Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bệnh nhân ung thư mòn mỏi chờ Bệnh viện K gỡ phong tỏa

Một số người may mắn được chuyển viện sau khi hết cách ly tại nhà, số khác chỉ biết chờ nơi này gỡ phong tỏa để có thể tiếp tục điều trị.

Hơn một tháng nay, Tạ Lưu Ngọc Anh (27 tuổi, Hòa Bình), bệnh nhân ung thư hạch, ngày nào cũng cứ một lúc lại vào mạng đọc tin tức xem Bệnh viện K cơ sở Tân Triều (Hà Nội) mở cửa trở lại hay chưa.

Do ghi nhận các ca mắc Covid-19, nơi này bị phong tỏa từ 5h30 ngày 7/5, ngừng tiếp nhận người bệnh tới khám, điều trị, trừ trường hợp cấp cứu.

Trước khi bùng dịch, Ngọc Anh điều trị u lympho Hodgkin bằng phương pháp truyền hóa chất, mỗi đợt liên tục 4-7 ngày. Đợt truyền tiếp theo vào đầu tháng 5, cô gọi điện cho bác sĩ và được thông báo Bệnh viện K3 không tiếp nhận bệnh nhân, nếu nặng quá có thể về bệnh viện tuyến tỉnh.

“Mình là trường hợp kháng thuốc, khó chữa trị hơn rất nhiều. Mình liên hệ sang Bệnh viện K cơ sở Tam Hiệp thì được tư vấn chuyển qua Viện Huyết học Truyền máu Trung ương, nhưng họ cũng nói không nhận bệnh nhân K3. Giờ ở nhà không được truyền thuốc, cứ nằm như chờ chết vậy”, Ngọc Anh lo lắng nói.

Benh vien K Tan Trieu bi phong toa anh 1

Ngọc Anh phải nằm ở nhà, không được điều trị hơn 1 tháng nay vì bệnh viện phong tỏa. Ảnh: Bệnh viện K.

Theo lời Ngọc Anh, cơ thể cô khi không có thuốc lại bị nổi hạch, sốt cao 39-40 độ C khoảng 4 lần/ngày, không ăn uống được gì, đau đớn không thể ngủ. Nữ bệnh nhân sút nhiều cân trong một tháng qua, chỉ còn 47 kg trong khi cao hơn 1,60 m.

Ngọc Anh mới sinh con tháng 12 năm ngoái, giờ bé gái được gửi về nhà ông bà nội ở Quảng Bình. Hiện chồng cô là trụ cột kinh tế, vừa lo kiếm tiền, vừa chăm sóc vợ ốm.

“Mình đau yếu, không thể làm việc nên gần hết sạch tiền. Giờ khó khăn lớn nhất là không được vào bệnh viện chữa trị. Nhiều người đồng bệnh với mình cũng kêu không được chữa, bệnh ngày một nặng hơn. Không biết phải chờ đến bao giờ”, Ngọc Anh buồn bã nói.

Bệnh nhân đau, người nhà cũng khổ

Trên một số diễn đàn của bệnh nhân ung thư, nhiều người bày tỏ nỗi lo lắng khi Bệnh viện K cơ sở Tân Triều chưa mở cửa trở lại vì bản thân hoặc người nhà của họ đau ốm, không có thuốc điều trị.

Chồng chị Nguyễn Thủy (Hà Nội) mắc ung thư thanh quản hạ họng, bắt đầu điều trị tại Bệnh viện K từ ngày 17/2. Khi bệnh viện bị phong tỏa, chồng chị đang xạ và truyền.

Theo quy định, vợ chồng chị Thủy phải cách ly tại nhà 21 ngày và làm xét nghiệm Covid-19.

“Lúc đó, chồng tôi ở nhà ăn xông, mở khí quản vì vừa truyền xong không tự ăn được. Bệnh nhân đau, sốt mà người chăm sóc cũng khổ, nhìn xót xa mà không biết làm gì, chỉ biết chờ đợi mỏi mòn”, chị Thủy kể với Zing.

Benh vien K Tan Trieu bi phong toa anh 2

Bệnh viện K cơ sở Tân Triều thực hiện nghiêm “nội bất xuất, ngoại bất nhập” từ 0h ngày 7/5. Toàn bộ hàng quán xung quanh cũng được yêu cầu đóng cửa phòng dịch. Ảnh: Phạm Thắng.

Theo lời khuyên và giúp đỡ của bác sĩ Bệnh viện K3, chị Thủy xin cho chồng chuyển sang Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội từ ngày 8/6 để tiếp tục điều trị.

“Vợ chồng tôi đã đủ thời gian cách ly, có kết quả xét nghiệm âm tính 2 lần nên chỉ cần xin giấy chuyển viện từ Bệnh viện K, chụp ảnh có dấu đỏ là được. Nhiều người không may mắn như chúng tôi, vẫn đang phải chống chọi với cơn đau ở nhà”, chị Thủy nói.

Lo lắng, buồn bã khi nghe tin Bệnh viện K cơ sở Tân Triều bị phong tỏa để phòng dịch cũng là tâm trạng chung của chị Trần Tình (Hưng Yên) và anh Hoàng Linh (Hà Nội).

