn tới khó khăn trong việc xác định số lượng người nhiễm virus thực tế.
Từ đó khó phán đoán được quy mô và tiến trình dịch trong cộng đồng. Xét nghiệm nhanh tìm kháng thể khi dùng tầm soát diện rộng trong một cộng đồng sẽ giúp các nhà khoa học phán đoán được tiến trình và quy mô dịch. Ví dụ, nếu kết quả cho thấy phần lớn người dân trong cộng đồng có kháng thể với loại virus gây bệnh, có nghĩa là có rất nhiều người đã nhiễm bệnh và miễn dịch cộng đồng đã được hình thành đánh dấu thời kỳ dịch bệnh sẽ bị chặn đứng và thoái lui.
Xét nghiệm nhanh phát hiện kháng nguyên là xét nghiệm phát hiện virus SARS-CoV-2 dựa trên nguyên lý bắt cặp đặc hiệu giữa kháng nguyên và kháng thể. Người ta sẽ gắn kháng thể đặc hiệu với virus SARS-CoV-2 lên que thử, sau đó sẽ dùng dịch ngoáy họng hoặc dịch hô hấp, tỵ hầu, nước bọt… nhỏ lên que thử. Nếu có phản ứng kháng nguyên kháng thể (biểu hiện bằng chỉ thị màu giống que thử thai) thì có nghĩa là có virus SARS-CoV-2 trong mẫu bệnh phẩm.
Ưu điểm của loại xét nghiệm này là đơn giản, dễ thực hiện, cho kết quả nhanh ( dưới 60 phút), ít bị phụ thuộc vào thời gian virus xâm nhập cơ thể. Do vậy, nó giúp chẩn đoán sớm ngay giai đoạn mới nhiễm (thay vì cần 7-10 ngày sau phơi nhiễm như xét nghiệm phát hiện kháng thể).
Tuy nhiên, nhược điểm của phương pháp này là độ nhạy kém nên dễ gây ra âm tính giả, dễ bỏ sót các ca nhiễm bệnh và gây lan dịch âm thầm trong cộng đồng. Các kết quả dương tính của phương pháp này vẫn cần phải khẳng định lại bằng xét nghiệm RT-PCR.
RT-PCR là phương pháp xét nghiệm với độ nhạy và đặc hiệu cao nhất để chẩn đoán virus SARS-CoV-2. Ảnh: Phạm Thắng. |
3 giả thuyết về hiện tượng tái dương tính
Những bệnh nhân sau khi khỏi bệnh lại phát hiện dương tính trở lại bằng xét nghiệm RT-PCR đã được báo cáo tại nhiều quốc gia như Việt Nam, Nhật Bản, Hàn Quốc… là vấn đề gây đau đầu cho các nhà khoa học do có nhiều giả thuyết được đưa ra để giải thích, nhưng cho tới nay vẫn chưa có kết luận cuối cùng.
Giả thuyết do sai lầm trong xét nghiệm: Giả thuyết này được đặt ra trong giai đoạn vài trường hợp đầu tiên tái dương tính xuất hiện. Tuy nhiên, nhiều trường hợp tái dương tính đã xuất hiện sau đó và những người này đã được xét nghiệm nhiều lần dương tính sau đó. Do đó, trong thực tế, giả thuyết này chỉ đúng trong một vài trường hợp lẻ tẻ.
Giả thuyết do tái phát hay tái nhiễm: Về lý thuyết, hiện nay chưa có thuốc diệt virus đặc hiệu, do vậy việc số lượng virus bị giảm đi và biến mất trong cơ thể người bệnh là do vai trò của kháng thể. Khi khỏi bệnh cũng có nghĩa là kháng thể do cơ thể người bệnh tạo ra đã đủ để tiêu diệt virus. Thường thì kháng thể được tạo ra sẽ tồn tại trong cơ thể người bệnh một khoảng thời gian nào đó (với Covid-19, người ta chưa biết thời gian này là bao lâu).
Kháng thể tồn tại trong con người sẽ giúp tiêu diệt nốt số virus còn “vương vãi” trong một số tế bào và làm cho những virus còn sót lại này không thể phát triển mạnh trở lại để trở thành trường hợp “tái phát”. Đảm bảo nếu có một số virus mới xâm nhập do người khỏi bệnh lại tiếp xúc với nguồn lây thì số virus này cũng sẽ bị kháng thể còn tồn tại tiêu diệt để tránh trường hợp “tái nhiễm”.
