Bạn trẻ ăn bánh mì, uống cà phê ở Công viên 30/4 ngày cuối tuần. Ảnh: Duy Hiệu. |
Văn bản được Bộ Y tế gửi đến các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hôm 26/4.
Cơ quan này cho biết tình hình bệnh truyền nhiễm trên thế giới vẫn đang diễn biến phức tạp, trong đó một số bệnh như sởi, ho gà... được ghi nhận gia tăng tại nhiều quốc gia trên thế giới. Tháng 4, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã cảnh báo việc gia tăng số ca mắc bệnh sởi và nguy cơ bùng phát dịch sởi tại nhiều khu vực trên thế giới.
Trong nước, tình hình dịch bệnh truyền nhiễm hiện cơ bản vẫn đang được kiểm soát. Tuy nhiên, trong bối cảnh chung của thế giới, Việt Nam đã ghi nhận rải rác các trường hợp mắc bệnh, các ổ dịch sởi, ho gà, thủy đậu... và bắt đầu có xu hướng tăng ở một số địa phương.
Ngoài ra, một số bệnh lưu hành như tay chân miệng, bệnh dại hiện cũng có số mắc tăng so với cùng kỳ năm 2023. Tháng 4 đã ghi nhận trường hợp tử vong do cúm A(H5N1). Đây là ca mắc thứ 2 kể từ năm 2014, đồng thời ghi nhận trường hợp đầu tiên mắc cúm A (H9N2).
Để chủ động triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh, nhất là trong dịp nghỉ lễ Ngày Chiến thắng 30/4 và Ngày Quốc tế lao động 1/5 và cao điểm du lịch hè 2024 sắp tới, nhu cầu đi lại tăng cao, Bộ Y tế đề nghị sở y tế các địa phương triển khai hoạt động phòng, chống dịch bệnh và công tác tiêm chủng mở rộng.
Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân tại Bệnh viện Đặng Văn Ngữ, Hà Nội. Ảnh: TLB. |
Bên cạnh đó, các đơn vị chú trọng giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, chủ động phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh ngay từ cửa khẩu, trong cộng đồng và tại các cơ sở y tế. Chủ động phân tích tình hình và đánh giá nguy cơ để đề xuất, triển khai các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp, kịp thời.
Các cơ sở xây dựng, triển khai phương án cụ thể sẵn sàng đáp ứng với các tình huống dịch bệnh trên địa bàn dịp nghỉ lễ và cao điểm du lịch hè. Các cơ sở cũng cần triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống, xử lý triệt để ổ dịch, không để bùng phát hoặc phát sinh mới các ổ dịch, nhất là các bệnh truyền nhiễm có số mắc, tử vong cao.
Cụ thể, với bệnh dại, các địa phương cần đảm bảo đủ và tăng cường khả năng tiếp cận của người dân với vaccine phòng dại, huyết thanh kháng dại, đặc biệt tại các khu vực có nguy cơ cao.
Với bệnh sốt xuất huyết, địa phương thực hiện mạnh mẽ chiến dịch truyền thông phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết. Tổ chức các chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng (bọ gậy) phòng chống sốt xuất huyết.
Với bệnh tay chân miệng, các đơn vị cũng cần giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, phát hiện sớm và xử lý kịp thời các ổ dịch mới phát sinh, lấy mẫu xét nghiệm xác định tác nhân gây bệnh; Phối hợp chặt chẽ với ngành giáo dục và đào tạo, hướng dẫn các cơ sở giáo dục nhất là các trường mẫu giáo, trường mầm non, nhà trẻ.
Bệnh được dự phòng bằng vaccine (sởi, ho gà, bạch hầu...) cần đẩy mạnh triển khai kế hoạch tiêm chủng, thực hiện tốt tiêm chủng thường xuyên cho các đối tượng thuộc Chương trình Tiêm chủng mở rộng; tổ chức tiêm bù, tiêm vét cho các trường hợp chưa được tiêm chủng đầy đủ.
Những loại vi khuẩn mang bộ mặt của cừu non
Trong cơ thể người có mọt hệ thống vi sinh vật rất phong phú. Chúng có công rất lớn trong việc xây dựng hàng rào miễn dịch và đề kháng cho cơ thể. Thế nhưng, việc lạm dụng kháng sinh đã gây ảnh hưởng xấu đến hệ vi sinh vật trong cơ thể. Cuốn sách "Siêu tổ chức con người" của tác giả Rodney Dietert đem tới cho bạn đọc những kiến thức hữu ích để bảo vệ hàng rào đề kháng tự nhiên của cơ thể và xây dựng lối sống lành mạnh.