Việt Nam đã trải qua 43 ngày không có ca mắc Covid-19 mới trong cộng đồng. Tuy nhiên, các ca bệnh nhập cảnh vẫn còn và nước ta cần cảnh giác trước nguy cơ bùng phát dịch trở lại.
Bên cạnh đó, sốt xuất huyết cũng là bệnh truyền nhiễm có nguy cơ lây lan mạnh. Tại Hà Nội, từ đầu năm 2020 đến nay, thành phố đã ghi nhận 137 trường hợp mắc sốt xuất huyết tại nhiều quận huyện.
Điều đó khiến nhiều người dân lo ngại nguy cơ "dịch chồng dịch" trong bối cảnh dịch Covid-19 chưa thực sự kết thúc. Về vấn đề này, TS.BS Nguyễn Kim Thư, Trưởng khoa Virus - Ký sinh trùng, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, cho hay đường lây truyền của SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19 và virus lây sốt xuất huyết hoàn toàn khác nhau.
Covid-19 lây qua hô hấp, tiếp xúc qua bề mặt và chạm lên mắt, miệng. Sốt xuất huyết do 4 chủng của virus Dengue gây ra, muỗi vằn Aedes aegypti đốt và truyền virus từ người bệnh sang người lành.
Theo TS Thư, hiện nay, dịch Covid-19 ở nước ta đã được kiểm soát tốt. Nếu người dân có ý thức phòng tránh muỗi đốt thì không có khả năng "dịch chồng dịch" như nhiều người đang lo lắng.
TS.BS Nguyễn Kim Thư, Trưởng khoa Virus - Ký sinh trùng, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Ảnh: Hiệp Nguyễn. |
Tuy nhiên, TS Thư lưu ý sốt xuất huyết phụ thuộc nhiều vào thời tiết. Thời tiết nóng ẩm mưa nhiều như những ngày qua là điều kiện thuận lợi cho muỗi phát triển. Thông thường, tháng 6-7 hàng năm sẽ là đỉnh dịch của sốt xuất huyết.
Mới đây, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã ghi nhận 2 trường hợp mắc sốt xuất huyết nhập viện đều là thanh niên trẻ tuổi. Bệnh nhân có các biểu hiện điển hình như sốt cao liên tục, mắt xung huyết, tiểu cầu giảm...
“Người dân cần hết sức cảnh giác, nếu trong mùa sốt xuất huyết mà có dấu hiệu sốt cao liên tục, nên đến cơ sở y tế thăm khám và làm các xét nghiệm sàng lọc sốt xuất huyết để có hướng điều trị kịp thời, tránh để bệnh diễn biến nặng. Lưu ý, ở giai đoạn đầu, bệnh nhân sốt xuất huyết chỉ có sốt mà ít có các biểu hiện khác nên rất dễ bị nhầm sang sốt virus thông thường”, TS Thư khuyến cáo.
Đặc biệt, sốt xuất huyết có 4 type khác nhau, nên người từng mắc bệnh vẫn có thể tái nhiễm. Trong quá trình điều trị, TS Thư đã từng gặp trường hợp mắc sốt xuất huyết 2 lần trong 2 năm liên tiếp. Chính vì vậy, người dân cần cảnh giác vì khi mắc lần 2, bệnh có thể nặng hơn lần đầu.
Hiện, sốt xuất huyết chưa có vaccine phòng bệnh và thuốc điều trị đặc hiệu. Biện pháp phòng bệnh chủ yếu và hiệu quả là diệt muỗi, diệt loăng quăng/bọ gậy và phòng muỗi đốt, cắt đứt đường lây truyền của muỗi.
Bộ Y tế khuyến cáo người dân đậy kín tất cả dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng. Hàng tuần, thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa/bình bông; bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn; loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá...
Người dân nên ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày. Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch. Khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị, không tự ý điều trị tại nhà.