Trong thực tế, có một số virus đột biến qua các vòng phát triển, những virus đột biến này có thể trốn thoát được kháng thể tồn tại (đã nêu trên) và phát triển thành bệnh ở những người đã khỏi bệnh dẫn tới các trường hợp tái phát hay tái nhiễm. Giả thuyết này cần có thêm thời gian theo dõi và xác định.
Đến nay, Việt Nam ghi nhận 19 trường hợp tái dương tính với SARS-CoV-2. Ảnh: Việt Hùng. |
Giả thuyết “xác” virus: Khi kháng thể đặc hiệu được cơ thể sản sinh ra đủ để “tổng phản công”, phần lớn virus trong cơ thể sẽ bị tiêu diệt và đào thải ra ngoài cơ thể. Do đó, bệnh nhân có nhiều lần được xét nghiệm âm tính trước khi được khẳng định khỏi bệnh. Đối với người tái dương tính có thể có một trong hai trường hợp sau xảy ra:
Trường hợp thứ nhất, xác của các virus bị tiêu diệt do kháng thể còn nằm vương vãi đâu đó trong cơ thể, dần được “thu gom” trong thời gian hồi phục và được thải ra sau một thời gian khỏi bệnh. Trường hợp này hơi mang tính suy đoán.
Trường hợp thứ hai, trong tổng số virus xâm nhập vào cơ thể người bệnh có một số virus xâm nhập vào các tế bào cơ thể người và nằm yên tại đó mà không tiếp tục phát triển như phần đông “chúng bạn” virus khác. Đến một lúc nào đó hay trong một điều kiện nào đó, chúng sẽ đột nhiên tái hoạt động trở lại.
Cơ chế này đã được biết ở một số chủng virus gây bệnh trước đây. Ví dụ như chủng virus Herpes zoster. Khi còn “niên thiếu”, chủng virus này xâm nhập cơ thể người gây ra bệnh thủy đậu, sau đó có một số virus sẽ ở thể ngủ trong các tế bào thần kinh cho tới khi người bệnh lớn tuổi, chúng có thể sẽ tái hoạt động trở lại gây bệnh Zona.
Trong trường hợp này, virus SARS-CoV-2 từ trạng thái nằm yên thoát ra khỏi tế bào cơ thể người dẫn tới kết quả xét nghiệm RT-PCR kiểm tra tái dương tính.
Tuy nhiên, cho tới nay, trong thực tế đại đa số những trường hợp tái dương tính là những người không có tái phát triệu chứng bệnh và cũng không lây bệnh cho những người tiếp xúc gần.
Điều này dẫn giả thuyết rằng, không may cho virus SARS-CoV-2, do thời gian tái hoạt động trở lại quá ngắn khi lượng kháng thể còn tồn tại nên chúng mau chóng bị tiêu diệt hay làm cho bất hoạt. Kết quả RT-PCR tái dương tính chỉ là xác của virus bị tiêu diệt lần thứ hai.
Các giả thuyết chỉ là giải thuyết, để biết chính xác về bản chất vấn đề tái dương tính, các nhà khoa học cần tiến hành nhiều nghiên cứu sâu hơn để hiểu rõ về bản chất của SARS-CoV-2 - loài virus chủng mới.
Trước mắt, người ta vẫn phải cách ly những người tái dương tính, lấy mẫu làm xét nghiệm RT-PCR mỗi ngày. Nếu mẫu bệnh phẩm nào có kết quả RT-PCR dương tính thì sẽ được đưa vào cấy trong môi trường thuận lợi cho virus mọc.
Bên cạnh đó, các xét nghiệm kháng thể trung hòa cũng được tiến hành song song để xác định khả năng tiêu diệt hoặc bất hoạt virus của kháng thể…
Chỉ mong rằng, không có bất cứ con virus nào mọc lên trong tất cả mẫu cấy để chúng ta yên tâm rằng đó chỉ là “xác” của virus. Nếu có, các giả thuyết mới sẽ ra đời và các nghiên cứu sẽ còn tiếp diễn.