Chia sẻ với Zing, chị Tình cho hay chị điều trị ung thư vú ở Bệnh viện K 6 năm nay. “Ngày 18/6 tới là lịch khám định kỳ của tôi. Nếu viện chưa hoạt động trở lại thì đành phải đợi thôi chứ cũng không biết làm sao”, chị nói.

Có người nhà đang điều trị ung thư, anh Linh hàng ngày cập nhật tin tức liên quan tới tình hình dịch bệnh. Theo tìm hiểu của anh, tới ngày 9/6, Bệnh viện K vẫn có ca dương tính SARS-CoV-2 nên vẫn chưa gỡ phong tỏa.

“Bệnh viện mới bắt đầu trả các bệnh nhân đủ cách ly 28 ngày và có kết quả xét nghiệm âm tính về địa phương điều trị tiếp. Lúc này, tôi cũng chỉ biết chờ đợi thôi”, anh nói.

Lo lắng nhân đôi

Sáng 7/6, sau khi trải qua 28 ngày cách ly tại Bệnh viện K cơ sở Tân Triều và có kết quả xét nghiệm âm tính 4 lần, anh Lò Văn Dương (26 tuổi, Sơn La) cùng con trai là Lò Bảo Huy (3 tuổi), bệnh nhi ung thư võng mạc, được cho về địa phương tiếp tục cách ly tại nhà theo quy định.

Trước đó, bé Huy trải qua 5 đợt truyền hóa chất thì bệnh viện bị phong tỏa. Không chỉ lo lắng cho sức khỏe của con, anh Dương thêm sốt ruột khi ở quê đã vào mùa làm ruộng, nương. Vợ anh bầu 8 tháng vẫn phải đi làm vì nhà neo người.

“Thời gian cách ly dài có phần bí bách nhưng bố con tôi cũng đồng lòng với bệnh viện. Một số nhà hảo tâm cũng biết đến hoàn cảnh và gửi cho cháu chút tiền quà”, anh nói.

Ông bố trẻ cho biết thêm: “Được về nhà cũng mừng nhưng cũng lo lắm. Bác sĩ nói hết tháng 6, nếu tình hình ở bệnh viện ổn thì mới tiếp nhận bệnh nhân. Tôi hy vọng sớm hết dịch để có thể đưa cháu xuống tiếp tục chạy chữa”.

Benh vien K Tan Trieu bi phong toa anh 3

Trưa 7/5, Bệnh viện K cơ sở Tân Triều được phun khử khuẩn sau khi phát hiện ổ dịch Covid-19. Ảnh: Việt Linh.

Chị Nguyễn Thảo Ngọc (Hải Phòng) phát hiện mắc ung thư vú cuối năm 2020. Trước khi Bệnh viện K3 phong tỏa, chị mới truyền hóa chất được 3 mũi.

“Khi nghe tin viện phong tỏa, tôi cảm thấy rất hoang mang, lo lắng. Tôi là bệnh nhân mà trong viện có ca mắc Covid-19 thì điều trước tiên là sợ lây nhiễm. Bản thân có bệnh nền, tôi xác định dính vào virus sẽ nguy hiểm hơn rất nhiều. Tiếp đó, tôi cũng sợ không được điều trị đúng thời điểm”, chị Ngọc nói.

Sau khi trở về nhà ở Hải Phòng, chị lập tức đi khai báo y tế và chấp hành đầy đủ quy định cách ly tại nhà.

Theo khuyến nghị của bệnh viện và bác sĩ điều trị, sau khi hết cách ly, chị Ngọc tạm thời điều trị tại bệnh viện tuyến tỉnh hơn 20 ngày qua.

“Người bệnh đã khổ, không được điều trị còn khổ hơn. Những người đồng bệnh tôi quen hầu như về chuyển về viện tỉnh điều trị tạm thời vì đang vào hóa chất, ngừng lâu quá không tốt. Một số thì xin sang Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội hoặc Bệnh viện 108”, chị nói.

Chị Ngọc cho hay khi Bệnh viện K cơ sở Tân Triều gỡ phong tỏa, chị sẽ xem xét tình hình dịch để quyết định việc điều trị ở đâu. Nếu vẫn có ca bệnh lây lan ngoài cộng đồng ở Hà Nội, chị sẽ tiếp tục nằm ở tuyến tỉnh.

“Hy vọng tất cả chiến binh K đều có thể vượt qua giai đoạn khó khăn này, giữ vững tinh thần lạc quan để chiến thắng bệnh tật. Chúc tất cả y, bác sĩ nơi tuyến đầu chống dịch cũng như các nhân viên y tế cả nước có sức khỏe thật tốt để cứu chữa bệnh nhân”, chị Ngọc nhắn nhủ.

Công nhân cách ly ở Bắc Giang: ‘Người thân mất nhưng không thể về’

Vay mượn tiền để từ Nghệ An ra Bắc Giang xin làm công nhân, vợ chồng Ngọc Anh - Doãn Linh chưa kịp ổn định thì phải nghỉ việc, ở nhà cách ly cùng 2 con nhỏ hơn 20 ngày qua.

Thiên Nhi

Bạn có thể quan tâm