Ngày 12/4, tại Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Sóc Trăng, ông N.C.S. (48 tuổi, ngụ An Giang) đã được xuất viện sau hơn 2 tháng điều trị bệnh uốn ván. Sức khỏe người đàn ông này phục hồi 70% và giao tiếp được.
Trước đó, ngày 3/2, khoa Cấp cứu BVĐK tỉnh Sóc Trăng tiếp nhận bệnh nhân vô danh, được người đi đường đưa đến trong tình trạng bất tỉnh, viêm mô bàn chân phải và có tiền sử tâm thần phân liệt. Hai ngày sau đó, bệnh nhân ngưng tim, ngưng thở nhưng được bác sĩ hồi sức thành công.
Anh S. được người thân đến bệnh viện đón về quê. Ảnh: Thế Kha. |
Khoa Hồi sức tích cực và Chống độc sau đó tiếp nhận điều trị trường hợp này với chẩn đoán uốn ván toàn thể, tiên lượng nặng, có nguy cơ tử vong. Qua nhiều ngày điều trị, sức khỏe của bệnh nhân tiến triển tốt hơn và được chuyển đến khoa Truyền nhiễm.
Lãnh đạo BVĐK tỉnh Sóc Trăng cho biết cùng việc tích cực điều trị, các bác sĩ thường xuyên thăm hỏi bệnh nhân về quê quán để tìm thân nhân. Khi giao tiếp được, ông đã khai tên, tuổi và nơi thường trú để bác sĩ liên lạc với gia đình.
Bác sĩ Tăng Vũ, Trưởng khoa Truyền nhiễm, BVĐK tỉnh Sóc Trăng, cho biết uốn ván là một loại bệnh cấp tính nguy hiểm, nguy cơ tử vong rất cao do ngoại độc tố (Tetanus exotoxin) của vi khuẩn Clostridium tetani phát triển tại vết thương trong điều kiện yếm khí. Các bào tử của vi khuẩn uốn ván sống trong đất.
Nhiễm khuẩn xảy ra khi bào tử của vi khuẩn uốn ván xâm nhập cơ thể thông qua các thương tổn trên da hoặc vết thương. Bệnh có thể gặp bất kỳ thời gian nào trong năm, không mang tính chất mùa rõ rệt. Thời kỳ ủ bệnh 2-50 ngày (trung bình 5-10 ngày). Các triệu chứng của bệnh uốn ván được biểu hiện là những cơn co cứng cơ kèm theo đau, trước tiên là các cơ nhai, cơ mặt, cơ gáy rồi đến cơ thân.
Đối với ông S., bệnh nhân chỉ còn di chứng của bệnh uốn ván là co cứng 2 chi dưới cần phải tập vật lý trị liệu thêm.
“Người dân nên tiêm vaccine phòng ngừa bệnh uốn ván để bảo vệ sức khỏe và tính mạng chính mình”, bác sĩ Vũ chia sẻ.